Có một khu Khăn Đen Suối Đờn ở Gia Định

Từ hướng quận 1 đi qua cầu Bông một đoạn (nhưng nhớ đừng té xuống sông ướt cái quần nylon) phía bên tay mặt, kéo dài đến đường Bùi Hữu Nghĩa thì đến khu chuyên bán khăn xếp đội đầu cho đàn ông nổi tiếng vùng Sài Gòn - Gia Định xưa.

Vùng cầu Bông, cầu sắt cũ  ngày xưa...

Đấng đàn ông nào muốn có chiếc khăn xếp thật oách thì phải đến đây mà tậu, nếu không thì phải đến tiệm của ông Nguyễn Đức Nhuận - chủ báo Phụ Nữ Tân Văn mà tìm. Cái khăn xếp màu đen nổi tiếng đến độ nhà sản xuất là ông Nguyễn Văn Búp đã đăng một quảng cáo trên báo Phụ Nữ Tân Văn (số 19-12-1929) như sau:

“Tôi xin nhắc lại với quý ông quen dùng đã biết kiểu khăn của tôi và danh hiệu tôi đặng hay rằng: Tôi vẫn đương làm những kiểu khăn đặt riêng tùy ý ưa thích của mỗi ông: Xin viết thơ nói rõ mấy lớp và lấy ni tôi sẽ làm y gởi lại, cách lãnh hóa giao ngân sở phí tôi chịu: Bùng hạng 1er mỗi khăn 3$50-Nhiễu gò hoặc cẩm nhung 3$. Thứ thường ngoài chợ 1.50 $. Khăn đặt có trữ bán là tiệm ông Nguyễn Đức Nhuận Sg. Nguyễn Văn Búp-Propriétaire. Suối Đờn-Lái Thiêu”.

Thật ra khu Khăn Đen Suối Đờn ở cầu Bông chỉ là “trung tâm thương mại”, là nơi bán chứ nơi sản xuất khăn đen Suối Đờn thứ thiệt ở tận… Suối Đờn, tỉnh Bình Dương.

Suối Đờn là một địa danh ở Bình Nhâm, nay thuộc phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, Bình Dương. Cách đây hơn 100 năm, con suối này vốn là con suối vô danh, một nghệ nhân tên Nguyễn Văn Hoài (hay Mười Hoài) đã có sáng kiến dùng sức đẩy của nước chảy qua một dàn máy bằng gỗ do ông thiết kế tạo ra âm thanh như một dàn cổ nhạc. Từ đó, con suối này được bà con ở đây đặt tên là Suối Đờn.

Tiếng lành đồn xa, người dân khắp nơi, trong đó có những viên quan lại Pháp và Việt đến tham quan và giải trí tại Suối Đờn. Chẳng bao lâu, nơi đây trở thành một khu du lịch mang tên Suối Đờn. Những người đến đây chơi thường ăn diện thật oách. Trong đó, nhiều ông đã diện áo dài, khăn xếp. Thời ấy, khăn xếp là một vật dụng rất phổ biến trong bộ quốc phục, lễ phục truyền thống của nam giới Việt Nam từ xưa cho tới trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Sau khi nghiên cứu các loại khăn xếp hiện có, ông Nguyễn Văn Bút, một người bà con của ông Nguyễn Văn Hoài liền lập cơ sở sản xuất khăn xếp tại Suối Đờn. Khăn xếp làm giống như hình dáng khăn cổ truyền của người Việt, có 7-9 lớp vải nhiễu, the, lụa (mua từ tỉnh Hà Đông chở vào) và lớp dưới cùng được xếp theo hình chữ Nhân.

Khăn xếp Suối Đờn rất được ưa chuộng vì dùng vật liệu tốt, trong quá trình làm thợ còn lót thêm một lớp vải mềm bên trong khăn làm cho người đội có cảm giác thoải mái. Do có cải tiến và chất lượng cao nên khăn xếp - còn gọi là khăn đen Suối Đờn đã trở thành thương hiệu một thời. Tại Gia Định, khu cầu Bông là nơi buôn bán khăn đen Suối Đờn cho người Sài Gòn-Gia Định cũng như Nam kỳ lục tỉnh lúc đó.

Đến khi đàn ông xứ ta không còn diện áo dài thì khăn xếp cũng bị… xếp vào tủ để làm kỷ niệm. Và khăn đen Suối Đờn cũng chỉ còn là cái tên trong một hiện vật đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Bình Dương.

Tất nhiên, khu Khăn Đen Suối Đờn cầu Bông Gia Định cũng biến mất. Chỉ còn rất ít ông bà cụ lứa tuổi U80 mới nhớ loáng thoáng là khu cầu Bông này có thời được gọi bằng cái tên như vậy cũng như bao cái tên khác đã dần dần mất đi khi tầm vóc đô thị ngày càng phát triển mà ký ức dân cư lại mất dần theo thời gian dâu bể…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm