Chuyện nhóm trẻ mặc hàng hiệu và ánh mắt tử tù

Những đứa trẻ nhà giàu với đôi giày, cái áo, cái quần.... hàng hiệu giá vài chục đến cả trăm triệu đang tạo thành cơn sốt lớn trên mạng xã hội.
Những hiệu ứng sục sôi trên cộng đồng mạng trong bối cảnh rất đặc trưng Việt. Rich kids đang trở thành một hot trend với những hình ảnh ăn theo, nhại theo, chế giễu, lên án, mạt sát... những đứa trẻ.
Đặc trưng tâm lý xã hội Việt với những đè nén, bức xúc... kiếm một cái gì đó đổ vào rất rõ. Lên án, giễu nhại, mạt sát... đều là những thái độ cá nhân và nó sẽ làm được rất dễ dàng.
Điều đáng chú ý nhất và khó nhất là nhìn nhận, hiểu và chấp nhận việc đó như thế nào?

Tử tù Nguyễn Hữu Tình. Ảnh: HỮU KHOA

Tấm hình trên đây là của tử tù Nguyễn Hữu Tình, kẻ đã giết cả một gia đình (gồm hai vợ chồng và ba trẻ nhỏ) trong đêm 27 Tết vừa rồi.

Điều đặc biệt của phiên xét xử là thái độ có vẻ lạ lùng của bị cáo. Mặt ráo hoảnh, lạnh lùng, rành rọt khi nhận tội. Thậm chí còn cười khi chờ tòa tuyên án. Tòa hỏi về nỗi ân hận, Tình bảo "không thể mô tả được nỗi ân hận". Tình "thành thật xin lỗi gia đình bị cáo", xin lỗi ba mẹ, dù chẳng có ba mẹ, người thân nào xuất hiện tại tòa. Có những tấm hình cho thấy Tình căng mắt ra kiếm tìm đâu đó.

Cuối cùng, Tình xin được hiến nội tạng và chậm rãi nói rõ ràng: "Để bị cáo phần nào thanh thản".

Đọc kỹ và quan sát kỹ câu chuyện này có nhiều tình tiết đáng chú ý: Khi gây án, Tình mới bước sang tuổi 18 có bốn ngày. Người gầy còm, mặt non choẹt của một đứa trẻ vùng quê nghèo khổ tận Tri Tôn, An Giang. Học lớp 9 nghỉ, trôi dạt lên TP.HCM kiếm chuyện mưu sinh. 18 tuổi, người khác mở cánh cửa bước vào đời, còn Tình, sau một đêm cuối năm thức dậy, đã sát hại đồng loại, thậm chí giết những người cho mình cơ hội sống, để bước vào cửa tử.
 "Giáo dục lòng BAO DUNG để con người chấp nhận hoàn cảnh, chấp nhận lý do giàu nghèo của mình mà không nhìn người khác như những kẻ thù"
Cái gì đã diễn ra? Tình khai trước tòa mình giết họ vì bực tức khi bị chửi. Tình rất ghét ai chửi tục mình. Đó là lời khai của tội phạm, có thể đúng, có thể ngụy biện bởi tâm lý "muốn lương thiện" của tội phạm. Tuy nhiên, nhìn toàn cục ánh mắt u tối, tuyệt vọng và chấp nhận của Tình cứ như một ám ảnh với tôi.
18 tuổi, rời quê, đi làm thuê, phạm tội và chết một mình. 18 tuổi, nhà nghèo, không được dạy dỗ, có nhiều thói xấu khi ôm cái điện thoại đầu đời mà chơi game suốt sáng. 18 tuổi, có được học hành khai mở điều gì để đầu óc thoát khỏi ngu si, cố chấp, không vượt được giới hạn của bản năng đê hèn để có thể đâm chém rất, rất nhiều nhát... trút nỗi bực dọc hay căm hờn gì đó lên đồng loại của mình. Ánh mắt tối tăm của một đứa trẻ nhìn vào cuộc đời đang kết thúc và chấp nhận nó!
Trở lại câu chuyện Rich Kids, tôi nhớ cách đây hàng chục năm, một vị tiến sĩ trong bài phỏng vấn của tôi đã nêu một cảnh báo rằng: Một trong những thử thách của xã hội VN sau 10 năm nữa, tức là bây giờ, là khoảng cách giàu nghèo sẽ cắt chia dữ dội. Nó sẽ phân rã xã hội một cách kinh hoàng.
Lúc đó tôi hỏi ông có cách nào để dung hòa việc đó. Ông nói có cách duy nhất là tập trung vào giáo dục. Giáo dục lòng BAO DUNG để con người chấp nhận hoàn cảnh, chấp nhận lý do giàu nghèo của mình mà không nhìn người khác như những kẻ thù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm