Cuộc chiến đất đai ở các lâm trường - Bài 2: Tính lại bài toán giao đất

Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về rà soát, sắp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh yêu cầu “đất của nông, lâm trường bị lấn chiếm thì phải thu hồi”. Các lâm trường quốc doanh được yêu cầu phải rà soát nhu cầu và khả năng quản lý sử dụng đất để giao trả một phần diện tích đất cho địa phương để cân đối nhu cầu của người dân. Nhưng thực tế nhiều nơi không thực hiện được việc này.

Dân thiếu đất, lâm trường bỏ hoang

Ông Đoàn Quốc Anh, Bí thư chi bộ thôn Cốt Cối (xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn), cho rằng người dân lấn chiếm đất chỉ vì mưu sinh: “Thôn chủ yếu là dân di cư hoặc công nhân nghỉ việc nên ai cũng tay trắng. Dân kiến nghị chính quyền phải cấp đất cho dân, dân ở rừng thì phải có đất rừng để sinh sống. Lúc đầu lâm trường hứa giao mỗi hộ 1,5 ha nhưng do lâm trường không thể thu hồi đất đã bị lấn chiếm và xã, huyện cũng đành chịu. Do đó người dân phải quay lại lấn chiếm đất rừng vừa được công ty khai thác dẫu biết rằng sai pháp luật”.

Theo phó chủ tịch xã Tân Thành, trung bình mỗi hộ ở xã chỉ được nhận khoán 0,5-0,7 ha đất để trồng rừng, con số này quá ít không đủ nuôi sống cả gia đình. Giám đốc Công ty Đông Bắc - ông Nguyễn Tân Việt cũng đồng ý nguyên nhân sâu xa dẫn đến lấn chiếm tranh chấp đất là do “sức ép về gia tăng dân số trên địa bàn trong khi các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, ruộng nương ít, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nên nhu cầu về đất là có thật và ngày càng tăng”. Trong khi đó, lâm nghiệp ngày càng chứng minh là một ngành thu nhập cao và ổn định nên tình hình lấn chiếm tranh chấp ngày một gay gắt.

Cuộc chiến đất đai ở các lâm trường - Bài 2: Tính lại bài toán giao đất ảnh 1

Trồng bạch đàn tại Lâm trường Đông Bắc, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: CT

Nhu cầu về đất bức thiết nhưng cơ chế khoán hiện có những bất hợp lý khó giải quyết được. Định mức khoán do một bên áp đặt nên người nhận khoán bị lỗ là một vấn đề. “Lâm trường bỏ ra rất ít nhưng lại thu đến 40%-50% sản lượng thu hoạch là không hợp lý, dân không đồng ý” - đại diện xã Tân Thành góp ý. Việc giao khoán không công bằng giữa các đối tượng nhận khoán cũng là một bất cập. Chẳng hạn tại thôn Cốt Cối, trong khi người dân chỉ được nhận khoán

trung bình 0,5-0,7 ha thì Công ty Đông Bắc giao cho người ngoài thôn, ngoài xã đến hàng trăm hecta dẫn đến khiếu nại gay gắt.

Trả đất… trên giấy

Cuộc chiến đất đai ở các lâm trường - Bài 2: Tính lại bài toán giao đất ảnh 2

Ông Nguyễn Tân Việt, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Đông Bắc, cho hay công ty dự kiến trả hơn 12.000 ha đất cho địa phương nhưng đến nay vẫn bị kẹt. Ảnh: CT

Theo báo cáo tổng kết Nghị quyết 28, các lâm trường quốc doanh sau khi sắp xếp đã giao lại cho địa phương hơn 504.000 ha (chiếm 14% diện tích). Tuy nhiên, nhiều nơi việc trả lại đất cho địa phương chỉ mới là dự kiến hoặc thực hiện trên giấy. Vị trí đất dự kiến trả lại cho địa phương hoặc là thuộc khu vực đã bị lấn chiếm tranh chấp hoặc thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, khó khăn nên lâm trường không sử dụng được. Đơn cử tại Công ty Đông Bắc (tỉnh Lạng Sơn), đơn vị cho hay dự kiến trả lại địa phương hơn 12.700 ha, trong đó huyện Hữu Lũng được hơn 11.200 ha thế nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Theo giám đốc công ty, lý do là “chưa có kinh phí đo đạc cắm mốc ranh giới”.

Tương tự, Công ty Long Đại (tỉnh Quảng Bình) thu hồi 1.500 ha giao cho dân nhưng dân không nhận bởi vị trí quá xa khu dân cư, đất rất xấu không canh tác được. Ngoài ra, công ty này còn hơn 11.600 ha chưa thu hồi do chưa có kinh phí rà soát, đo đạc. Tại tỉnh Đắk Lắk, Công ty M’Đrak có 3.000 ha chưa tổ chức giao cho dân, bởi phần lớn diện tích này đang bị lấn chiếm, chưa có giải pháp để giải quyết mâu thuẫn và cũng chưa có kinh phí đo đạc.

Không để lâm trường thành địa chủ kiểu mới

“Lâm trường hiện nay không còn sinh khí, cấp thiết phải xem xét tính toán lại về vai trò và phương thức hoạt động của các đơn vị này” - GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, nhận xét về thực trạng các công ty lâm nghiệp hiện nay sau 10 năm sắp xếp đổi mới. Theo ông, cơ chế khoán được hy vọng sẽ làm dịu nhu cầu của người dân về sinh kế. “Lâm trường báo cáo cơ chế khoán rất hiệu quả nhưng thực chất đã biến thành cơ chế địa chủ kiểu mới, phát canh thu tô, lâm trường chia đất rồi hưởng lợi” - ông nhận xét. Ông cho rằng dứt khoát phải đổi mới phương thức của các công ty lâm nghiệp vì đây cũng là “bình mới rượu cũ” của lâm trường quốc doanh.

Một chuyên gia đang là cán bộ Ban đổi mới doanh nghiệp quốc doanh (thuộc Bộ NN&PTNT) cho rằng lâm trường quốc doanh đã hết sứ mệnh lịch sử, cần phải xem xét lại phương án quy hoạch sử dụng đất của các đơn vị này. Một giải pháp ông đưa ra là đấu giá công khai quỹ đất cho thuê sau khi thu hồi lại đất lâm trường không sử dụng hiệu quả. Muốn vậy thì phải giải quyết các tranh chấp, cắm mốc trên phương án mới đã được xem xét. Kinh phí thực hiện có thể thực hiện bằng hai nguồn: Dùng ngân sách Nhà nước hoặc vận động những doanh nghiệp có khả năng. “Phải xem xét nhu cầu và khả năng của dân vì mục đích lớn nhất là an dân, sử dụng đất đúng mục đích” - ông nói.

Ông Phạm Quang Tú, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển (viết tắt là Viện CODE), kiến nghị phải có một cuộc tổng điều tra đánh giá nghiêm túc, kỹ lưỡng về đất đai và giải quyết tranh chấp lấn chiếm của các nông lâm trường hiện nay. Theo ông, diện tích giữ lại cho các công ty là tối thiểu, số còn lại giao cho hộ dân và cộng đồng. “Cần tiếp tục rà soát, thu hồi một số diện tích đất đai của nông lâm trường trả lại cho địa phương để tổ chức giao cho các hộ thiếu đất. Việc thu hồi đất phải có tiêu chí rõ ràng như loại đất gì, ở đâu… để đảm bảo khi đất giao lại là dân có thể sử dụng được” - ông kiến nghị. Ông Tú cũng đồng tình Nhà nước cần đầu tư kinh phí để rà soát, đo đạc, tổ chức giao đất cho dân trên thực tế, tránh giao trên giấy tờ. Việc chia lại đất cho các hộ cứ theo bình quân trên địa bàn xã để đảm bảo công bằng, nếu vượt mức bình quân thì phải chuyển sang thuê đất.

Thực hiện sắp xếp đổi mới lâm trường quốc doanh theo Nghị quyết 28 và Nghị định 200, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT vào ngày 17-5-2012, 256 lâm trường quốc doanh sau khi rà soát sắp xếp đã chuyển thành 148 công ty lâm nghiệp, ba công ty cổ phần, 91 ban quản lý rừng và 14 lâm trường giải thể. Diện tích giao cho các lâm trường quốc doanh từ gần 4,1 triệu ha (năm 2005) còn gần 3,4 triệu ha (năm 2011), chiếm 82,7% so với diện tích trước khi rà soát. Khoảng 708.000 ha dự kiến trả về địa phương.

HÀ NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm