Chó mèo cào nát tình làng xóm

 “Chúng tôi thường xuyên yêu cầu người dân đừng đưa chó vào công viên “vệ sinh” nữa nhưng tình hình cứ tái diễn hoài. Thậm chí có một bảo vệ bị họ đánh vì “cái tội” nhắc nhở nữa kìa” - bảo vệ Công viên 23-9, khu B xin giấu tên chia sẻ với PV như thế.

Chó thả rông vô tư “làm bậy” ở xã Tân Thới Nhì (Hóc Môn, TP.HCM). Ảnh: HL

1.001 kiểu khổ vì chó!

Ở khu phố 2, phường Tân Hưng Thuận, quận 12, chó mèo thả rông là đề tài thường xuyên ở các cuộc họp tổ dân phố. Còn người bán hủ tiếu trong khu vực thì than: “Sáng nào tôi cũng phải quét dọn phân chó rồi mới dọn hàng ăn bán được. Khổ hết biết. Chắc chưa ai bị phạt vụ này nên chẳng ai sợ!”.

Chỉ bánh xe dính đầy phân chó, ông Hải (55/3H đường số 1, phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM) bực mình: “Trước hẻm nhà tôi có hộ nuôi gần năm con chó, không nhốt mà cứ thả rông. Chó bạ đâu “ị” đấy nên những lúc đi công chuyện ban đêm hoặc sáng sớm là xe tôi cán lên phân chó, tởm hết sức. Có lần không phát hiện bánh xe dính phân chó nên tôi đẩy xe vô nhà. Chỉ một lát mùi hôi thối bốc lên khiến cả nhà bỏ bữa ăn sáng”.

Ông Hải nhiều lần gặp người nuôi chó nói phải quấy nhưng người này còn thách ông thưa với chính quyền. “Càng phản ánh người nuôi chó càng làm tới. Họ còn dẫn chó phóng uế tại bãi đất trống trước nhà tôi khiến mùi ô uế thêm trầm trọng. Chỉ mong cơ quan thú y TP.HCM cho xe tới bắt hết chó thả rông trước hẻm cho rồi” - ông Hải nói.

Tương tự, ông Hiển (21/2B ấp Mỹ Huề, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) bực bội: “Vùng quê nhà nào cũng rộng, nhiều đất, vậy mà cứ thả chó chạy rông ngoài đường. Chó lạ gặp nhau là sủa, xông vào cắn, inh ỏi cả xóm. Cháu nội tôi có lần đạp xe đụng con chó chạy ngang đường hẻm, té trầy tay trầy chân. Đâu chỉ vậy, trên đường đến thăm người quen, tôi còn bị con chó chạy theo cắn, phải đi chích ngừa. Tôi ủng hộ việc TP.HCM chỉ đạo cơ quan chức năng bắt hết chó mèo thả rông”.

Chó nuôi đang được nhân viên thú y tiêm ngừa bệnh dại. Ảnh: TN 

Không biết chích ngừa ở đâu

Bên cạnh những phiền phức ở vấn đề vệ sinh, người dân hiện còn đang lo ngại nguy cơ bệnh dại từ chó mèo nếu chẳng may bị chúng cắn phải.

Quỹ đất rộng rãi nên nuôi chó ở khu vực ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ thoải mái hơn. Đa số người dân nuôi chó để giữ nhà. Nhưng nhiều người dân ở đây vẫn chưa quan tâm đúng mức đến việc chích ngừa bệnh dại cho chó hoặc muốn đưa chó đi chích ngừa thì không biết chích ở đâu.

Anh Trần Tuấn Đạt, ngụ tổ 4, ấp 3, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi vui mừng cho biết tuần trước cán bộ thú y mới tới tận nhà để chích ngừa cho ba con chó. “Nuôi chó lâu nay nhưng chưa bao giờ chích ngừa cho nó cả, vì không biết đem tới đâu. Thỉnh thoảng nó bệnh thì nhờ cán bộ chích bò chích giùm. Nhà có mấy đứa nhỏ hay chơi với chó và bị nó cắn quào thường xuyên nên tôi cũng lo lắm. Nếu chích ngừa rồi, lỡ nó có ra đường cắn ai thì cũng đỡ cho mình và cho người ta” - anh Đạt nói.

Cách nhà anh Đạt không xa là nhà bà Đặng Thị Ngọc, tổ 3 có hai con chó mới xin được hai tháng chưa chích ngừa. Hai đứa cháu của bà vẫn vô tư chơi đùa với nó. Khi được hỏi về mối lo chó bị bệnh dại, bà Ngọc nói: “Tui chỉ lo nó chạy ra đường người ta bắt mất hoặc gây tai nạn cho người ta thôi. Nuôi chó chưa kịp lớn thì bị bắt hết rồi nên tui mới xin thêm hai con đó, thấy chúng khỏe mạnh chứ không có biểu hiện gì. Mà tui cũng không biết chỗ nào để mà đưa nó đi chích cả. Mấy đợt trước cán bộ thú y biết thì tới chích chứ tui cũng không có thông báo cho ai để tới cả!”.

Tuy nhiên, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM (Sở NN&PTNT TP.HCM), cho biết TP.HCM luôn đảm bảo trên 90% chó mèo nuôi được tiêm ngừa dại mỗi năm. Chó mèo sau khi tiêm dại được bảo hộ miễn dịch đến một năm. Từ đầu năm 2014 đến nay, TP.HCM đã tiêm ngừa bệnh dại chó mèo đạt khoảng 60%. Số còn lại chưa tới thời điểm tiêm phòng vì vẫn còn miễn dịch. Người nuôi muốn được tiêm ngừa bệnh dại chó mèo thì liên hệ với cộng tác viên thú y phường, xã hoặc trạm thú y quận, huyện. Cũng theo ông Phát, một trong những công tác của Chi cục Thú y TP.HCM là phối hợp UBND phường, xã tổ chức các buổi tuyên truyền phòng ngừa bệnh dại với các nội dung: Không nuôi chó mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương. Không nuôi chó mèo không tiêm phòng bệnh dại. Không nuôi chó thả rông. Không để chó cắn người. Không nuôi chó mèo gây ô nhiễm môi trường.

 

Khoản 1 Điều 5 và khoản 1 Điều 7 của Nghị định 167/2013 có nội dung: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau: Thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng. Để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng. Nuôi gia súc, gia cầm, động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư”. Bên cạnh đó khoản 1 Điều 67 của nghị định này cho phép chủ tịch UBND phường, xã có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền hành vi thả rông động vật nuôi, để động vật nuôi phóng uế nơi công cộng, nuôi động vật gây mất vệ sinh khu dân cư.

***

Họ đã nói

Thỉnh thoảng bà con lên xã phản ánh chó ông B “tè” trước cổng nhà, mèo bà C “ị” trên đường hẻm… Những lúc như thế, UBND xã chỉ biết nhờ trưởng ấp hoặc tổ trưởng nhắc nhở ông B, bà C đừng thả chó mèo chạy rông. Muốn phạt ông B, bà C để chó mèo phóng uế nơi công cộng phải có chứng cứ. Tuy nhiên, chó mèo “ị” hoặc “tè” xong là bỏ chạy nên không thể khẳng định “cục nợ” là của chó ông B hoặc mèo bà C, không thể lập biên bản xử phạt. Việc xử phạt người nuôi chó gây mất vệ sinh ở khu dân cư cũng không dễ. Muốn ra quyết định xử phạt phải xác định mức độ gây ô nhiễm thông qua máy đo, không thể dựa vào cảm quan. Tuy nhiên, việc này UBND xã không thể làm được.

Bà NGUYỄN THỊ THANH TRÚC, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Chánh (huyện Hóc Môn, TP.HCM)

Mặc dù có quy định xử phạt nhưng thực thi không dễ. Xử phạt phải có bằng chứng. Muốn phạt ông A hành vi thả rông chó ngoài đường thì phải bắt chó ông A nhốt lại. Tuy nhiên, người bắt chó phải được tập huấn và có dụng cụ. Chó bắt xong phải nhốt, phải cho ăn và dọn dẹp hằng ngày để không hôi thối. Vì vậy phải xây thêm chỗ nhốt chó, phải có người cho chó ăn, vệ sinh mỗi ngày. Tuy nhiên, những điều nói trên ngoài tầm tay của UBND phường. Chỉ có Chi cục Thú y TP.HCM mới có đội bắt chó chuyên nghiệp và cũng chỉ có cơ quan này mới phạt được chủ chó nuôi thả rông.

Ông NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A (Bình Tân, TP.HCM)

TRẦN NGỌC - HOÀNG LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm