Đặt tên đường: Sao lại ngại khó?

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội, phát biểu: “Nếu được dùng số để đặt tên đường sẽ đỡ khó khăn cho nhà quản lý...”. Tôi hết sức ngạc nhiên vì một nhà quản lý văn hóa của thủ đô lại “ngại khó” đến vậy. Việc đặt tên đường phố không chỉ liên quan tới vấn đề hành chính, hộ tịch người dân mà nó còn thể hiện nét văn hóa của một đô thị. Đất nước 4.000 năm văn hiến chẳng lẽ không có đủ tên danh nhân văn hóa-lịch sử, những sự kiện, địa danh lịch sử… để đặt tên đường? Nhất là một TP thủ đô ngàn năm văn hiến. Việc dự kiến dùng những con số để đặt tên đường cho dễ quản lý là điều ít người chấp nhận. GS-TS Hoàng Đạo Kính, một kiến trúc sư, nhà Hà Nội học nổi tiếng, đã thốt lên: “Tên đường phải có lịch sử, có con người, có ký ức. Nếu lấy số đặt tên sẽ thành một đô thị vô tính à? Kể cả các tên làng đã bị đô thị hóa mất tên thì lấy tên làng đó đặt tên con đường mới ở khu đô thị mới đó...”.

Một số bạn trẻ đem so sánh chuyện đặt tên đường bằng số ở một TP lớn của Mỹ là New York. Họ bảo New York đặt tên đường bằng số nên dễ quản lý và du khách dễ dàng tìm đường khi đến đây. Nhưng các bạn nên nhớ rằng chỉ những khu phố được quy hoạch vuông vức ở New York như những ô cờ người ta mới đặt tên đường bằng số. Còn các TP lớn khác ở Mỹ như Washington, D.C. hay Los Angeles… người ta vẫn đặt tên đường bằng tên danh nhân hay sự kiện lịch sử. Nước Mỹ mới lập quốc hơn 240 năm, tên danh nhân và sự kiện lịch sử không nhiều nên người ta dùng cả những nét đặc trưng của địa phương, những sự việc có liên quan, dễ liên tưởng đến như tên một cái hồ, một rừng cây gì đó hay tên một ngọn núi, một con sông... để đặt tên, nghe rất thú vị. Hà Nội có biết bao nhân danh, địa danh, sự kiện lịch sử - kể cả truyền thuyết - có thể đặt tên đường. Thiết nghĩ chỉ nên đặt tên đường phố bằng số cho những con đường mới ở các khu đô thị mới thành lập mà thôi. Điều này một số đô thị vệ tinh mới lập ở TP.HCM đã làm lâu nay. Ngoài ra, tuyệt đối không nên đặt tên đường ở những khu phố trung tâm hay liền kề các phố chính bằng những con số vô hồn. Hà Nội và TP.HCM là hai đô thị lớn và tiêu biểu nên rất cần có sự cẩn trọng khi đặt tên đường phố. Tên đường, tên phố gắn liền với lịch sử phát triển và cũng là nét văn hóa của mỗi TP.

So với Hà Nội thì TP.HCM non trẻ hơn nhiều nhưng lại còn bị bao nhiêu sự kiện lịch sử chồng lấn mù mờ mà TS sử học Nguyễn Quang Ngọc đã gọi là “những vùng khuất lịch sử”, nên việc đặt và thay đổi tên đường phố trong hơn 40 năm qua vẫn còn nhiều bất cập và bất hợp lý. Trong một phát biểu mới đây, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng điều nguy hiểm nhất là việc không nhìn lịch sử đầy đủ, toàn diện sẽ sinh ra khoảng trống. Có thể kể vài “khoảng trống” trong việc đặt và thay đổi tên đường ở TP.HCM sau năm 1975. Nhất là tên các vị vua quan triều Nguyễn, trong đó có trường hợp cha con hai vị vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân. Đường Duy Tân bị xóa tên, thay bằng đường Phạm Ngọc Thạch. Đường Thành Thái cũng bị xóa, sau này phục hồi chuyển đến thay đường Nguyễn Tri Phương nối dài, quận 10. Đáng nói nhất là cho đến nay, mặc dù đã qua bao nhiêu cuộc hội thảo, tọa đàm về công và tội của ba danh nhân lịch sử-văn hóa tiêu biểu của miền Nam là Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký. Và hầu hết các bài tham luận đã được in thành ba bộ sách về các cụ với nhiều bài viết của các nhà sử học hàng đầu Việt Nam - kể cả các bài của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cụ Trương đã được phục hồi một phần, được đặt tên cho một con đường nhỏ ở quận Tân Phú, còn hai cụ Lê và Phan vẫn đang chờ… xét duyệt. Từ nhiều năm nay, mỗi lần đi ngang qua lăng ông Lê Văn Duyệt, tôi vẫn thấy ngậm ngùi khi tên cả hai con đường Lê Văn Duyệt - Sài Gòn (nay là Cách Mạng Tháng Tám), nhất là Lê Văn Duyệt - Gia Định (nay là đoạn đường Đinh Tiên Hoàng - Bình Thạnh, chạy ngang lăng Ông) vẫn chưa được phục hồi.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm