Dùng bóng đá xóa chửi thề của trẻ đường phố

Hơn một năm nay, cứ hai tuần một lần vào Chủ nhật, sân bóng đá Thành Phát (đường Bình Quới, quận Bình Thạnh) hoặc sân bóng Tao Đàn (quận 1) lại rộn ràng không khí tập luyện hăng say của thầy và trò lớp bóng đá dành cho những trẻ em sống lang thang trên đường phố, gia cảnh khó khăn và trẻ ở các mái ấm. Lớp bóng đá có sự tham gia của Liên đoàn Bóng đá Na Uy, Quỹ Manchester United, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) trẻ em TP.HCM...

Không chỉ học đá bóng

Đến 8 giờ lớp bóng đá mới bắt đầu nhưng 7 giờ 30, các em đã lục tục kéo đến và bàn  sôi nổi quanh chuyện về trái bóng. Trước khi ra sân, thường thì các em sẽ được nghe thầy cô trao đổi về các chủ đề như phòng tránh tai nạn, thương tích trên sân, kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ bạn bè, quản lý cảm xúc để tránh gây hại cho bản thân và người khác…

Hôm nay, chủ đề kỹ năng làm việc nhóm được các em hưởng ứng nhiệt liệt. Từ những vật liệu đơn giản như báo và cuộn băng keo, vận dụng óc sáng tạo từ những thành viên trong nhóm, các em đã làm ra những cái khung thành hết sức độc đáo theo yêu cầu của cô giáo.

Cách đây một năm, Tùng (16 tuổi, phường 26, quận Bình Thạnh) lêu lổng cùng đám đàn anh giang hồ ở Bến xe Miền Đông. Cha mẹ ly hôn, Tùng sống với ông bà già yếu, rồi nghỉ học và vùi đầu vào tiệm game. Từ khi vào lớp bóng đá, Tùng đã kết thêm được nhiều bạn và háo hức chờ đến ngày đuổi theo trái bóng mệt nhoài, rồi cùng các bạn trong lớp tự đi tìm việc làm. Hiện tại Tùng làm bảo vệ cho một công ty để kiếm tiền phụ ông bà và đều đặn đến lớp bóng đá.

Tùng nói: “Từ ngày có lớp bóng đá, em thấy vui lắm vì lúc trước rảnh em cũng không biết làm gì ngoài chơi game, mở miệng ra là nói tục, chửi thề. Giờ em chỉ thích theo các bạn đi đá banh thôi, ăn nói đàng hoàng hơn. Vào đây, có công việc gì là mấy bạn hay rủ nhau đi làm để có tiền phụ cho gia đình, em thấy tốt hơn”.

Lớp bóng đá quy tụ chủ yếu trẻ sống ở đường phố, có hoàn cảnh đặc biệt, thường hành động theo bản năng nên khó tránh khỏi va chạm, gây gổ... Để đưa lớp vào nền nếp, các huấn luyện viên phải rất vất vả từ những ngày đầu.

Các em hào hứng tham gia buổi truyền thông. Ảnh: HOÀNG LAN

Bỏ tật chửi thề, đánh nhau…

“Với bản tính hiếu động, các em hay làm việc riêng, dễ nóng nảy, hở ra là nói tục. Mỗi lần như thế, chúng tôi phải giải thích cho trẻ hiểu. Nếu trẻ nào phạm lỗi, chúng tôi thường phạt các em hít đất, thụt dầu (nắm tai đứng lên rồi ngồi xuống) cho nhớ. Mới vào lớp, các em tụ tập chơi theo nhóm nên chúng tôi thường phân chia lại đội hình để các em giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Đến nay, lớp đã đi vào kỷ luật và sinh hoạt rất đoàn kết” - anh Nguyễn Hữu Thắng, Phó Chủ nhiệm CLB Thể thao Tao Đàn, huấn luyện viên lớp bóng đá, chia sẻ.

Chị Nguyễn Châu Ngọc Phú, chuyên viên Trung tâm CTXH trẻ em, cô giáo đứng lớp các buổi truyền thông, cho biết: “Trước mỗi buổi đá bóng, chúng tôi thường tập huấn những kỹ năng trên sân cỏ, thông qua đó lồng ghép, trang bị những kỹ năng sống nhẹ nhàng cho các em. Ứng dụng những hành vi, thói quen tốt trên sân cỏ sẽ giúp các em rèn luyện thói quen tốt trong cuộc sống”.

Trực tiếp vận động trẻ đường phố vào lớp bóng đá từ những ngày đầu, chị Nguyễn Thị Thúy, giáo dục viên Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn, chia sẻ trẻ đường phố thường lầm lì, rất khó bắt chuyện nhưng khi nghe đến bóng đá là hầu như em nào cũng hứng thú và hăng hái tham gia.

“Nhờ những buổi tập luyện, chúng tôi được tiếp xúc gần gũi hơn với các em và kịp thời góp ý, chấn chỉnh những thói quen xấu ở các em như chửi thề, chơi game, chơi bời, lêu lổng… Từ khi tham gia lớp bóng đá, các em bỏ được tật chửi thề, biết quan tâm nhau, sống hòa đồng hơn, buổi nào thấy bạn không đi học là hỏi thăm, không chia bè chia nhóm bắt nạt như trước”.

Nhằm tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ dễ tổn thương trên địa bàn TP vui chơi, rèn luyện các kỹ năng cần thiết để có cuộc sống an toàn lành mạnh và phát triển ổn định, Trung tâm CTXH trẻ em với sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Liên đoàn Bóng đá TP, Liên đoàn Bóng đá Na Uy, Quỹ Manchester United đã triển khai chương trình “Bóng đá cộng đồng” từ tháng 5-2015.

Dùng bóng đá xóa chửi thề của trẻ đường phố ảnh 2

Thầy và trò hăng say tập luyện. Ảnh: HOÀNG LAN

Đối tượng của lớp bóng đá là trẻ em và người chưa thành niên dưới 18 tuổi thuộc nhóm có hoàn cảnh đặc biệt, ưu tiên nhóm trẻ vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật hiện được quản lý, giáo dục tại cộng đồng và các cơ sở bảo trợ xã hội như phường 19, phường 26 (quận Bình Thạnh), Trường Nghiệp vụ nhà hàng TP, Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn, Trường 15-5,… Ngoài ra, lớp bóng đá cũng được tổ chức sinh hoạt riêng ngay tại Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật - mồ côi Thị Nghè và Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.

__________________________________

Dùng bóng đá xóa chửi thề của trẻ đường phố ảnh 3

Lớp bóng đá tổ chức sinh hoạt định kỳ một tháng hai lần thông qua các hình thức như hướng dẫn kỹ năng chơi bóng cho trẻ, bồi bổ kiến thức và kỹ năng trong cuộc sống cho trẻ thông qua việc lồng ghép vào các hoạt động của bóng đá.

Việc sử dụng bóng đá làm công cụ giáo dục sẽ thúc đẩy các giá trị tích cực, trang bị cho trẻ em dễ bị tổn thương các kỹ năng xã hội cơ bản, góp phần phòng ngừa và giải quyết tình trạng lạm dụng, xâm hại, bóc lột trẻ em cũng như nguy cơ trẻ em vi phạm pháp luật.

Ông PHẠM ĐÌNH NGHINH, Giám đốc Trung tâm CTXH trẻ em, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm