Cứu những đứa trẻ ‘con tin’

Thỉnh thoảng chị Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 5, quận 3 (TP.HCM), lại nhận được điện thoại của những người quen qua các vụ hòa giải để hỏi thăm. Trong đó có anh NVM, chủ tịch một phường ở quận 10, anh gọi cho chị đôi khi không phải để nhờ tư vấn mà chỉ để trải nỗi lòng của mình.

Hóa giải nỗi đau muộn màng

Anh NVM và chị NTT đến với nhau và có một con chung. Được một thời gian thì gia đình họ tan vỡ. Cũng từ đó vợ anh giấu biệt con gái, mỗi khi anh đến đón con thì nhà vợ đóng sập cửa lại. Anh gọi điện thoại thì chị T. tắt máy.

Một thời gian sau, anh M. tái hôn với người làm chung cơ quan. Lúc này con anh đã tới tuổi đi học nên anh “lén” gặp được con ở trường. Nhưng một hôm, anh ngỡ ngàng khi con gái thấy anh là bỏ chạy. Cô bé khăng khăng với cô giáo rằng cha mình là “kẻ xấu xa”.

Anh gửi đơn lên tòa và Hội Phụ nữ quận 3 nhờ can thiệp để anh được gặp con. Chị Phương Lan được phân công hòa giải. Chị đến nhà chị T. thì gia đình chị T. nổi giận đuổi về bởi “mấy người làm ở chính quyền chỉ giỏi bênh nhau”.

Dần dà trò chuyện, chị T. tin tưởng chị Phương Lan và kể: “Em chỉ giận mà làm dữ nhưng ảnh tưởng thiệt. Em vẫn còn đợi chờ ảnh mà ảnh đã bỏ đi lấy vợ khác”.

Lúc này chị Phương Lan mới hiểu nỗi lòng của chị T. Chị đề nghị hai bên gặp nhau để “nói cho xong hết một lần”. Cả hai bên gia đình đều đồng ý. Nhưng lần hòa giải đầu tiên đã vỡ ra trong nước mắt khi chị T. nói rằng “còn giận nghĩa là còn thương”. Anh M. cũng khóc và cho biết anh không vượt qua được sự khác biệt của hai gia đình, dù còn yêu chị, nhưng giờ thì anh không thể quay lại được nữa.

Đến buổi hòa giải tiếp theo, chị Phương Lan tư vấn cho cả hai hãy cố gắng xem nhau như bạn để chăm sóc cho con. Cả hai đã phạm sai lầm nhưng đó là chuyện người lớn, đừng để trẻ nhỏ thiệt thòi. Cả hai nghẹn ngào đồng ý.

Chị Phương Lan (bìa phải) đang tư vấn cho một người dân. Ảnh: HM

Các hòa giải viên phường 5 đã hòa giải thành nhiều vụ việc từ nhiều lá đơn đề nghị hòa giải của người dân. Ảnh: HM

Hãy để đứa trẻ ở nơi nào tốt nhất

Một trường hợp khác, chị LTL về làm dâu gia đình anh NVH. Cuộc sống vợ chồng chị bắt đầu căng thẳng khi chị và mẹ kế của chồng liên tục xảy ra mâu thuẫn, cự cãi. Một hôm, chị L. ôm con về nhà và ra điều kiện: Hoặc mẹ kế phải đi, hoặc chị và con sẽ bỏ đi.

Sau một thời gian “già néo đứt dây”, chị L. và anh H. ly hôn. Chị chuyển chỗ ở và giấu biệt tung tích đứa bé. Gia đình anh H. hoảng hồn nhờ phường can thiệp. Chị Phương Lan đã thuyết phục gia đình chị L. ở quê liên lạc giúp và giải thích cho chị L. hiểu việc ngăn cản tình cảm cha con là vi phạm pháp luật. Cháu bé cũng đã đến tuổi đi học, cần được đến trường, trong khi chị L. thường xuyên di chuyển khắp nơi.

Sau nhiều lần liên lạc, chị L. cũng đồng ý để chị Phương Lan làm cầu nối để hòa giải với gia đình chồng. Tại buổi hòa giải, sau khi nghe hội phụ nữ phân tích về quyền lợi của đứa trẻ, chị L. đồng ý giao con cho anh H. chăm sóc.

Mới đây, chị Y., vợ cũ của một doanh nhân khá thành đạt, liên hệ với chị Phương Lan hỏi cách “bắt cóc” con về nhà. Chị Phương Lan khuyên là không nên.

Trước đó, trong một lần cãi nhau với chồng, chị Y. ẵm con đi ra ngoài ở trọ và ra điều kiện: Nếu anh V. (chồng chị) muốn gặp con thì phải gửi tiền vào tài khoản cho vợ.

Qua nhiều lần chị Phương Lan phân tích cho thấy đứa con ở với cha trong trường hợp này là tốt nhất vì người mẹ không có công việc ổn định. Chị Y. đồng ý cho anh V. đưa con về nhà.

Sau đó ít lâu, chị Y. lập gia đình mới và muốn đưa con về ở với mình. Chị Phương Lan nói: “Có những ca hòa giải xong rồi lâu lâu phải hòa giải lại".

___________________________________

Phường 5, quận 3 có bốn tổ hòa giải. Các tổ hòa giải ở phường đã hoạt động rất hiệu quả, hướng dẫn và hòa giải các tranh chấp trong người dân rất tốt. Chính vì vậy mà phường được giảm áp lực đáng kể bởi các vụ khiếu nại, tranh chấp tại phường và khiếu nại vượt cấp.

Chị ĐẬU THỊ QUỲNH LIÊN,
Phó Chủ tịch UBND phường 5, quận 3

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm