Chuyện giáo sư quần cộc: Ăn cho mình, mặc cho người...

Thầy đi dạy trên giảng đường ĐH, bài giảng về sáng tạo, thầy mặc veston và quần ngắn. Nhiều người nói đó là quần cụt, nhiều người nói đó là thời trang trên đông dưới hè, nhiều người nói đó là quần đùi…

Xem một cuộc trưng cầu ý kiến của cộng đồng (đa phần) là người trẻ, 63% cho rằng đó là chuyện bình thường.

Hỏi ý kiến của (có lẽ là) những người lớn tuổi hơn, vấn đề bị đẩy lên hàng quan điểm, cho rằng thế là sáng tạo, thế là phi sư phạm, quan trọng là ông ấy dạy cái gì chứ không phải là mặc cái gì.

Nghĩ mà thương cho giáo dục ĐH của mình, bao nhiêu chuyện phải bận tâm rồi, bây giờ lại phải bận tâm thêm chuyện thầy giáo mặc quần gì lên lớp.

“Nhập gia tùy tục”, “Ăn theo thuở ở theo thì”, “Ăn cho mình mặc cho người”… những thói quen đó của người Việt không phải là lối mòn, định kiến, thiếu khuôn mẫu, thiếu sáng tạo đâu, xin các tín đồ thời trang giảng đường đừng vội vàng quy kết. Đừng cho rằng việc ăn mặc nghiêm túc, có tác phong sư phạm từ hình thức đến nội dung, là thiếu sáng tạo, giảng bài không chất lượng, không hấp dẫn người nghe.

Không phải vậy đâu. Các trường sư phạm có lý lẽ, có nghiên cứu riêng của người ta khi dạy giáo sinh sư phạm phải chỉn chu, đúng mực trong ăn mặc khi vào trường, khi đứng lớp. Nghề đi dạy, chức phận làm thầy có những đòi hỏi riêng cả về hình thức lẫn phương pháp.

Việc ăn mặc, người Việt không phải không khắt khe. Cái khắt khe của người Việt cũng có cái lý riêng: “đói cho sạch, rách cho thơm”. Các cụ đánh giá nhân phẩm qua áo quần, không phải ngắn dài, lành rách, mà qua việc giữ gìn, thể hiện cái phẩm chất, tư cách của con người ấy - xin nhấn mạnh là của cá nhân con người đang mặc cái bộ quần áo ấy. 

Theo thiển ý, chuyện ăn mặc, với một giảng viên đại học, với vị trí người có tham gia công tác quản lý giáo dục, là chuyện cá nhân của người ta, trong phạm vi ý thức về chức phận nghề nghiệp và thái độ đối với người nghe mình giảng. Giảng viên thực ra chẳng cần phải đầu tư năng lực suy nghĩ, đầu tư công sức, trân mình ra chịu làm giáo cụ cho bài giảng, hay dùng mình như vật dụng gì đó nhằm thúc đẩy sự sáng tạo của người học trên giảng đường!

Nhưng đã qua lâu lắm rồi cái thời quy kết quan điểm thái độ, tư tưởng ở chỗ độ dài ngắn rộng hẹp của cái ống quần! Hãy để người ta tự điều chỉnh. Nếu chưa điều chỉnh kịp, thì chuẩn mực cơ bản, thuần phong mỹ tục như một yếu tố nền tảng của văn hóa sớm muộn gì rồi cũng sẽ điều chỉnh người ta thôi.

Thật ra, thâm tâm tôi mong câu chuyện thầy hiệu phó mặc quần cộc ấy có nguồn cơn rõ ràng, có bối cảnh rõ ràng. Tôi có niềm tin thầy giáo không làm điều ấy vộ thức. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm