Cha mẹ dẫn con buôn bán xuyên đêm, xử sao?

Trên địa bàn TP.HCM rất dễ bắt gặp ở nơi tụ tập đông người những bậc cha mẹ bán tăm bông, kẹo cao su, vé số… dẫn theo những đứa trẻ. Chúng thành trợ lý đắc lực của cha mẹ khi ra sức mời mọc “Cô chú thương tình mua giúp”.

Cam kết không dắt trẻ đi xin ăn, buôn bán

Ghi nhận tại khu phố Tây Bùi Viện tối 6-12, nhiều trẻ đi kèm cha mẹ hoặc có khi cha mẹ đứng cách đó một quãng, các em tự đi bán túi hạt dẻ, vé số, kẹo cao su. Cá biệt có em còn cầm bình xăng cho mẹ phun lửa mua vui cho khách. Không nhiều thì ít những hình ảnh trên đã gợi nên sự thương cảm, xót xa cho các thực khách.

Mới đây (ngày 30-11), thực hiện công tác tuần tra quản lý địa bàn, UBND phường Phạm Ngũ Lão đã ra quân tập trung thu gom trẻ lang thang, xin ăn trên tuyến đường Bùi Viện từ lúc 10 giờ đêm đến 2 giờ 30 sáng. Lực lượng chức năng đã phát hiện và thu gom tám đối tượng dắt theo trẻ đi bán kẹo cao su, xin ăn... trên địa bàn phường. Các đối tượng này được đưa về trụ sở công an phường để lập biên bản lấy lời khai. Hầu hết đều cho biết từ nơi khác đến địa bàn phường mưu sinh, do hoàn cảnh khó khăn nên dẫn con theo. Các em trong độ tuổi từ tám tháng đến chín tuổi. Sau khi lập biên bản ghi lời khai, tổ công tác yêu cầu các đối tượng làm cam kết không dắt trẻ đi xin ăn, buôn bán lang thang trên địa bàn phường.

Ông Lê Tấn Đạt, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão, cho biết địa bàn phường thường xuất hiện những trường hợp cha mẹ mưu sinh dắt theo con nhỏ, trong đó có mục đích làm cho những người xung quanh thấy tội nghiệp mà mua giúp hàng rong, vé số. Đa phần những trường hợp này đều có nơi cư trú ổn định nên không thể xử lý theo diện lang thang, thu gom đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Phương thức của những nhóm người này là không ở cố định một chỗ mà lựa hàng quán đông ghé vào một chút rồi đi, cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết tình hình. “Nếu đối tượng có những hành vi ngược đãi như đánh đập trẻ thì có quy định xử lý, còn đây là cha mẹ của trẻ, họ chỉ dắt theo để cùng đi buôn bán. Mặt khác, theo quy định pháp luật, cha mẹ cũng là người giám hộ cho con chưa thành niên” - ông Đạt nói về vướng mắc khi xử lý những đối tượng này.

Hai phụ huynh đang viết cam kết không dắt con đi bán hàng rong tại Công an phường Phạm Ngũ Lão. Ảnh: DD

Một đứa trẻ cầm bình xăng cho mẹ phun lửa mua vui cho khách tại phố Tây Bùi Viện. (Ảnh chụp tối 6-12) Ảnh: H.LAN

Tái phạm sẽ xem xét tước quyền làm cha mẹ

Theo ông Nguyễn Văn Tính, Phó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, về nguyên tắc, gia đình khó khăn thì trẻ em có thể tham gia phụ giúp gia đình, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo trẻ em hưởng đầy đủ các quyền đi học, vui chơi, giải trí. Nếu trẻ làm ban đêm và quá giờ quy định thì công an, tư pháp, cán bộ trẻ em phải mời cha mẹ đến làm cam kết, nếu phát hiện lần thứ hai sẽ xem xét tước quyền làm cha mẹ, tập trung đưa trẻ vào cơ sở bảo trợ xã hội. Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã xử lý nhiều trường hợp cha mẹ cho trẻ bán kẹo cao su, vé số sau 5 giờ chiều, thời điểm trẻ em dễ bị lạm dụng, bắt cóc, tống tiền...

Ông Tính cho biết Sở sẽ sẵn sàng xử lý nếu tiếp nhận thông tin về các trường hợp trẻ bị lạm dụng lao động quá giờ ở các địa bàn. Ông Tính cho hay cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp xử lý chủ yếu dựa theo Luật Trẻ em. Theo luật, trẻ em có quyền được hưởng đầy đủ các quyền như vui chơi, giải trí, học tập và được chăm sóc để phát triển toàn diện, không được bóc lột sức lao động của trẻ. Hiện các nghị định hướng dẫn vẫn không quy định cụ thể như cấm trẻ em đi bán hàng. Trừ khi có bằng chứng trẻ bị lợi dụng buôn bán vé số, kẹo cao su, tăm bông trá hình với mục tiêu ăn xin sẽ bị đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định quản lý người lang thang ăn xin. Trường hợp này vẫn cho phép gia đình bảo lãnh và làm cam kết, lần thứ hai phụ huynh còn lợi dụng trẻ thì sẽ cách ly cha mẹ và đưa trẻ vào cơ sở chăm sóc.

Vừa qua có một số trẻ buôn bán kẹo cao su ở quận 1, Công viên 23-9 vào buổi tối nhưng có địa chỉ ở quận 7. Sở LĐ-TB&XH đã cùng các cơ quan chức năng địa phương chụp ảnh, xác định rõ địa chỉ rồi mời ông bà, cha mẹ trẻ đến phường, yêu cầu cam kết nếu bị phát hiện lần hai sẽ bị tước quyền làm cha mẹ và đưa vào cơ sở bảo trợ nên có chuyển biến. Hồ sơ được gửi cho UBND quận và Sở LĐ-TB&XH TP và địa phương nơi đối tượng cư trú nắm để có cơ sở xử lý tiếp theo.

Thẩm quyền tước quyền làm cha mẹ là do TAND quận, huyện hoặc xét trên yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và gia đình như UBND phường, xã, hội liên hiệp phụ nữ. Hiện nhiều địa phương vẫn không nắm rõ quy định dẫn đến lúng túng khi xử lý.

Sở LĐ-TB&XH TP đang tập huấn cho hội phụ nữ, phòng LĐ-TB&XH các quận, huyện mạnh dạn làm, hy vọng thời gian tới sẽ nhất quán thực hiện, đảm bảo quyền lợi của trẻ em.

Ông NGUYỄN VĂN TÍNHPhó Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm