Đòi bồi thường 36 con bò bị tiêu hủy

Ông Lê Tấn Hữu (huyện Củ Chi, TP.HCM) vừa nộp đơn kiện, yêu cầu Trạm Chẩn đoán Xét nghiệm và Điều trị (thuộc Chi cục Thú y TP.HCM) (trạm) bồi thường 36 con bò vì cho rằng cơ quan này lấy mẫu xét nghiệm khống, cơ quan chức năng ra quyết định tiêu hủy sai. Điều đặc biệt, ông Hữu cho biết sẽ đề nghị cơ quan chức năng khai quật số bò đã chôn để xét nghiệm xem đàn bò bị tiêu hủy của ông có nhiễm virus lở mồm long móng (LMLM) hay không. Trong khi cơ quan chức năng cho rằng “có đào lên cũng không tìm thấy virus trên vì khi tiêu hủy phải đốt, rắc vôi để diệt mầm bệnh”...

“Không biết biên bản lấy mẫu”

Theo ông Hữu, ngày 10-8-2014, ông mua 40 con bò sữa (đang mang thai) từ Long An về xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi để nuôi. Khi đưa bò về, một số con khó đi nên ông đề nghị bác sĩ thú y trong xã đến chữa trị. Ngày 14-8-2014, đoàn kiểm tra thú y huyện đến, ghi nhận đàn bò có 20 con nghi bị bệnh LMLM. Chiều cùng ngày, trạm đến lấy 40 mẫu máu và một số mẫu dịch hầu họng để xét nghiệm. Hôm sau cơ quan thú y tiếp tục đến kiểm tra, chụp ảnh và “làm gì đó” trong trại bò mà sau này ông mới biết là họ lấy mẫu bệnh phẩm biểu mô ở chỗ mụn nước mới vỡ để phân lập chủng virus LMLM. Kết quả này đã xác định đàn bò dương tính với virus LMLM, thuộc loại phải tiêu hủy bò.

Từ kết quả này, Chi cục Thú y tham mưu và ngày 29-8-2014, UBND huyện Củ Chi ra quyết định tiêu hủy 36 con bò sữa nói trên.

Cán bộ thú y lấy mẫu xét nghiệm đàn bò. (Ảnh do ông Hữu cung cấp)

“Kết quả lấy mẫu ngày 15-8-2014 là cơ sở quan trọng trong việc tiêu hủy đàn bò nhưng việc lấy mẫu có nhiều bất thường. Cụ thể, đến ngày huyện công bố quyết định tiêu hủy đàn bò (ngày 29-8), tôi mới biết được có việc lấy mẫu từ ngày 15-8. Tôi không chứng kiến, không ký vào biên bản lấy mẫu bệnh phẩm ngày 15-8 vậy thì biên bản lấy mẫu có chữ ký trong hồ sơ từ đâu ra? Chưa hết, tại sao ngày 14-8 lấy mẫu máu, xét nghiệm biết được kết quả nhưng đến ngày 18-8, trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về việc vận chuyển bò không có giấy kiểm dịch, lại buộc chúng tôi kiểm dịch lại?” - ông Hữu nêu.

Yêu cầu khai quật “mộ” bò

Từ đó ông Hữu đề nghị Trạm Chẩn đoán Xét nghiệm và Điều trị bồi thường số bò trên (khoảng 1,6 tỉ đồng) vì kết quả lấy mẫu không đúng, lại là cơ sở để ra quyết định tiêu hủy đàn bò. “Theo tài liệu khoa học, virus LMLM sẽ tồn tại trong vòng 2-3 năm. Do vậy tôi đề nghị có đơn vị thứ ba khai quật số bò đã tiêu hủy để lấy mẫu đối chứng với mẫu cơ quan thú y đã lưu trước đó. Nếu mẫu khai quật cho kết quả khác với kết quả đã công bố thì Chi cục Thú y phải bồi thường số bò đã tiêu hủy” - ông Hữu nói.

Trước yêu cầu này, ông Khương Trần Phúc Nguyên, Chánh Thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết đây là yêu cầu lạ! “Ngành thú y xác định đàn bò bị bệnh LMLM, phải tiêu hủy để diệt mầm bệnh. Vì vậy trước khi chôn bò phải đốt hoặc rắc vôi, phun thuốc để không còn mầm bệnh. Đòi hỏi này là vô lý. Tuy nhiên, ông Hữu có quyền đề nghị và nếu Bộ NN&PTNT đồng ý, Cục Thú y có hướng dẫn thì sẽ thực hiện. Nên nhớ là khi tiêu hủy mà vẫn còn virus thì làm sao chống được dịch. Vì vậy giờ có khai quật lên, khó thu lượm được gì” - ông Nguyên nói.

Về việc khai quật “mộ” bò, luật sư Lê Thanh Trang (Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV TA PHA) giải thích: Về nguyên tắc, khi ai đó cho rằng quyền lợi mình bị xâm hại thì có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường, tòa có chấp nhận hay không là chuyện khác. Tôi cho rằng việc ông Hữu yêu cầu khai quật để kiểm tra là có cơ sở, giống như đề nghị khai quật, lấy mẫu người chết giám định ADN. Nhưng việc khai quật bò đã tiêu hủy là yêu cầu lạ và điều này có thể gây lúng túng cho tòa.

Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên, mẫu máu lấy ngày 14-8 (có đầy đủ thành phần) cho thấy đàn bò của ông Hữu bị LMLM. Từ đó thú y tiếp tục lấy mẫu để phân type làm cơ sở phòng ngừa tiếp theo. Ở lần lấy mẫu này cũng có sự chứng kiến, ký tên của ông Hữu. Mặt khác, type virus trong kết quả phân type này lần đầu tiên xuất hiện ở TP.HCM thì chúng tôi lấy đâu ra mẫu này?

Việc xử lý đàn bò không cần phải chờ kết quả phân type virus. Bởi theo Điều 10 của văn bản hợp nhất 11-2014 của Bộ NN&PTNT về phòng, chống bệnh LMLM gia súc, bắt buộc tiêu hủy trâu, bò LMLM trong ổ dịch (một con bị cũng coi là ổ) lần đầu tiên xuất hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm