Cây đa đọt đỏ

Mình còn nặng nợ lắm! Anh nói vậy và bạn bè anh cũng tin vậy. Nhìn bề ngoài, với một vợ và ba đứa con trai đã thấy Siêu vất vả lo cái ăn cái mặc thế nào. Siêu lại còn là trưởng nam bao nhiêu trách nhiệm với gia tộc. Cái bằng tú tài và mớ kiến thức về Đông y của anh do người cha truyền lại chẳng giúp được gì cho vợ con trong thời bao cấp. Thỉnh thoảng anh cũng bắt mạch, bốc thuốc, châm cứu, trồng ít cây thuốc trong vườn nhà nhưng dễ gì sống được vì không được phép hành nghề. Vợ Siêu vừa lo kiếm công điểm vừa tranh thủ nuôi mấy con heo trong nhà. Nhiều lúc Siêu cũng tâm trạng lắm, mấy lần Siêu toan bỏ ra thành phố nhưng nhớ lại cha, Siêu lại không đành.

Xưa ông Cửu giỏi chữ Nho, có chân trong ban nghi lễ chùa làng, miễu xóm. Xuân thu nhị kỳ ông đều có mặt trước bà con mười hai họ tộc của làng Thượng. Ông có giọng đọc văn tế kỳ tài, ngân nga cao thấp. Ông lại văn hay chữ tốt nên hầu như cả làng này đều nhờ ông viết gia phả, đơn từ. Nhờ vậy ông Cửu biết được gia thế, hoàn cảnh, quan hệ thân tộc của hầu hết dân làng. Cứ hỏi “Thằng nhỏ đó con ai?”, ông Cửu sẽ nói như thuộc lòng gốc tích cha mẹ nó. Ông còn thuộc cả mối tình duyên ngày xửa ngày xưa của ông bà nội “thằng nhỏ”. Ông Cửu giỏi nhiều thứ nhưng không bao giờ được tầng lớp lý mục tin dùng vì tính tình cương trực, ngược lại dân làng ai cũng quý và coi như một bậc đại thức giả của chốn heo hút này.

“Con giữ tập giấy chữ Nho này cho kỹ. Đây là bảo vật của làng Thượng. Khi nào thuận lợi, lòng người hòa hợp thì chọn người có đức độ trong làng mà giao lại...”. Trong giờ hấp hối, ông Cửu sai mở cái hộp vuông bằng thiếc đựng gia phả, lấy ra tập giấy dó đã cũ, gói mấy lượt giấy màu trao lại cho Siêu.

Nhiều năm sau chiến tranh, Siêu chưa thấy đâu là cơ hội để thực hiện lời dặn của cha. Nhiều đêm một mình Siêu lặn lội vào ngôi chùa làng đã đổ nát, đốt những nén hương dưới gốc cây đa đọt đỏ cầu khẩn cho làng Thượng trở lại thời thịnh vượng, lễ nghi trên dưới được tôn trọng, có người tài đức đứng ra lo việc làng... để anh giao lại di vật của cha.

Cây đa đọt đỏ ảnh 1

Minh họa: HOÀNG TƯỜNG

Trong một lần như vậy, Siêu buột miệng thành tiếng:

Con quỳ lạy dưới gốc cây

Cho con tạ tội lỗi này của con...

Mùa hè. Thằng Tuyền, bạn học thời tiểu học về quê rủ Siêu lên chùa làng. Hai thằng bạn của bốn chục năm trước để nguyên quần áo nằm lăn kềnh ra vạt cỏ bên bờ sông nhìn lên ngọn cây đa đọt đỏ. Ngôi chùa làng mà thiếu cái cây đa này chắc sẽ trơ trọi lắm, vô nghĩa lắm! Cây như cái hồn của ngôi chùa, cũng là nơi đầy ắp kỷ niệm của lũ nhỏ ngày trước. Những bữa ra sông tắm, chúng trèo lên cành thấp nhất sà xuống rồi thi nhau nhảy ùm xuống. Tắm đã đời, cởi truồng chạy vô quán bà Thu dưới gốc đa mua mấy miếng kẹo đậu phụng hoặc trái ổi chia nhau…

Hồi đó, Tuyền mượn chiếc xe đạp sườn ngang của ông chú mang ra bến chùa tập. Siêu vẫn nhớ nó phải cho Tuyền nửa trái ổi sẻ chín mọng để được bạn cho tập mấy phút. Đến lúc cả xe và người đâm thẳng vô bụi tre bên đường cũng là lúc Tuyền “ních” xong miếng ổi nên nó đòi lại nửa chừng. Siêu giận Tuyền ra mặt, bỏ về. Lần khác, Siêu mượn được cuốn sách hồng viết truyện “Cái ấm đất” rất hay nhưng nhất quyết không cho Tuyền đọc, dù Tuyền sẵn sàng “đền” cho bạn cây bút chì sáp màu rất cần cho bài tập vẽ ở trường…

Giữa trưa, mấy con chim “trói cô bắt cột” kêu vang trên ngọn đa. Tiếng chim gợi nhớ hai thằng bạn những lần hồi hộp nhìn mấy ông anh lớn trèo lên cây đa đọt đỏ bắt mất tổ chim sáo vừa ra ràng trong những bộng cây. Những chú sáo con vừa mọc lông còn lộ màu da non đang há miệng kêu đòi mẹ ngày ấy cứ ám ảnh mãi những thằng bé. Siêu kể ngày mẹ anh bị lính bắt nhốt trong chùa vì “gia đình can cứu”, anh cũng đứng dưới gốc đa này khóc kêu chẳng khác chi mấy con sáo nhỏ mất mẹ. Còn Tuyền thì kể trận lụt năm Giáp Thìn, cả làng ngập chìm trong biển nước, chị Hai nó vừa đẻ đã được đưa lên cổng tam quan chùa để trú ẩn. Đứa con còn đỏ hỏn của chị đói sữa khóc thất thanh suốt đêm…

Trước cổng tam quan ngôi chùa, Tuyền còn nhớ có mấy câu đối xưa ghi lại sự tích và tên các tộc họ tiền hiền có công khai phá và xây dựng làng Thượng từ gần năm trăm năm trước. Cây đa đọt đỏ bên hông chùa làng qua mấy chục năm chiến tranh, lắm lần bị máy bay địch cố ném bom cho sập nhưng vẫn đứng vững. Cho đến ngày cả làng quyết tâm xây dựng lại ngôi chùa…

Cây đa có phần gốc to đến ba người ôm không xuể cũng được chăm sóc kỹ lưỡng, xây đá, trồng cỏ chung quanh để bảo vệ và tạo cảnh quan. Chỉ khác ngày xưa, dưới gốc đa không còn tấm bia đá cổ ghi chữ Phạn và những ông bình vôi, ông táo đất ngổn ngang. Người ta còn có sáng kiến mắc nhiều dây điện trang trí lên các cành đa và bật đèn sáng nhiều màu vào những ngày lễ tết. Ngôi chùa làng được phục dựng có sự đóng góp của gia đình bác sĩ Tuyền và nhiều người khá giả khác trong số dân làng đang làm ăn ở xa…

Dưới bóng râm của cây đa, cả hai người bạn đều vui mừng với một công trình vừa được công nhận là di tích lịch sử này. Bác sĩ Tuyền còn tính chuyện làm sao biến khu vực này trở thành một công viên văn hóa của làng, có cả một thư viện cho trẻ em và những ghế đá cho người già hóng mát…

Siêu thức mấy đêm liền ngồi vẽ cho gia đình bác sĩ Tuyền tấm phả đồ trên vải lụa. Tộc Trần nhà Tuyền di cư vào làng Thượng đến nay đã 17 đời từ Thanh Hóa, tính ra cũng khoảng thời chúa Nguyễn Hoàng vào Quảng Nam. Vậy mà mấy cuốn gia phả viết bằng chữ Nho, rồi nhuận sắc bằng chữ Nôm mấy lần đã viết lại lời mở đầu làm sai lệch thời gian đến hơn cả trăm năm, lùi về thời Hồng Đức. Nhưng thôi kệ, trên phả đồ chẳng ai ghi năm tháng làm gì! Anh đâu lạ gì chuyện tộc họ nào cũng đều muốn làm tiền hiền làng từ xưa nên cứ đôn thời gian lên. Làng vì vậy cứ xào xáo, ganh tỵ luôn giữa các vị trưởng tộc, tuy có lúc âm thầm, có lúc bột phát.

Lần làm chùa cách đây khoảng trăm rưỡi năm, trong lễ an vị, các trưởng tộc từng gây gổ và đánh nhau một trận tưng bừng sau tiệc rượu. Tập giấy dó ghi công đức của tiền hiền các tộc khai canh và lời răn dạy của người xưa trong cơn ẩu đả đó đã bị hất văng ra bến sông. Ông nội của Siêu đã nhặt được, mang truyền lại cho con là ông Cửu. Ông Cửu truyền lại cho Siêu. Chùa làng được phục dựng xong, mấy lần Siêu định mang tập tài liệu cũ giao cho ban trị sự nhưng chẳng hiểu sao anh cứ lần khân mãi…

Trở về với công việc làm phả đồ. Tộc Trần nhà bác sĩ Tuyền đến đời thứ 14 của anh nhiều người đỗ đạt, thành danh nhờ hồng phúc ông bà đâu không thấy, chỉ biết những người đàn bà về làm dâu nhà này là con gái họ Phan vốn rất giỏi giang, tảo tần buôn bán, cả làng Thượng ai cũng biết. Bà nội Tuyên là một người như vậy, lại còn biết ít chữ nên nuôi dạy con cái thoát ra nghề nông bằng con đường học tập. Bà là con gái tộc Phan nhà Siêu, nên rốt cuộc anh và Tuyền có bà con nội ngoại với nhau. Mà cả làng này đều vậy. Có nhà bà nội, mẹ và con dâu đều cùng một tộc đến làm vợ các ông nội, cha và con trai tộc kia. Một lần Siêu dự đám cưới và nhận ra bất kỳ hai người nào ngồi cạnh nhau trong bàn cũng có bà con xa gần với nhau, cùng lắm cũng là có quan hệ thông gia. Có lẽ vì đó nên khi hô hào đóng góp làm lại ngôi chùa làng thì trăm người như một, tuy gia cảnh khác nhau, kể cả những người đi làm ăn xa, có chút của nả đều góp tiền hoặc bỏ công sức ra làm.

Nhưng mấy chục năm ở làng, Siêu lại hiểu thêm mặt trái của đời sống. Người ta chẳng tiếc điều gì trong hoạn nạn nhưng lại tranh nhau từng gốc tre, bụi chuối ngày thường. Vừa đối diện với bức phả đồ, Siêu vừa nghĩ ngợi…

Anh vẽ đến đêm thứ năm thì xong. Đêm ấy, anh thức đến gần ba giờ sáng. Vừa ngả lưng chưa bao lâu, cậu Sáu, người được phân công làm ông từ chùa làng hớt hải chạy vô la toáng lên:

 - Chú ra chùa coi giùm tui, không biết cây đa có chuyện gì mà không thấy ra lá nữa.

- Thì mùa này nó rụng lá là thường, chớ có chi mà cậu lo! - Siêu vừa dụi mắt vừa nói.

 - Năm nào cũng rụng nhưng đến giữa tháng Giêng thì trổ lộc. Bây giờ là nửa tháng Hai rồi mà nó cứ trơ trơ…

Siêu có để ý đến hiện tượng này nhưng anh nghĩ chắc là do khí hậu biến đổi. Anh bước ra ngoài hiên, vươn vai mấy cái rồi nói:

- Thôi, cậu cứ về đi. Mốt là ngày rằm, bắt đầu lễ Kỳ Yên, có mấy vị cao niên dự ta xem xét luôn thể…

Kỳ Yên năm đó cũng có đoàn hát bội về làm lễ tế và diễn cho dân làng xem. Tuy vậy, không khí có vẻ nằng nặng khi cây đa đọt đỏ chưa trổ lộc. Các bô lão quyết định giao cho Siêu mời một cán bộ lâm sinh trên tỉnh, cũng là rể của làng về nghiên cứu. Kết quả đau xót - như một cái tang của cả làng Thượng: cây đa đọt đỏ có tuổi thọ đến mấy trăm năm đã chết vì lão hóa!

Một nhóm bô lão quyền thế bèn quyết định cưa hạ cây đa bán cho tiệm gỗ trước sự phản đối của nhiều vị khác vì có những tình tiết thiếu minh bạch nào đó.

Cây đa đọt đỏ không còn nữa, mái chùa làng như mồ côi đứng trơ trọi bên bến sông. Tết năm đó, Siêu một mình mở tập giấy dó của ông Cửu để lại, anh lẩm nhẩm đọc: “…Chùa là linh khí của làng. Cháu con muôn đời phải gìn giữ và một lòng yêu thương nhau. Tiền nhân chỉ trồng duy nhất cây đa đọt đỏ trước chùa, để nhắc nhớ tất cả con dân của làng phải luôn là một khối, không phân biệt tộc họ, sang hèn…”. Đọc xong, anh nằm khóc gần hai tiếng đồng hồ trước khi viết đơn xin trả lại tài liệu này cho làng và xin thôi mọi nhiệm vụ trong các nghi lễ ở chùa.

Nghe kể rằng bác sĩ Tuyền về quê trong dịp tết năm đó đã lái xe rẽ đi đường khác từ phía làng Hạ, như để tránh nhìn thấy ngôi chùa làng đơn lẻ. Cúng gia tiên xong, trưa mồng một anh ghé thăm Siêu vài phút rồi lặng lẽ ra phố theo lối cũ…

Tháng 10-2012

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm