Gánh đậu hũ nuôi con vào đại học

Lần hỏi nhiều người, cuối cùng chúng tôi mới tìm được chị đang ngồi bên vỉa hè, tay lạng đều những miếng đậu hũ mỏng tang bán cho khách, tại một con hẻm ở quận Thủ Đức. Trời ngả chiều, gánh đậu của chị cũng đã vơi đi hơn phân nửa. Vài ba câu chuyện làm quen, rồi gợi chuyện về gánh đậu hũ nuôi hai đứa con học đại học, thoáng chút đắn đo, chị Nguyễn Thị Bình Minh bộc bạch: “Quê tui ở ngoài Trung (xã Đức Phú, Mộ Đức, Quảng Ngãi). Hồi đứa con đầu Đỗ đại học Thủy lợi, tui khăn gói theo con vào Sài Gòn nuôi nó ăn học, giờ đã hơn bảy năm”.

Theo con đến trường

Bốn năm đầu, đôi chân bền bỉ với gánh đậu hũ của chị Minh đã cáng đáng việc học hành của Toàn (đứa con đầu) từ khi bước chân vào Đại học Thủy lợi cho đến khi lấy tấm bằng tốt nghiệp. Ba năm tiếp theo, đôi vai ấy lại tăng thêm gánh lo vì Nghĩa (đứa con thứ hai) đỗ vào Đại học Sư phạm kỹ thuật.

Gánh đậu hũ nuôi con vào đại học ảnh 1

Bỏ lại gánh lo ruộng đồng, chị Minh theo con vào TP.HCM bán đậu hũ nuôi hai con ăn học tử tế. Ảnh: P.Điền

Những ngày đầu vào thành phố lạ nước lạ cái, lại thêm chỗ học của con liên tục thay đổi, chị bấm bụng con đi đâu mẹ theo đó. Thế là hai mẹ con chị đành chọn những khu nhà trọ ở xa khu vực trung tâm thành phố cho rẻ tiền. Năm năm theo con, gánh đậu hũ trĩu nặng trên đôi vai hao gầy, chị có mặt từ khu vực Chợ Lớn, Tân Bình, Gò Vấp, thậm chí về tận Bình Dương... Đến khi đứa thứ hai nhập học, chị lại tiếp tục di chuyển về Thủ Đức để tiện đường học hành của con. Chị tâm sự: “Ở quê chỉ quen với tay cuốc, tay cày, đi suốt cả ngày cũng ê đôi vai, mỏi đôi chân nhưng thấy con chịu học là ấm lòng rồi”.

Vợ góp công

Chị Minh kể, ngày đứa con đầu đỗ đại học, vợ chồng chị tràn ngập niềm vui nhưng lòng dạ lại rối bời nỗi lo không biết xoay đâu ra tiền cho con theo học năm năm ở đất Sài Gòn. May thay, lúc đó cô em dâu đã có thâm niên hơn ba năm bám trụ ở Sài Gòn, bán đậu hũ nuôi ba đứa con học đại học, về quê mách nước và bày cho cách làm đậu hũ, dù lời lãi không nhiều nhưng chắt góp cũng đủ đắp đổi qua ngày cho con ăn học. Được tiếp thêm sức mạnh từ cô em dâu, chị bàn tính với chồng để chị khăn gói đi theo con, còn anh ở nhà lo liệu việc đồng áng, lo cho hai đứa con ở nhà. “Ngày vô trong này, ba mấy đứa cứ dặn tới dặn lui làm gì thì làm nhớ giữ sức khỏe. Vậy mà ngoảnh lại đã hơn bảy năm bén duyên với gánh đậu hũ đó chú” - chị nghẹn lời. Và trên khuôn mặt gầy nhỏ của chị thấp thoáng niềm vui bất tận của người mẹ quê.

Một ngày của chị bắt đầu từ 3 giờ sáng. Khi các phòng trọ đang im lìm thì chị đã phải dậy lục tục làm đậu, đến 5 giờ khởi hành quăng quật ngoài đường đến tận tối mịt mới về phòng trọ. “Từ thứ Hai đến thứ Sáu, ngày cũng bán được hai gánh nhưng hai ngày cuối tuần thì một gánh cũng có khi không hết. Ráng bán hết ngày cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng” - chị cho biết. Thấu hiểu nỗi vất vả, lo toan của mẹ nên hai đứa con của chị học hành tấn tới và rất hiếu thảo, ngoài giờ học thì đi làm thêm để phụ thêm tiền phòng trọ.

Chồng góp... gạo

Trong câu chuyện, chị ít nói về mình mà thường nhắc đến người chồng ở quê cũng sớm tối tảo tần chuyện đồng áng để lo hũ gạo cho ba mẹ con chị ở trong này. Ngoài việc thay vợ thu xếp chuyện gia đình, kiếm được đồng nào chồng chị lại gom góp gửi vào lo tiền cơm cho con, còn chị lo tiền học. Chị giãi bày: “Tôi vất vả đã đành, anh ấy ở nhà còn vất vả hơn, vì vừa lo đồng áng, phần lo gạo gửi vô cho ba mẹ con”. Oái oăm thay, năm nay quê chị hứng liền hai trận lũ nên mùa màng thất bát khiến nguồn gạo “chi viện” bị ngắt quãng, thành ra chị cáng đáng luôn tiền gạo và tiền học. “Hai vụ mùa không có thu hoạch nên phải dè xẻn từng đồng mới đủ tiền trọ, tiền học cho con” - chị thổ lộ.

Đằng đẵng mấy năm trời theo con, thân cò nuôi con trên đất khách, chị ít có dịp về quê đoàn tụ gia đình. Gần đây, khi đứa con đầu ra trường, gánh nặng trên đôi vai chị vơi đi phần nào. Mấy mẹ con chị bàn tính cứ đến vụ mùa cả ba mẹ con cùng về quê để đỡ đần chồng thu hoạch mấy ngày mùa, rồi sau đó ba mẹ con lại khăn gói vào Sài Gòn.

Chị dự tính năm tới, khi thằng út tốt nghiệp phổ thông sẽ tiếp tục đưa vào thành phố để thi lên đại học. “Số mình đã vất vả rồi, thôi thì ráng cho cả ba đứa ăn học đàng hoàng, chừng nào tụi nhỏ học hành xong xuôi, tui sẽ rời gánh đậu hũ về quê đoàn tụ với ông xã” - chị Minh cười tin tưởng.

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.