‘Đền Hùng’ giữa Sài Gòn của gia tộc họ Đoàn

‘Đền Hùng’ giữa Sài Gòn của gia tộc họ Đoàn ảnh 1
Ông Đoàn Văn Tài (bên trái) đứng trước bàn thờ Quốc tổ cùng em trai trong vai trò nam tế.

Giữa Sài Gòn, có một dòng họ …

Buổi sáng, mặt trời còn chưa tỏ. Trong căn nhà nhỏ số 212/215 Nguyễn Văn Nguyễn (P.Tân Định, Q.1, TP.HCM), hơn 30 chục con người đang ngồi nói cười rộn rã. Nép mình trong con hẻm nhỏ, căn nhà của ông Đoàn Văn Tài gây ấn tượng với chúng tôi bởi lối kiến trúc cung đình. Tường và cột nhà được chạm trổ hình rồng phượng uốn lượn. Chính giữa nhà, bàn thờ tổ với dòng chữ “Quốc tổ Hùng Vương” khói hương nghi ngút trông thật trang trọng, oai nghiêm. Chiếc cổ ngai tượng trưng cho bài vị 18 vua Hùng được bày trí ở nơi cao và long trọng nhất. Xung quanh, bài vị các anh hùng có công với dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo,… được sơn son thiếp vàng. Trên bàn thờ, mâm cỗ và hoa quả đã được bày biện sẵn.

Hai bên tả hữu bàn thờ chính lần lượt là bàn thờ 2 cụ thân sinh của ông Tài và bàn thờ Khổng Phu Tử. Được biết, thân sinh của ông Tài là cụ Đoàn Văn Nụ. Cụ vốn là người làng Thanh Liêm, huyện Thanh Bình (Hà Nam). Năm 1938, cụ Nụ vào Sài Gòn lập nghiệp khi chưa tròn 20 tuổi. Với bàn tay trắng, cụ đã đổ bao mồ hôi công sức để khai khẩn vùng đất hoang vu và lập nên gia nghiệp này. Cụ đã học và gắn bó với nghề thêu. Để rồi, cái nghề đó đã giúp cụ nuôi sống vợ con và trở thành nghề truyền thống của gia đình.

Ban nữ tế của gia tộc họ Đoàn gồm 10 người.

Lý do thờ Khổng Phu Tử mà không phải là thần, Phật được ông Tài giải thích: “Ông là con người bình thường nên không thể với tới các đấng thần, Phật. Mà “nhân bất học, bất thành tài”, chỉ có học vấn mới giúp ta mở mang trí tuệ. Nó giúp ta có tiếng nói trong xã hội và nuôi sống bản thân”.

Xung quanh bàn thờ chính là dàn giáo mác, trống, chiêng và nhạc cụ được bày trí ngay ngắn. Đây quả là một sự kì công của gia tộc họ Đoàn trong việc giữ gìn những nét đẹp truyền thống.

Con cháu Đoàn gia đã tề tựu về đây từ rất sớm. Dù có phải tha hương cầu thực, họ đều quay về nhà mình vào ngày này. Quan sát, chúng tôi nhìn thấy có 10 phụ nữ tóc tai được bới gọn gàng. Họ đội mấn, mặc áo dài gấm và mang hài thêu. Hỏi ra mới biết, đây là ban nữ tế của buổi lễ. Ban nam tế là ông Tài cùng một người em trai đang mặc áo dài đen.

Ban nhạc công là các thành viên trong gia đình.

Đúng 8 giờ sáng, sau một hồi trống chiêng khai lễ, buổi tế được bắt đầu. Ban nhạc công là các thành viên trong gia đình bắt đầu gõ trống chiêng theo điệu cung đình. Ban nữ tế đã thực hiện đầy đủ các nghi thức như: dâng hoa, dâng trà, thắp hương, vái lạy Tổ trong sự điều hành của trưởng tế nữ lớn tuổi. Từng bước chân nhịp nhàng, quy cách cho ta thấy không khí trang nghiêm và sự dạy dỗ bài bản của gia tộc này.

Buổi lễ được thực hiện đến 10 giờ sáng là hoàn thành. Con cháu nhà họ Đoàn từng người một lên thắp hương cho Quốc tổ. Từ những cụ già râu tóc bạc phơ cho đến em bé vừa lên 3, ai cũng giữ nét mặt nghiêm túc, thành kính.

Giữa Sài Gòn, một gia đình như vậy thật khó tìm. Họa chăng, ta chỉ tìm được những điều ấy ở Đoàn gia…

Nghi thức dâng trà lên Quốc tổ.

'Tiên học lễ, hậu học văn'

Chia sẻ với chúng tôi lý do vì sao gia đình lại tổ chức và gìn giữ lễ tế Quốc tổ Hùng Vương, ông Đoàn Văn Tài nói: “Thời sinh tiền, cha tôi đã từng dạy chúng tôi rằng các con và những người khác đều là anh em họ hàng. Chúng ta đều từ một bọc trứng sinh ra. Vì thế, ta và người cần phải thương yêu lẫn nhau. Không phân biệt giàu nghèo, xa lạ. Cây có cội, sông có nguồn, các Vua Hùng là người đã lập nước, mở mang bờ cõi này. Chúng ta cần đời đời tưởng nhớ công ơn tổ tiên”.

Bàn thờ Khổng Phu Tử.

Theo ông Tài, bàn thờ Quốc tổ được lập cách đây đã mấy chục năm. Trước vì gia đình khó khăn nên bàn thờ còn đơn giản. Về sau, con cháu họ Đoàn đã cùng nhau đóng góp để xây dựng và trùng tu nên bàn thờ đẹp và uy nghi như hiện nay.

“Khai tâm mở trí”, “Tiên học lễ - hậu học văn” đó là những câu nói mà ông Tài luôn dạy con cháu mình phải khắc ghi. Chỉ có lễ nghĩa mới giúp ta trở thành con người tốt, sống có đạo đức được mọi người tôn trọng. Cái tài có thể bồi dưỡng hoặc mất đi theo thời gian nhưng đạo đức của con người thì tuyệt nhiên không thể mất.

Nhiều cháu còn nhỏ tuổi cũng về tham dự buổi lễ và được hướng dẫn các lễ nghi.

Được biết, điều ông Tài tự hào là con cháu trong dòng họ trên dưới mấy chục người chưa ai làm gì để cả họ phải chịu tai tiếng. Từ nhỏ, họ đã được các bậc tiền nhân truyền dạy những lễ nghi để gìn giữ nét đẹp của ngày giỗ tổ cũng như cách đối nhân xử thế để làm người tốt.

Rời nhà họ Đoàn khi hồi trống báo hiệu thực hiện xong lễ tế Quốc tổ Hùng Vương, lòng chúng tôi lâng lâng nỗi niềm khó tả. Giữa Sài Gòn, nhiều người đã vô tình quên đi giá trị lịch sử, tinh thần cao quý của dân tộc. Trong khi đó, Đoàn gia vẫn giữ trọn gia phong nề nếp quả là một điều thật hiếm, thật đẹp…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm