‘Cò’ hôn nhân, trị thế nào?

Cô gái trẻ tên TTT (20 tuổi, huyện Long Phú, Sóc Trăng) bị Nguyễn Bé Hai (ngụ Củ Chi, TP.HCM) dụ dỗ đưa qua Hàn Quốc lấy chồng giàu. Nhưng sau đó, T. bị đưa qua Trung Quốc và bị ép buộc phải phục vụ tình dục cho sáu người đàn ông bản địa để lấy tiền. T. tìm cách báo cho gia đình, gia đình trình báo với công an. Nhóm đối tượng môi giới đã cho T. về Việt Nam với điều kiện phải đưa cho chúng 40 triệu đồng.

Đây là một trong những vụ môi giới hôn nhân trái phép được Trung tá Phan Văn Tặng, Đội phó đội 5 Phòng PC45 Công an TP.HCM, chia sẻ trong hội thảo đánh giá hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 20-6.

Chồng ngoại và những cái bẫy

T. còn may mắn được sớm trở về với gia đình. Nhiều cô gái khác bị đem bán cho đàn ông Trung Quốc và bị yêu cầu đưa tiền chuộc. Theo Trung tá Phan Văn Tặng, từ năm 2011 đến nay, PC45 đã xác minh nhiều vụ việc liên quan đến mua bán người qua Trung Quốc, Singapore, Nga, Ghana… nhưng các vụ việc khó thu thập tài liệu, chứng cứ.

Luật sư Dương Thị Tới (tổ trợ giúp pháp lý Hội LHPN TP.HCM) cho biết trước đây bà giúp đỡ một cô gái công nhân nghèo tên NTA suýt sa vào bẫy của “cò” môi giới hôn nhân. Sau đám cưới, “chồng” của A. không ở lại Việt Nam mà yêu cầu cô qua Trung Quốc làm thủ tục đăng ký kết hôn. Gia đình A. nghi ngờ nên không cho đi. “Chồng” của A. thuyết phục nếu không đi thì… làm mai cho lấy người khác, cũng ở Trung Quốc. Người môi giới thì yêu cầu gia đình A. phải đền phí đám cưới 20.000 đôla. A. hoảng sợ, tìm đến luật sư nhờ giúp đỡ.

Trong thời gian đó, đám “cò” ngày nào cũng gọi điện thoại đe dọa nếu A. không chịu “lấy chồng” sẽ không trả giấy tờ tùy thân, sẽ cho giang hồ xử. Bà Tới đã cùng gia đình đi đến Sở Tư pháp làm đơn trình bày không công nhận cuộc hôn nhân này, nhờ các ngành chức năng can thiệp.

Các đối tượng trong đường dây làm giấy tờ giả, môi giới lấy chồng Trung Quốc bị tạm giữ tại Cần Thơ. (Ảnh do công an cung cấp)

Khó xử lý “cò hôn nhân”

Theo Trung tá Phan Văn Tặng, các đối tượng chuyên hoạt động môi giới thường nhắm vào các nạn nhân ở miền Tây và các tỉnh lân cận TP.HCM. Từ năm 2011 đến nay, PC45 đã phát hiện, ngăn chặn 27 vụ môi giới hôn nhân bất hợp pháp. Dù chưa có vụ việc nào được xác định là có yếu tố mua bán người nhưng có những gia đình trình báo sau một thời gian kết hôn, cô dâu bị “chồng” bán cho người khác.

Đối với các vụ môi giới hôn nhân trái phép, công an xử phạt các đối tượng là người nước ngoài tối đa 25 triệu đồng theo Nghị định 167/CP về hành vi “người nước ngoài nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền”. Đối với các đối tượng người Việt Nam, mức phạt hành chính chỉ khoảng 2-3 triệu đồng cho hành vi “tổ chức, tạo điều kiện cho người khác kết hôn với người nước ngoài trái với thuần phong mỹ tục hoặc trái quy định của pháp luật”. Trung tá Tặng nói: “Mức phạt hành chính là quá nhẹ, không đủ sức răn đe”.

Chị Huỳnh Thị Kim Ngân, Đội phó đội An ninh Công an quận Tân Bình, cho biết quận Tân Bình có rất đông người nước ngoài đến lưu trú, nhất là người Hàn Quốc. Do đó, nhiều đối tượng nhận ra đây là địa bàn thuận lợi để lôi kéo phụ nữ lấy chồng ngoại. Từ năm 2015 đến nay, Công an quận Tân Bình đã phát hiện sáu vụ môi giới hôn nhân trái phép và đã xử phạt hành chính trên 287 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều vụ việc không thể xử phạt được vì các cô gái tham gia “xem mắt” là tự nguyện. Khi công an kiểm tra, họ xuất trình được giấy tờ tùy thân thì không xử phạt được.

Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, tiếp thu ý kiến các sở, ngành ở TP.HCM và cho biết hội sẽ nghiên cứu nhiều giải pháp bảo vệ quyền lợi phụ nữ.

Thủ đoạn của “cò chồng ngoại”

Các đối tượng thường đi về các tỉnh tìm kiếm phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, dụ dỗ lôi kéo đưa lên TP cho người nước ngoài xem mặt, hứa hẹn lấy chồng giàu, có cuộc sống sung sướng. Họ không tập trung đông các cô gái như trước đây mà kín đáo đưa một, hai cô gái vào khách sạn, nhà trọ, nhà hàng để xem mắt.

Do bất đồng ngôn ngữ và tập quán của mỗi nước nên hôn nhân có yếu tố nước ngoài dễ bị bạo lực gia đình, xâm hại tình dục. Có trường hợp tội phạm lợi dụng đưa nạn nhân ra nước ngoài nhằm mục đích mua bán.

Trung tá PHAN VĂN TẶNG, Phòng PC45 Công an TP.HCM

Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình của Hội LHPN TP.HCM có chức năng giới thiệu, trợ giúp các cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài nhưng nhiều phụ nữ không tìm đến đây mà nhắm mắt đưa chân theo “cò” và rơi vào bẫy. Hoạt động của Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình TP.HCM gồm:

- Giúp cặp đôi hiểu được văn hóa, phong tục tập quán, pháp luật của hai nước.

- Trang bị kiến thức về tâm lý, tình yêu, sức khỏe sinh sản, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, xây dựng mối quan hệ gia đình, phòng chống bạo lực…

- Giúp đỡ các bên hoàn tất hồ sơ đăng ký kết hôn theo pháp luật.

- Giới thiệu người Việt Nam và người nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu, kết hôn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

Cách người trẻ ‘sạc pin’ để xua tan căng thẳng dịp đầu năm

(PLO)- Những tuần làm việc đầu năm, nhiều người trẻ đối mặt với hội chứng “căng thẳng sau mùa lễ hội” bởi dư âm của kỳ nghỉ Tết và du xuân còn đọng lại, cộng với áp lực công việc, cuộc sống khiến không ít người lo lắng, căng thẳng mệt mỏi.

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

Ra mắt thương hiệu TACERLA COFFEE tại Trân Châu Beach & Resort

(PLO)- Vừa qua, Công ty Cổ phần Du Lịch Thương Mại & Xây Dựng Trân Châu (thành viên Tập đoàn KN Holdings) đã tổ chức sự kiện ra mắt thương hiệu cà phê TACERLA COFFEE và khai trương nhà rang xay cà phê tại Khu du lịch và nghỉ dưỡng Trân Châu Beach & Resort tọa lạc tại TT. Phước Hải, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

H’Hen Niê và Quang Đăng kêu gọi ngừng ăn thịt thú rừng

(PLO)- Chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.