Chuyện của chàng bán cháo lòng đẹp trai như người mẫu

Hơn ba tháng nay, gần chân cầu vượt Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TP.HCM), nhiều người khi dừng đèn đỏ thường tranh thủ thời gian ngoái nhìn chàng trai thoăn thoắt tay chân với xe đẩy cháo lòng. Ai cũng tò mò khi chàng trai với vẻ ngoài lịch lãm, cao ráo, thư sinh, thường mặc quần tây hoặc quần jean áo sơ mi cài tay, đi giày tây lại hành nghề bán cháo lòng, một công việc thường xuyên tiếp xúc với dầu mỡ.

Nhiều khách tò mò về chàng trai thư sinh bán cháo lòng. Ảnh: HOÀNG LAN

Nhiều khách mua ủng hộ và hài lòng với thái độ phục vụ nhanh nhẹn và vui vẻ của chàng trai. Có lúc khách đông, phải chờ đợi đến lượt thì chàng trai luôn miệng: “Anh, chị đợi em xíu nhé”.

Thỉnh thoảng nhận ra khách quen, chàng trai lại hỏi: “Cháo ăn có vừa miệng không anh, chị?”. Nắng nóng không làm chàng trai tắt nụ cười trên môi. Khi cửa hàng nơi chàng trai đứng phía trước dọn hàng, anh tinh ý vội đẩy xe đi đến chợ Hoàng Hoa Thám để bán tiếp cho hết xe cháo.

Chàng trai thường hỏi khách ăn có vừa miệng không. Ảnh: HOÀNG LAN

Được hỏi chuyện, mới đầu anh rất e dè và ngại ngùng. Tuy nhiên, có lẽ nhận thấy sự nhiệt tình của người hỏi chuyện cũng là khách quen, anh dần mở lòng.

Anh cho biết tên là Nguyễn Văn Lượng, mới 25 tuổi nhưng đã có 10 năm tự thân bươn chải ở Sài Gòn. Lượng kể anh sống ở một vùng quê nghèo của Thanh Hóa. Tuổi thơ cơ cực, từ bảy tuổi anh đã ý thức kiếm tiền đỡ đần gia đình bằng cách đi cắt cỏ, chăn trâu, đánh bắt tôm cá mang ra chợ bán. Nghỉ hè năm lớp 9, Lượng xin phép ba mẹ vào Sài Gòn để làm thêm rồi về học. Ba mẹ không muốn cho đi bởi Lượng không quen ai ở trong này nhưng rồi cũng xiêu lòng vì thái độ quyết tâm của Lượng.

Khách hàng luôn được chàng trai phục vụ tận tình, vui vẻ. Ảnh: HOÀNG LAN

Công việc đầu tiên của Lượng là làm phục vụ nhà hàng trong Công viên Hoàng Văn Thụ. Tháng lương đầu tiên vào 10 năm trước 1,2 triệu là rất lớn, Lượng gửi hết về cho mẹ. Nhận thấy ở Sài Gòn dễ kiếm tiền, Lượng quyết định ở lại thành phố vừa làm vừa học và đã tốt nghiệp Trung cấp Du lịch & Khách sạn Saigontourist. 

Chăm chỉ làm việc, từ vị trí chạy bàn, Lượng được tin tưởng giao trách nhiệm quản lý một nhà hàng. Tuy nhiên, công việc này không khiến Lượng thoải mái bằng việc làm chủ thời gian của chính mình. Một lần nữa, Lượng quyết định nghỉ việc để đi bán cháo lòng, chấp nhận dầm dãi nắng mưa ngoài đường.

Lượng tâm sự sở dĩ anh chọn bán cháo lòng vì món này lại nhẹ vốn và anh luôn tự tin với phương châm vui lòng khách đến - vừa lòng khách đi chứ không tính tô lấy tiền của khách. Lượng tự mày mò, thử ăn ở các quán ngon và tự tìm ra bí kíp.

Cháo lòng của Lượng hết sức bình dân. Ảnh: HOÀNG LAN

Xe cháo ra đời với giá hết sức bình dân, 12.000 đồng tô ăn tại chỗ và 13.000 đồng cho phần mang đi. Ngoài ra, khách còn được khuyến mãi thêm sự vui vẻ nhiệt tình của chủ xe cháo. “Khách hàng cũng như thực khách ở trong nhà hàng, phải chăm sóc chu đáo như người trong gia đình thì họ mới thoải mái, ghé ủng hộ lần sau. Lỡ cháo có lúc không được ngon thì họ cũng bỏ qua, có như thế mới giúp mình trang trải được cuộc sống”, Lượng chia sẻ.

“Mệt lắm đấy, thấy đơn giản vậy thôi”, Lượng quẹt mồ hôi lấm tấm trên mặt khi ngơi khách. 3 giờ sáng anh đã phải dậy để chuẩn bị đi chợ, nhóm bếp. Thời gian đầu, do không quen, có lúc để lửa to quá, nồi cháo bị khê phải đem đổ bỏ hay lỡ tay nêm gia vị ngọt quá là không muốn bán. “Mới đầu ra bán cũng bị chê hoài nên chạnh lòng lắm. Khẩu vị cũng tùy từng người, có người thích, người không thích nhưng cũng sẽ có một cái chuẩn tương đối nên mình phải hỏi, nếu năm người cùng cho ý kiến giống nhau thì phải chỉnh lại gia vị cho nồi cháo rồi”, Lượng nói.

Lượng không quan niệm tính tô lấy tiền mà phải phục vụ khách chu đáo như người nhà. Ảnh: HOÀNG LAN

Lượng cũng chia sẻ thêm, vì vẻ ngoài lịch sự khi đứng bán cháo mà anh hay bị các cô, các bác chọc. Nhiều người vì tò mò nên cũng ghé ăn thử lần cho biết. Lượng cho biết thực ra phong cách lịch sự khi ra đường của mình đã có từ thời đi học chứ không đợi đến bây giờ. “Bọn con trai ra khỏi trường là bỏ áo ngoài quần còn mình thì không. Ở nhà quần đùi áo cộc sao cũng được nhưng ra ngoài đường, không cần phải như ăn tiệc nhưng cũng phải sạch sẽ, tươm tất, điều đó khiến mình tự tin, thoải mái hơn”, Lượng quan niệm.

Vẻ tươm tất của chàng trai bán cháo lòng. Ảnh: HOÀNG LAN

Nhiều khách ban đầu vì tò mò mà tìm tới ăn cháo, dần dần thành khách quen, thông cảm nhường cho người đến sau. Có những người ăn hoài nên từ xa Lượng đã biết họ ăn gì, chỉ cần giơ ra một ngón, hai ngón tay chứ không cần tháo khẩu trang. Hay một vài chị thường hay mua mở hàng và thỉnh thoảng đem mang trái cây ra đem cho Lượng. “Bán buôn nhiều khi thấy mệt cũng muốn nghỉ nhưng nhận được tình cảm của mọi người dành cho, tự dưng mình cảm thấy yêu công việc lúc nào không hay. Nhiều khi khách tiếp xúc với mình không còn là quan hệ khách hàng và người bán nữa mà là tình cảm quý mến nhau thực sự khiến mình rất vui”, Lượng nói, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Khách hàng kiên nhẫn đợi mua cháo. Ảnh: HOÀNG LAN

Cũng giống như bao người, Lượng cũng có một mong ước trong tương lai và bước đi đầu tiên của mình là công việc bán cháo lòng. Tuy nhiên, ước mơ ấy chàng trai xin phép giữ cho riêng mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm