Đình chỉ tài xế trộm xăng trên quốc lộ

Chiều 8-6, đại diện Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Sài Gòn cho biết đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác các tài xế có liên quan đến vụ “Hút trộm xăng dầu giữa quốc lộ” Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh cùng ngày.

Đình chỉ tài xế

Đại diện Petrolimex Sài Gòn cho biết sau khi báo đăng bài, công ty đã mời ông Vũ Đình Sinh và ông Lê Thành Bùi là tài xế của các xe bồn 57H-6141 và 57H-3967 đã nêu trong bài làm tường trình. Bước đầu, hai tài xế khai nhận không tháo chì rút xăng ở trên bồn mà số xăng dầu bán cho tiệm rửa xe chỉ là số xăng dầu còn lại sau khi đã đi giao hàng cho các cây xăng. “Tuy nhiên, căn cứ vào điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty, chúng tôi đã ra quyết định tạm đình chỉ hai người này” - vị đại diện này thông tin.

Khi PV đặt câu hỏi sao số xăng dầu dư lại nhiều thế (đến gần 100 lít) thì người này nói: “Nắp và ống xả xăng dầu đều được niêm phong, bấm chì rất kỹ. Khi cấp nhiên liệu cho các cửa hàng xăng dầu thì các cây xăng, đại lý của Petrolimex cũng kiểm tra lại các niêm chì. Vì vậy, việc các tài xế bán hai, ba can như vậy có thể do họ tích lũy nhiều lần từ số xăng dầu còn sót lại trong bồn sau khi đã giao hàng xong”.

Những hình ảnh, chứng cứ mà chúng tôi ghi nhận được cho thấy các nhân viên mặc đồng phục Petrolimex có các “thao tác leo trèo, đưa ống, hút” chứ không chỉ đơn thuần là việc dừng xe rồi xách can xăng/dầu “thừa” đem bán. Ngoài ra, trong số các xe được nêu thì có chiếc đã ghé rút bớt xăng/dầu “chui” trước khi đi cấp hàng cho cửa hàng xăng dầu. Về điều này, đại diện Petrolimex đề nghị được cung cấp thông tin cụ thể để kiểm tra và có các bước xử lý tiếp theo.

Can nhựa rỗng, ống dây được mang ra chiếc xe bồn và một lúc sau “đầu nậu” khệ nệ xách can xăng dầu đầy vào tiệm cất. Ảnh: VŨ HỘI

Nguy cơ xăng dầu kém chất lượng

Theo chứng cứ PV có được, thực tế có xe đã “xả, bán” xăng dầu trước khi chở đi cung cấp cho cây xăng. Điều này làm nhiều người dân lo ngại về khả năng các tài xế đã đổ các loại nhiên nhiệu kém chất lượng bù vào lượng thiếu hụt. TS Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ lọc hóa dầu (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM), khẳng định lo ngại trên là có cơ sở.

“Lượng xăng/dầu trong các xe bồn chở đi cung cấp được phép hao hụt với tỉ lệ nhất định, đồng thời tài xế có thể có một số tác động làm thay đổi số đo (lượng xăng dầu) của đồng hồ để bù vào số hút bớt. Song việc này cũng chỉ ở một chừng mực nhất định” - TS Quyền nói.

TS Quyền cũng khẳng định hiện không có phụ gia hoặc hóa chất làm trương nở nhiên liệu để xe bồn đầy trở lại sau khi bị hút nên tình huống đưa nhiên liệu kém chất lượng trở lại thường được áp dụng. “Có một số loại dầu kém chất lượng (ví dụ như được nhiệt phân từ vỏ cao su cũ…), thường dùng cho các lò đốt công nghiệp được dùng. Giá cả của loại dầu này thường rẻ hơn dầu bình thường 6.000-7.000 đồng/lít nên nếu tráo được 100 lít thì lái xe đã được hơn 600.000 đồng. Tuy nhiên, việc pha trộn nước hoặc nhiên liệu kém chất lượng sẽ khiến các xe đổ phải dễ bị tắt máy bất chợt. Nếu sử dụng lâu dài còn làm nhiều bộ phận mau chóng hao mòn, giảm tuổi thọ máy móc của xe” - TS Quyền nhấn mạnh.

Truy cứu hình sự nếu trộm trên 2 triệu đồng

Sau khi tiếp nhận thông tin từ báo Pháp Luật TP.HCM, chúng tôi đã có kế hoạch kiểm tra chủ tiệm rửa xe, tạp hóa Cô Yến và tiệm sửa xe Sáu trong ngày 9-6. Theo đó, chúng tôi sẽ yêu cầu các chủ tiệm này có cam kết không được thu mua xăng dầu từ các xế rút trộm, nếu tái phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Ngoài ra, hành vi tài xế rút trộm xăng dầu với số lượng giá trị trên 2 triệu đồng có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản. Cho nên việc những người này mua lại xăng dầu của người trộm cắp cũng sẽ bị xem là đồng phạm, do đã tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Trung tá NGUYỄN VĂN LÝ, Đội trưởng Đội CSĐT về tội phạm kinh tế và chức vụ Công an huyện Thống Nhất

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm