Đưa bạo lực vào là giết truyện cổ tích

Như báo Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, bộ truyện tranh cổ tích Việt Nam của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục vừa phát hành đã cắt bỏ những tình tiết thú vị và thêm thắt những tình huống, hình ảnh bạo lực. Tác hại việc này như thế nào? Chúng tôi tiếp tục chuyển tải ý kiến của các chuyên gia xung quanh vấn đề này.

Chỉ được làm cho truyện đẹp hơn, tử tế hơn

Đưa bạo lực vào là giết truyện cổ tích ảnh 1
Truyện cổ tích là một trong số các kênh quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách của con trẻ. Do vậy, tính nhân bản và đạo đức được đề cao, ngôn từ và tình tiết được chắt lọc. Truyện cổ tích được hình thành và duy trì chủ yếu là truyền khẩu nên mỗi người khi kể có thể thêm bớt đôi chút tùy theo trí nhớ và khả năng sáng tạo nhưng có một nguyên tắc bất thành văn là chỉ được làm cho nó đẹp hơn, tử tế hơn chứ không xuyên tạc, bóp mép giá trị đạo đức của nó.

Nên nhớ truyện cổ tích bị kể chuyện miệng xuyên tạc ít tác hại hơn so với truyện tranh xuất bản ra hàng ngàn bản cho hàng vạn người đọc và được lưu giữ trong tủ sách. Do vậy, những tình tiết mới thêm vào, những câu thoại, ảnh minh họa phải hết sức cẩn trọng, không nên tùy tiện. Để không có tình trạng đáng tiếc xảy ra như trong “Sự tích dưa hấu” nữa thì mỗi nhóm làm việc, mỗi nhà xuất bản nên có những nhà cố vấn đóng vai trò là “tỉnh táo viên” trong khâu biên tập và kiểm duyệt, tạo ra các sản phẩm có trách nhiệm hơn đối với xã hội và thế hệ trẻ.

PGS-TS NGUYỄN MINH HÒA, khoa Đô thị học, Trường Đại học Quốc gia TP.HCM

Sẽ ảnh hưởng nặng nề tâm lý, hành vi của trẻ

Đưa bạo lực vào là giết truyện cổ tích ảnh 2
Việc cho trẻ tiếp cận với những ngôn từ hoặc những hình ảnh bạo lực hoặc nhảm nhí sẽ ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý của các em. Tâm hồn của các em rất ngây thơ, trong sáng nên những gì đã tạo được ấn tượng thì rất khó phai. Ngôn ngữ của các em bị biến dạng khi giao tiếp với phong cách ngôn ngữ phi chuẩn mực. Tiếp cận với hình ảnh, hành vi bạo lực các em sẽ trở nên rất quen thuộc với những cách ứng xử này và có thể có nguy cơ bị lệch hướng...

Giáo dục trẻ nhỏ cần có sự chuẩn mực cho nên việc chọn lựa sản phẩm văn hóa, giải trí cần cân nhắc.

Tiến sĩ tâm lý HUỲNH VĂN SƠN, cố vấn cao cấp Trung tâm Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt

Đừng gài lưỡi dao vào tâm hồn trẻ thơ

Truyện cổ tích là kết tinh của trí tuệ và tâm hồn Việt lưu truyền trong dân gian. Mỗi chi tiết, mỗi câu chuyện đều mã hóa một điều gì đó mà cha ông ta gửi gắm. Theo thời gian, các chi tiết ấy được sàng lọc và mang tính biểu tượng cao. Vì thế, việc thay đổi các chi tiết hoặc nội dung câu chuyện, “làm mới” chúng sẽ càng ngày càng làm sai lệch các giá trị biểu trưng đó, càng làm cho trẻ em xa rời truyền thống và càng kích thích trẻ em bịa đặt và phá phách các câu chuyện cổ tích.

Đưa bạo lực vào là giết truyện cổ tích ảnh 3

Trang truyện thêm thắt chi tiết Mai An Tiêm bắn hạ voi con (Sự tích quả dưa hấu- NXB Giáo dục). Ảnh: TRÀ GIANG

Đưa bạo lực vào là giết truyện cổ tích ảnh 4
Truyện cổ tích là sáng tạo của người lớn, và ngày xưa không phải dành riêng cho trẻ nên có một số chi tiết không còn phù hợp, cần phải lược bỏ. Ví dụ chuyện cô Tấm trả thù bằng cách băm xác Cám làm mắm rồi gửi về cho mẹ Cám thì không nên đưa vào truyện cho thiếu nhi. Dân gian sáng tạo câu chuyện đó là để thỏa mãn cho nguyện vọng cái thiện thắng cái ác. Chuyện bà mẹ của Đinh Tiên Hoàng đi ra bờ sông bị con rái cá hiếp rồi sinh ra Đinh Tiên Hoàng chẳng hạn, cũng không nên đưa vào truyện cho thiếu nhi.

Những người làm sách cần phải có hiểu biết về truyện cổ tích - đó là sáng tạo của nhân dân và chưa bao giờ trong lịch sử truyện cổ tích chỉ dành cho thiếu nhi. Vì thế, phải biết chọn lọc để giới thiệu riêng cho thiếu nhi những câu chuyện cổ tích phù hợp.

Hiện nay, vì lợi nhuận, nhiều tác giả đã biến tướng, thêm thắt vào nhiều chi tiết mang tính hiện đại. Truyện tranh ảnh phần lớn là đánh nhau, thấm đẫm mùi bạo lực. Việc làm đó đúng hay sai ư? Việc thể hiện một câu chuyện cổ tích bằng hình vẽ có cái khó riêng là không được dùng nhiều lời (chữ), đặc biệt là phải hấp dẫn. Tuy vậy, không thể vì thế mà được phép biến tướng, thêm thắt những nội dung, câu chữ, hình vẽ quá hiện đại vào trong câu chuyện kể đưa đến cho các em.

Các truyện tranh cổ tích thường do các NXB Giáo dục, Kim Đồng… xuất bản và phát hành. Đây là những NXB lớn, có chức năng, nhiệm vụ bồi dưỡng đạo đức, lối sống, vun đắp những nét đẹp nhân văn cho trẻ em, hệ thống phát hành phủ sóng toàn quốc. Vì thế, những NXB này phải chịu trách nhiệm đối với những sản phẩm tinh thần này. Trường hợp nếu có những sản phẩm sai lạc, phản tác dụng giáo dục được lưu hành thì hậu quả rất nghiêm trọng.

Người lớn chúng ta hôm nay không ai là không nhớ đến những câu chuyện cổ tích được nghe, được đọc từ thuở ấu thơ. Nay những câu chuyện cổ tích bị biến tướng cũng sẽ hằn in trong con trẻ và theo chúng đi suốt cuộc đời. Nếu chúng ta dạy cho chúng điều lành, điều thiện thì chúng sẽ đem nó đi suốt cuộc đời. Ngược lại, nếu chúng ta dạy điều ác, điều dữ, chẳng khác nào gài lưỡi dao trong tâm hồn chúng. Nhất định có ngày lưỡi dao đó sẽ được vung lên…

Các NXB hãy nghĩ đến trách nhiệm xã hội, đến tương lai của đất nước, đừng chỉ vì cái lợi bỏ túi riêng mà xao nhãng việc đọc duyệt, kiểm soát và thực tâm chịu trách nhiệm đối với vấn đề này.

TSNGUYỄN XUÂN DIỆN, Phó Giám đốc thư viện, Viện Hán Nôm

Phong cách cảm thụ mới

“Bộ truyện tranh cổ tích Việt Nam do Công ty Truyện tranh Artsign phối hợp với NXB Giáo dục - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam thực hiện mong muốn giới thiệu đến bạn đọc một phong cách cảm thụ mới đối với truyện cổ tích vốn đã trở nên quen thuộc.

Theo hướng tiếp cận mới này, truyện cổ tích sẽ hiện đại và hóm hỉnh hơn, ngôn ngữ nhân vật sẽ hiện thực hơn, đồng thời nét vẽ sinh động, phóng khoáng, hài hước sẽ khắc họa đậm nét hơn tính lạc quan và sự tất thắng của cái thiện, lẽ công bằng trong truyện,… và như thế, những truyện cổ tích sẽ gần gũi hơn cách cảm, cách nghĩ của các bạn đọc nhỏ tuổi hôm nay.”

Trích Lời nói đầu bộ sách Truyện tranh cổ tích Việt Nam(NXB Giáo dục)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm