Đi hội tội người

Lễ và hội ở khắp các vùng quê là đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh vui chơi giải trí của dân cư sống bằng nông nghiệp là chính, theo thời vụ mùa màng và gắn với đất đai tự nhiên. Nhưng đấy là nói ngày xưa, cái thời “chân quê”. Ngày nay, khi đời sống đô thị và quanh cảnh đô thị hóa đã lấn át và chèn ép đến cả phần tinh thần của người ta thì lễ hội đầu năm cũng như quanh năm đã phơi bày nhiều nghịch cảnh chướng tai gai mắt, đã bị ô tạp, nhiễu nhương, đã bị mất đi cái tinh chất thực chất vốn có. Tôi thực sự sợ và khiếp cảnh lễ hội hiện nay.

Cảnh quan chùa chiền, di tích không còn nguyên vẹn cả hình thể và môi trường. Xưa bước chân vào một ngôi chùa là bước vào một khoảng không tĩnh lặng, âm u, cách biệt với sự náo động, xô bồ của đời sống trần thế. Chùa xây cất khiêm nhường nép bóng cây cối hòa trong xóm làng nhưng là một không gian thiêng cho người đến đó lắng lòng lại, đẩy sạch các tạp niệm trong mình ra ngoài, để được thanh sạch mình trong một chốn thanh tịnh, thấy mình được tiếp thêm nguồn sống mới. Nay chùa đền cứ sáng bóng lên, cứ trần trụi ra, cứ tô hô gạch ngói xi măng, vào chùa mà chẳng thấy chùa, thấy bàn thờ tượng Phật mà không dậy lên một cảm giác siêu thoát.

Không gian tâm linh vì thế cũng bị phá vỡ, biến dạng. Trước vào chùa thắp một nén hương, thỉnh một tiếng chuông, chắp tay trầm tư trước tượng rồi dạo bước nhẹ nhàng trong khuôn viên đầy cây cỏ mà ngẫm ngợi cái đã qua, cái đang đến, mà thả lòng cho những ý nghĩ siêu thoát. Mùi của hương thắp, của hoa trái trong vườn chùa gợi lên những cảm giác tinh khiết. Người vào chùa được thấy mình nhẹ nhõm, sạch sẽ hẳn ra. Nay đến chùa là thấy chen chúc khấn vái hết sức lộn xộn, ẩu tả. Người ta thi nhau sắp lễ, cắm hương mà không thèm để ý đến cảnh chùa, không gian tôn giáo đang bị xâm phạm. Mục đích vật chất, vị lợi, cầu xin thánh thần phù hộ cho thăng quan tiến chức, cho mua may bán đắt, cho đủ thứ cần thiết thực dụng đã biến cửa đền chùa di tích thành một nơi phàm tục nhất. Có phải con người ngày nay quá chạy theo những cái vật chất tầm thường, những cái thực dụng vị lợi hay vì họ mất niềm tin nên không còn tâm trí đâu chơi hội, hòa chung không khí vui vẻ ngày xuân, mà chỉ chăm chăm cầu khấn xin xỏ những lợi ích thiết thân cho mình từ những đấng cao siêu hư ảo? Đầu xuân năm 2010 tôi lên Pác Bó còn vớt được từ nguồn suối Lê Nin một bản giấy cầu xin lên chức trưởng công an phường của một người ở Nam Định khi đến thăm khu di tích này. Nghĩ mà thật buồn.

Cảnh quan tự nhiên thay đổi, không gian tâm linh biến dạng nên môi trường văn hóa lễ hội cũng bị ô tạp. Người đi lễ ở các chùa chiền không còn mang tâm lý thanh cao mà chỉ vì mục đích thực dụng nên họ làm mọi cách thực hiện được nghi thức cúng bái xong là sẵn sàng xả rác vô tội vạ, là mặc kệ người khác cũng mong muốn cầu bái như mình, cứ như thần Phật chỉ phù hộ cho riêng một chúng sinh. Thật khủng khiếp khi chứng kiến cảnh đền chùa, di tích trong những ngày lễ hội: một bãi rác khổng lồ, một đống chen chúc, xô đẩy, một phòng trưng bày lộ thiên tạp pí lù của tham vọng kỳ quặc của con người. Đem bạc dán dắt đầy mình tượng là một trong những hành động phản cảm điển hình nhất của lễ hội không chỉ xuân này.

Đi hội tội người, tội cả thánh thần tiên Phật, tội cả văn hóa tâm linh tinh thần. Văn hóa lễ hội của chúng ta hỏng mất rồi. Nó hỏng trong cái hỏng chung của văn hóa tinh thần của người Việt ta lâu nay. Bây giờ có ai đi hội để ngắm nhìn thưởng lãm cái đẹp, cái hay của những di tích đình chùa nữa đâu. Người ta cứ đi cứ đến cứ vái cứ cúng nhưng về hỏi là đi đâu, nơi đó sự tích thế nào, kiến trúc ra sao, có gì hay gì đẹp thì lại chẳng biết, chẳng thèm biết.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm