Cổ tích từ người đàn ông khuyết tật

Anh Trần Phước Ninh (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) dáng người gầy gò, đôi tay run rẩy, chân đi chập chững. Cổ họng tưởng chừng nghẹn ứ nên anh Ninh phải rất khó khăn mới nói được. Chúng tôi phải rất chú ý mới có thể nghe được lời nói của anh. Đó là di chứng còn lại bởi cơn sốt quái ác mà anh gặp phải từ năm 17 tuổi.

Bán vé số và làm thơ

Năm đó anh đang học lớp 11 Trường THPT Sào Nam, vào một buổi trưa từ trường trở về nhà anh đột ngột bị sốt. Cơn sốt ấy khiến tay chân anh co quắp lại, cổ họng đau nghẹn và giọng nói cũng không rõ thành tiếng. Bao nhiêu tiền bạc tích cóp, tài sản có giá trị của gia đình đều ra đi trong nỗ lực chữa trị cho anh nhưng bất thành.

Trước khi vận xui ấy ập đến, anh Ninh là một học sinh giỏi văn nức tiếng của trường. Và vì thế Ninh cũng đã vun đắp cho mình những ước mơ xán lạn. Nhưng rồi tất cả đã sụp đổ kể từ khi cơn bạo bệnh ấy tìm đến rồi bỏ mặc anh với những di chứng đau lòng.

Vài năm sau, Ninh quyết định từ giã mẹ để vào TP.HCM tìm cuộc mưu sinh khi trong người chỉ vỏn vẹn 200.000 đồng. May thay, những ngày đầu anh được một vị sư trong chùa giúp đỡ chỗ ở. Sau đó Ninh mò mẫm sang các đại lý để lấy vé số bán.

Bán vé số, với người thường đã không dễ dàng gì, với người khuyết tật như anh thì khó khăn trăm bề, đó là chưa nói đến những lúc bị giật vé số. Quay quắt nhất là nỗi nhớ mẹ da diết, bảy năm ở đất Sài Gòn nhiều khi chiều 30 tết nhưng trên tay vẫn cầm lốc vé số mưu sinh khiến anh không khỏi cảm thấy tủi thân.

Những năm tháng ấy, sách và những câu thơ do chính mình viết ra như người bạn đồng hành với anh, giúp anh lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Rồi từ đấy Ninh đã vịn những câu thơ tự thẳm sâu lòng mình viết lên để tiếp tục đi về phía trước.

Anh Ninh trong lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em học sinh nghèo khó. Ảnh: HUY TRƯỜNG

Viết nên chuyện cổ tích

Đến năm 2007, vì thương mẹ già ở quê nên Ninh quyết định khăn gói về hẳn chăm sóc mẹ. Về nhà, với thân thể khuyết tật, không có việc làm, anh mở quán cà phê Thi Hữu Quán với sự giúp đỡ của những người bạn bè xung quanh.

Từ những vần thơ anh viết ra, nhiều người tìm đến với Ninh như một sự đồng cảm. Trân quý hơn, anh Ninh không cất giấu yêu thương mà xã hội trao tặng cho riêng mình.

Anh vận động tiền và gạo hỗ trợ mỗi tháng cho bà Trần Thị Miên (60 tuổi, ngụ thôn Xuyên Tây 2) bị bại liệt và không nơi nương tựa. Anh tìm đến nhà những học sinh nghèo khó để giúp đỡ, khi là quyển sách, lúc thì cuốn vở, cây bút…

Ông Trần Hòa (ngụ thôn Đông Xuyên 2, thị trấn Nam Phước) nói: “Thật không có lời nào để nói về những hành động ý nghĩa của Ninh. Nhà chỉ có hai mẹ con, người mẹ thì hơn 80 tuổi và anh ấy thì bệnh tật nhưng những gì mà Ninh làm còn hơn cả người bình thường. Bà con trong vùng rất quý Ninh, những anh em phương xa thấy hoàn cảnh anh ấy khuyết tật muốn giúp nhưng Ninh lại dùng chính sự giúp đỡ ấy cho những mảnh đời khác”.

“Mình không đủ đầy để giúp các em đầy đủ được nên thấy họ thiếu cái gì mà cần thiết nhất là mình cố gắng bù đắp” - anh Ninh nói.

Sự bù đắp ấy là mở một tủ sách miễn phí ngay tại nhà cho lũ trẻ trong xóm.

Nhìn học sinh nghèo khó trong vùng không có điều kiện học thêm môn tiếng Anh, anh mở lớp. Các giáo viên dạy tiếng Anh ở địa phương thấy tâm huyết của anh đã cùng chung sức. Tình thương cứ như thế lớn lên…

 

Dân ai cũng quý anh ấy

Tôi bị bệnh tai biến nhiều năm nay nên không thể đi lại được, lại lớn tuổi nên không thể đi làm để mưu sinh được nữa. Năm ngoái đoàn từ thiện của anh Ninh đến giúp đỡ nhiều thứ như gạo, nước mắm và chăn, màn. Mặc dù bị tật nhưng Ninh vẫn thường xuyên đến thăm và động viên tôi. Khi thì gạo, khi thì sữa, bột ngọt. Dân ở đây ai cũng quý anh ấy cả.

Anh NGUYỄN THANH TÙNG, Xuyên Tây 3, thị trấn Nam Phước

“Chú Ninh mở lớp, em mừng lắm”

Từ khi chú Ninh mở tủ sách miễn phí thì em thường xuyên đến đọc. Khi thấy chú mở lớp tiếng Anh miễn phí, em mừng lắm và đăng ký đi học ngay. Mấy thầy cô ở đây dạy rất hay, không biết gì thì có thể hỏi ngay tại chỗ nên rất thuận tiện. Học ở đây em nắm được thêm nhiều kiến thức mới và rất thích cách dạy của các cô. Ba mẹ em làm nông, em không có nhiều tiền để học thêm như bạn bè.

Em TRẦN VĂN HÙNG, học sinh lớp 6
Trường Trần Cao Vân

_______________________________

Lớp học tiếng Anh miễn phí của anh Ninh có hơn 200 học sinh nghèo đang học từ lớp 3 đến lớp 12. Không chỉ mở lớp học thêm miễn phí cho các em học sinh, anh Ninh còn phát sách vở và bút cho từng em khi đến học. Có những buổi sau khi tan trường về là học sinh liền đến lớp học miễn phí trong khi bụng còn đói, anh phải mua bánh mì hoặc một thứ đồ ăn nhanh nào đó cho các em đỡ đói.

Em TRẦN VĂN HÙNG, học sinh lớp 6 Trường Trần Cao Vân

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm