Đường cát Thái Lan: Gia tăng nhập lậu

Đang cận tết nên nhu cầu về đường cát cho sản xuất bánh kẹo tăng, cộng với giá bán lẻ giữa đường cát Thái Lan với đường nội địa chênh lệch khiến tình trạng buôn lậu đường gia tăng trên nhiều tuyến sông rạch giáp biên giới Campuchia ở An Giang. Ước tính có hàng trăm tấn đường nhập lậu mỗi ngày.

Công khai, tấp nập

Theo giới cửu vạn, tại khu vực Tịnh Biên, hiện giá đường cát Thái Lan từ bên kia biên giới vào đến kho cho các đầu mối phân phối thì người nhập lậu kiếm khoảng 30.000 đồng/bao 50 kg (khoảng 600 đồng/kg). Trong khi giá đường cát loại 1 (Biên Hòa) bán lẻ ở mức 22.000 đồng/kg, còn đường Thái Lan chưa đến 15.000 đồng/kg nên bán rất chạy. Chưa kể đường nhập lậu còn sử dụng bao bì của các nhà máy đường trong nước “mặc” cho đường Thái Lan để thu lợi cao hơn.

Có mặt tại Tịnh Biên, chúng tôi thấy đường cát nhập lậu hầu như đi công khai.

Trưa 1-1, ngồi bên bờ kênh Vĩnh Tế tại khóm Xuân Biên (thị trấn Tịnh Biên) chúng tôi thấy vỏ lãi chở đường thong dong ra vào các con kênh nhỏ xuyên biên giới, hụ ga inh ỏi. “Trong mỗi chiếc vỏ lãi chứa không dưới 50 bao đường cát Thái Lan (loại 50 kg/bao), vỏ lớn có thể chở đến 100 bao. Cứ mỗi tiếng đồng hồ có trên 20 vỏ lãi chở xong chuyến hàng. Chúng cứ nối đuôi từ biên giới về kênh Vĩnh Tế, ì ầm suốt ngày tới đêm. Tình hình này sôi động cả tháng nay nhưng chẳng thấy ai bắt bớ gì trong khi bo bo công an, hải quan, chốt biên phòng đóng kế nơi hàng lậu đi qua” - một người dân cho hay.

Đường cát Thái Lan: Gia tăng nhập lậu ảnh 1

Công nhân chuyển đường cát vào kho của T. tại cống Cây Dương bằng băng chuyền. Ảnh: VĨNH SƠN

Vỏ lãi chở đường lậu chạy ùn ùn trên hai con kênh Tư Mèo và Cây Dương rồi ra kênh Vĩnh Tế, từ đó chia đi hai ngả: tấp vào kho chứa gần cống Cây Dương, ngả kia đến cống Đồn. Tại những điểm này có hàng chục người vác đường vào kho. “Kho chứa gần cống Cây Dương là của vợ chồng bà T., còn kho đằng kia của ông H. Họ cho đổi bao bì mang nhãn hiệu Việt ngay điểm tập kết bên Campuchia rồi mới chở về. Có khi hết bao chữ Việt, họ chở luôn đường có chữ Thái Lan nhập lậu. Bao nào chưa kịp đổi vỏ thì dân buôn lậu nhập vào kho để đổi. Cái nào đổi vỏ rồi thì vác thẳng lên xe tải chuyển đi. Ở khu vực này, mỗi ngày có hơn chục chiếc xe tải hạng nặng ở các tỉnh chở đường cát Thái Lan đi tiêu thụ, hoạt động nhộn nhịp đến nỗi nhà ở gần kho đường không ai ngủ được” - một người dân khóm Xuân Biên nói.

Lắp băng chuyền kéo đường

Đi dọc đường biên giới thuộc địa phận An Giang và bên kia là tỉnh Takeo, Kandal (Campuchia) có rất nhiều “con đường tơ lụa” cho đường cát Thái Lan nhập lậu. Khu vực kênh Chắc Ri thuộc xã Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc) có lượng vỏ lãi chở đường lậu đếm không xuể.

Rảo qua cầu Chắc Ri, nhìn xuống dòng kênh này thấy vỏ lãi chạy ì ầm dưới chân cầu. Cạnh cây cầu này bọn buôn lậu cắt cử người cảnh giới bằng điện thoại. Kênh Chắc Ri dù hẹp và cạn nước vẫn có vỏ lãi chở đường gầm rú vang trời. Từ kênh Chắc Ri, vỏ lãi ra sông Châu Đốc và đường lậu phóng thẳng về hướng chợ Châu Đốc để chuyển lên kho.

Tình trạng đường cát Thái Lan nhập lậu còn diễn ra công khai ở xã Khánh An, huyện An Phú. Đi men bờ sông Hậu từ Mương Chùa về khu vực trường gà Bắc Nam (huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal, Campuchia), nhìn sang là thấy ngay cảnh đường cát được chất khẳm ghe và nối đuôi nhiều chiếc, chờ tới lượt bốc hàng lên kho đường của T. Những chiếc ghe chở đường cát Thái Lan cả chục tấn trong chốc lát được bốc cạn. Ghe này lui ra, chiếc khác cặp vào. Cứ thế, họ hoạt động công khai trước mắt người dân địa phương và nước bạn.

“Ở đây dân buôn lậu đường có ngán ai. Có kiểm tra thì chúng chịu khó chạy ghe ra giữa sông Hậu là sang Campuchia. Cứ vậy mà nó ngang nhiên hoạt động. Để tiện cho việc nhập lậu đường cát Thái Lan, thằng T. còn xây luôn băng chuyền kéo đường từ ghe vào kho” - một người ở xã Khánh An nói.

Cả năm chỉ bắt... hai tấn đường nhập lậu

Ông Lê Hữu Phước, Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, bộc bạch: Gần đây đường cát Thái Lan nhập lậu có tăng. Bọn buôn lậu ngày càng tinh vi, cắt cử người canh chừng hải quan. Chưa kể bọn buôn lậu đường thay đổi bao bì đường lậu khi vào nội địa. Khi kiểm tra, họ có hóa đơn của các công ty đường, bao bì Việt Nam nên chào thua. Hải quan có bắt mấy vụ, rốt cuộc phải trả lại hết. Từ đầu năm đến nay, hải quan ở đây chỉ bắt được hai tấn đường!

ông Nguyễn Văn Biên, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, huyện An Phú, nhìn nhận: Hầu hết dân buôn lậu đường đều mua hóa đơn, chứng từ ở các công ty sản xuất đường trong nước để hợp thức hóa việc nhập lậu đường cát Thái Lan. Họ sử dụng hồ sơ quay vòng nên khi nào ngăn chặn được đầu bán hồ sơ thì mới chống được việc nhập lậu đường. Vì vậy số đường lậu bắt được toàn những vụ lẻ tẻ. Ai cũng biết không lý do gì đường đóng bao bì sản xuất ngoài miền Trung, miền Bắc mà phải mang lên biên giới rồi mới bán ngược về nội địa. Điều đó là phi lý.

Trong khi hải quan than khó bắt thì người dân lại lý giải theo cách hiểu của họ: “Tôi thấy vỏ lãi chở đường lậu khẳm mẹp, chạy chậm rì, chỉ cần chèo xuồng ra kênh Vĩnh Tế cũng bắt được chứ nói gì đến canô của lực lượng chống lậu. Tôi còn nghe dân vác đường thuê nói thấy làm ì xèo vậy chứ phải ăn chia  nên “khó bắt” (!?)” - một người dân ở gần kho đường bà T. (huyện Tịnh Biên, An Giang) nói.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm