“Con có khóc mẹ mới cho bú”!

Ngày 21-5-2013, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã về làng gặp gỡ bà con và nói lời xin lỗi: “Tôi xin thay mặt cơ quan quản lý các cấp xin lỗi về việc giải quyết chậm bức xúc của người dân. Mong người dân Đường Lâm tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm như trước”. Thái độ này của người đứng đầu TP như thế là nhanh chóng, có trách nhiệm. Nhưng vấn đề cần nghĩ là tại sao các cơ quan chức năng, quản lý không làm tròn phận sự, trách nhiệm của mình để khi người dân lên tiếng bất bình thì mới giải quyết.

Lẽ ra khi làng cổ Đường Lâm đã được phong di sản quốc gia thì chính quyền đã phải có kế hoạch để phát huy giá trị của di sản này. Đây là một di sản đặc biệt, như lời của chính ông Nghị khi về làng, nó là một nơi lưu giữ những dấu tích của làng Việt xưa nhưng lại vẫn là nơi sống hiện tại của người dân. Khác với hiện vật trong bảo tàng hay có thể đưa vào bảo tàng, làng cổ Đường Lâm là một bảo tàng sống, ở đó người dân vừa sống với cái hôm nay vừa giữ gìn cái hôm qua. Khi Đường Lâm thành di sản, các cơ quan chức năng phải có một kế hoạch bảo tồn và phát triển sao cho vừa bảo đảm được giá trị di sản, vừa bảo đảm cuộc sống của người dân trong di sản. Nhưng không, bảy năm trôi qua từ khi có quyết định công nhận di tích việc chính quyền làm chỉ là bám theo luật di sản để cưỡng chế việc xây dựng của người dân do nhu cầu bức bách phải cơi nới không gian sinh tồn cho chính mình. Dân cần cái sống, chính quyền giữ cái chết. Dân đòi hỏi chính quyền chỉ cho cách sống cùng di sản, trong di sản, để vừa được tự hào vừa được sống thoải mái, tiện lợi, câu trả lời là hãy chờ đấy. Không biết chờ đến khi nào! Thời gian cứ qua đi, cuộc sống hằng ngày vẫn diễn ra theo quy luật sinh tồn, thế tất người dân phải lựa chọn giữa cái sống cần thiết hôm nay và cái di sản đáng quý nhưng đang trở thành cái vòng vây tỏa mình. Họ đã viết đơn đòi trả di tích, một việc làm cực chẳng đã. Lá đơn đã khiến chính quyền giật mình và khi đó mới vội vã tìm cách giải quyết. Nếu người dân còn nhín nhịn chịu đựng, hẳn các cơ quan chức năng và chính quyền vẫn cứ để Đường Lâm mãi thế, vẫn không có kế hoạch gì cho di tích làng cổ mang tính đặc thù này. “Con có khóc mẹ mới cho bú”! mẹ thế là mẹ gì?

Nhìn sang chuyện chùa Một Cột cũng vậy. Nhà sư trụ trì đã kêu nhiều lần, đã viết đơn gửi các nơi, tất cả đều rơi vào im lặng. Rồi khi không im lặng được thì một cái đề án trùng tu chùa được đề ra nhưng chỉ là trên giấy, mặc năm năm trôi qua mưa gió làm chùa thêm suy sụp. Cho đến tận gần đây nhà sư lại cấp thiết gửi đơn và dọa sẽ có hành động quyết liệt để cứu chùa, một đoàn lãnh đạo ban, ngành xuống chùa kiểm tra chỉ “2 phút” dạo qua và kết luận chùa vẫn chưa có gì nguy cấp. Rồi một hội nghị cấp TP được tổ chức và người ta lại đi đến quyết định là sẽ trùng tu chùa. “Con có khóc mẹ mới cho bú”, mẹ thế là mẹ gì?

Nhiều, nhiều lắm, những câu chuyện cho thấy sự tắc trách, quan liêu, thờ ơ của các cơ quan chức năng và chính quyền nhiều nơi ở nước ta đối với các di tích di sản văn hóa. Chúng ta có rất nhiều các ban bệ lo việc này nhưng nhìn vào thực cảnh văn hóa nước nhà thì không hiểu các ban bệ đó làm việc gì và làm như thế nào. Phần nhiều di sản chỉ được ngó tới theo kiểu chữa cháy khi có tiếng kêu cứu cất lên, mà tiếng kêu cứu là của người dân và báo chí. Trước thực trạng này, tôi hiểu vì sao họa sĩ Thành Chương đang rất lo lắng cho Việt Phủ của ông mai ngày. Người họa sĩ đã dốc hết của cải làm nên một khu lưu giữ dấu tích của không gian Việt xưa rất công phu, đẹp đẽ, có nguyện vọng sẽ hiến tặng Việt Phủ như một công trình văn hóa cho con cháu mai sau. Hiến tặng cho Nhà nước là hay nhất. Nhưng cung cách Nhà nước quản lý văn hóa như hiện tại khiến ông không dám chắc. Và tôi cũng cảm thấy xót xa khi nghĩ một ngày nào đó Việt Phủ Thành Chương được hiến cho Nhà nước và rồi bị biến dạng, hư hỏng. Nhiều thực tế nhãn tiền cho thấy nỗi lo này không phải là lo xa.

Ông bí thư Hà Nội đã lên tiếng xin lỗi người dân Đường Lâm. Nhưng quan trọng hơn là từ lời xin lỗi của người lãnh đạo cao nhất TP đến việc làm cụ thể để cải thiện cuộc sống trong di sản của người dân. Và quan trọng hơn nữa là từ bỏ lối làm việc “con khóc mẹ mới cho bú” để từ đây không còn những lời xin lỗi bắt buộc như vừa qua.

PHẠM XUÂN NGUYÊN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm