Chợ tết bắt đầu khi… chưa tết

Đâu hẳn như vậy. “Một hôm bước chân vào giữa chợ” (Trịnh Công Sơn) mới ngày mùng 10 tháng Chạp đi vào chợ Ga - một ngôi chợ nhỏ trong khu vực Phú Nhuận, ngoài những sạp hàng bán cá, thịt, rau, trái cây hằng ngày lại xuất hiện thêm những gian hàng đổ đống những thứ dành riêng cho tết. Nói gian hàng có vẻ to tát chứ thực ra chỉ là một tấm nylon trên một khoảnh đất nhỏ đầy những mặt hàng mà những gia đình người Việt thường hay dùng trong ba ngày tết. Nào là những củ dưa kiệu, củ hành tươi còn cả gốc và màu đen của đất được đổ thành từng đống nhỏ. Nào là những cây hoa mai, đào, cúc bằng nhựa đủ màu sắc chỉ phù hợp cho những gia đình nghèo, bình dân muốn tìm màu tươi của mùa xuân cho ngôi nhà được rực rỡ trong ba ngày xuân. Nào là tấm áo, manh quần mới dành cho trẻ thơ để chúng có được cái rạo rực của tuổi nhỏ đón cái tết về. Rồi những món quà không thể thiếu được trong ba ngày tết như mứt gừng, mứt me, mứt bí trong những túi, những gói màu hồng tươi - màu sắc gần như chủ đạo của những món hàng tết. Cầu mong sao những món hàng cần thiết để biểu thị cho một cái tết không bị “biến chất” bởi hóa chất hay hàng Trung Quốc để người dân có một cái tết yên tâm như những cái tết ngày xưa cũ. Chỉ sợ thiếu tiền chứ không sợ mua đồ rẻ có ướp tẩm đầy hương vị ngọt ngào của hóa chất kịch độc.

Từ ngày 20 trở đi, không khí chợ tết ở Sài Gòn đã khá tấp nập.

Chợ nhỏ-nghèo trong một khu phố lao động nên hàng hóa cũng tầm tầm bình dân. Rộn rã nhất là những hàng thịt heo, với số lượng thịt tăng gần gấp đôi ngày thường. Cạnh những quầy thịt heo là những sạp bán hột vịt tươi cho đủ cặp trong nồi thịt kho tàu dành để dùng dần suốt ba ngày tết. Những lồng gà đang úp sọt những con gà đi bộ khỏe mạnh cất tiếng gáy vang trong một khoảnh chợ. Đâu đó tiếng rao mời chào khách hàng mua những bao lì xì đỏ cho em nhỏ nó mừng… Không thể thiếu văn nghệ đường phố, đó là chiếc xe ba bánh có gắn một thùng loa to tướng đang hát những bản nhạc xuân kiểu “Tết… tết… tết đến rồi…”. Năm nay mới hơn là có thêm bản Ly rượu mừng. Dù chỉ khoảng thượng tuần của tháng cuối năm cũ thế mà cái chợ nhỏ đã thấy không khí tết tràn về qua những mặt hàng dành riêng cho tết.

Chỉ cần mươi ngày nữa thôi là từ chợ lớn, chợ nhỏ trong TP hàng hóa tết sẽ về tràn đầy từ những chậu cây cảnh cho tới những trái dưa tươi ngon từ dưới miệt vườn. Những chợ này khá giống nhau về các mặt hàng và quy mô. Riêng các chợ nhỏ thì mở khá sớm, thành phần khách đi chợ thuộc loại bình dân, ăn mặc tuềnh toàng. Họ đi sắm tết chứ không đi dạo chợ tết. Chợ Bến Thành - gần như là khuôn mặt biểu tượng của chợ tết Sài Gòn từ trước đến nay với những hàng bánh mứt, thực phẩm khô như lạp xưởng, vịt lạp, bánh trái chưng ba ngày tết rồi sẽ rực rỡ sáng đèn từ 20 tháng Chạp trở đi cho đến những ngày cuối tết. Những năm gần đây, trong xu thế thời đại người ta còn đi sắm tết trong các siêu thị lớn như Co.opmart, Maxim để mua những gói quà đủ loại tùy theo túi tiền… Người Sài Gòn chợt nhớ không khí những cái tết năm xưa cũng mang vốn vẻ như vậy. Có mất chăng là những năm đầu của thời kỳ bao cấp - khi mà mọi người được phân phối từng trái dưa, ký mứt như phân phối cả mùa xuân cho từng hộ gia đình. Rồi những năm sau, từ sự đổi mới của đất nước, những cái tết đã trở lại với sự rộn ràng ngày xưa của nó. Khu chợ nhỏ này cũng như nhiều khu chợ nhỏ khác cũng vậy, tết đã đến trong những ngày chuẩn bị cho tết. Đó là một loại chợ - dù ở trung tâm hay trong một xóm nhỏ đều có tên riêng, không lẫn với một loại chợ nào, mỗi năm chỉ có một lần: Chợ tết!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm