Giằng xé với tâm tư ăn Tết 'nội hay ngoại'?

Đi lấy chồng, đi làm dâu con nhà người ta. Có nhiều người đàn bà vẫn nghĩ: Tự dưng phải đi gọi người chưa nuôi một ngày, chưa mất một đồng nuôi mình ăn học, chăm mình một ngày ốm đau... là mẹ, là cha. Thậm chí còn phải chăm sóc hơn cả cha mẹ mình, được quyền đòi hỏi nhiều hơn cha mẹ mình… Hẳn trong lòng có nhiều nỗi ấm ức và lại thấy thương cho cha mẹ mình đẻ con gái nên thiệt thòi như thế. Nuôi lớn rồi lại mang cho không người ta.

Nhưng rồi có ai thử một lần nghĩ tới mẹ chồng không? Mẹ nuôi chồng lớn ngần ấy, nuôi ăn học trưởng thành với bao nhiêu yêu thương, chăm bẵm, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa… Rồi bỗng một ngày bị "cướp" bởi một đứa con gái xa lạ. Dù sống cùng nhà hay khác nhà nhưng khi nào nó cũng nhất nhất chỉ biết có vợ, chỉ yêu có vợ. Ngày tình yêu, ngày phụ nữ, ngày sinh nhật… đều nhớ để mua quà tặng vợ. Nhưng cũng có rất nhiều những người con trai lại quên mất mẹ mình… Chỉ cần nghĩ thế thôi, lại thấy tủi thân khi làm phận mẹ chồng. Đã chẳng được lòng con dâu mà mất cả con giai.

Vậy là sinh trai hay gái, rồi khi chúng nó trưởng thành, rồi khi chúng nó tìm thấy nửa kia của đời mình. Chúng nó sẽ lại chỉ biết sống vì nhau nhiều hơn. Vì đời người ngắn lắm. Nếu nắm được tình yêu trong tay, nếu tìm thấy nhau rồi thì phải sống trọn vẹn vì nhau. Cha mẹ nhiều khi lại trở thành những người bên lề trong cuộc sống ấy mà thôi. 

Cũng như cha mẹ đã từng sống. Cuộc đời này là một chuỗi tuần hoàn. Cha mẹ vì con cái, con cái lại vì con cái của mình, rồi con cái của mình lớn lên chúng lại vì vợ con chúng… Cho nên, ai cũng từng làm con, ai cũng sẽ làm cha mẹ hết. Vậy cớ gì không thể hiểu cho nhau?

Cho nên, đừng nói chuyện sinh con trai hay con gái, con nào thiệt hơn. Đừng nói chuyện làm mẹ chồng hay mẹ vợ, mẹ nào thiệt hơn. Cũng đừng khi nào bảo chồng thì có quyền còn vợ thì không và ngược lại… 

Trên đời này, nếu như người nào cũng tranh cãi và dương dương tự đắc rằng: không ai có quyền gì mà can thiệp vào cuộc đời, vào cuộc sống riêng tư của người khác thì hẳn, đó chỉ có thể là người dưng chứ không thể là người thân ở trong cùng một gia đình.

Người trong cùng một gia đình thì nên biết nhìn trước nhìn sau mà sống sao cho đủ đầy. Cũng đừng cãi thiệt hơn với cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ chỉ vì một cái tết. Vì tết thì còn nhiều lắm. Nhưng cha mẹ thì không phải có thể đi cùng ta tới tận cuối đường đời. 

Rồi một lúc nào đó ngồi nghĩ lại, ta lại thấy thèm được về quê ăn tết. Thèm cái không khí gia đình. Thậm chí, thèm cả cái việc cãi nhau xem: tết này sẽ về ngoại hay về nội ăn tết với ông bà, biếu ông bà bao nhiêu... Cái thứ mà có một lúc nào đó, dù có chồng bao nhiêu tiền bạc ra, cũng không thể nào mua nổi nữa. Khi đó, ta chỉ có thể thở dài: Ở quê, cũng còn có ai nữa đâu mà về! Đến khi ấy, có ai còn muốn kiếm người thiệt hơn trong cái chuyện này nữa hay không?

Tết 2015, tết sum vầy, mẹ chồng nàng dâu

Vì tết thì còn nhiều lắm. Nhưng cha mẹ thì không phải có thể đi cùng ta tới tận cuối đường đời. Ảnh minh họa

Lại nói chuyện của tôi. Ngày tôi lấy chồng, mẹ tôi bảo: Sao hai đứa không để ra Giêng thư thái rồi hãy đòi cưới. Năm nay ăn nốt cái tết ở nhà với bố mẹ không được sao? Lấy chồng rồi, lại còn họ hàng bên ấy, rồi ra mắt dâu mới… Làm sao mà về nhà với bố mẹ được nhiều, làm sao mà được ăn tết thảnh thơi vì có mẹ lo cho tất cả nữa. 

Mẹ là thế đấy, tận khi con gái đi lấy chồng được rồi mà vẫn cứ nghĩ như là còn trẻ con lắm. Nghe mẹ nói thế, tôi lại cười động viên mẹ: Mẹ ơi, từ đây sang đấy có bao xa, con đi lấy chồng chứ có đi đâu mất đâu mà mẹ lo. Rồi tết đến, không chỉ có mình con, mà còn có cả con rể về thăm cha mẹ nữa cơ mà!

Mẹ lo cũng đúng thôi. Nhà chồng tôi hiếm hoi, mẹ chỉ có mình anh. Hơn nữa cha chồng lại mất sớm. Mẹ một mình vất vả nuôi anh khôn lớn. Vì nhà ít người cho nên mỗi dịp tết đến, tôi biết, mẹ sẽ chẳng đời nào muốn một mình vò võ trong căn nhà trống lạnh. Không muốn con dâu, con trai và cháu mình lại đi về nhà ngoại. Bởi lẽ, người già sợ nhất là nỗi cô đơn trong những ngày tất cả mọi người được sum vầy. 

Nhưng năm nào cũng thế, cứ đến mùng hai tết là mẹ chồng tôi lại dặn chúng tôi chuẩn bị về với ông bà ngoại. Mẹ chồng cũng hiểu con gái lấy chồng xa, chỉ mong có cái tết được về với gia đình. Dù thương mẹ chồng nhưng tôi cũng hiểu được nỗi mong ngóng của cha mẹ mình. Mỗi lần thấy con về là mẹ tôi mừng rơi nước mắt. 

Thế đấy, mẹ nào mà chẳng muốn gần con. Dù là mẹ chồng hay là mẹ đẻ.

Thế rồi, sau hai cái tết tôi đi lấy chồng, mẹ tôi mắc ung thư rồi qua đời khi mẹ mới hơn bốn mươi tuổi. Hai năm sau, mẹ chồng tôi cũng bệnh nặng rồi mất. Hai vợ chồng tôi chuyển đến nơi khác, gần đơn vị anh công tác để sinh sống. Và mỗi khi tết đến, vợ chồng chỉ biết ngậm ngùi thắp nén nhang cho cha mẹ. Rồi có năm mệt lắm, nhưng nghĩ tới ông ngoại một mình trong căn nhà giữa khi tết đến, hai vợ chồng con cái lại khăn gói về nhà ăn tết với cha. Tết sum vầy, nhưng cũng là tết ngậm ngùi nuối tiếc. 

Chồng tôi, anh cũng chẳng khi nào lăn tăn chuyện ăn tết ở nhà vợ. Vì anh bảo: Nhà mình giờ còn ai ngoài ông ngoại. Nên tết vợ chồng về ăn tết với ông cho ông vui. Ông cũng già rồi!

Đúng thế, đời chúng ta còn bao nhiêu cái tết nữa mới hết. Nhưng cũng sẽ có bao nhiêu cái tết vắng mẹ, vắng cha? 

Nên nếu những ai còn cha còn mẹ, thì đừng khi nào tính thiệt hơn chuyện về ăn tết nhà ai? Biếu cha mẹ bao nhiêu tiền?... Bởi rồi ai cũng có lúc, chẳng còn nơi đâu mà về, nếu có về thì người cũng mãi mãi không thể nào gặp lại được người muốn gặp, để mà ôm, một cái ôm sum vầy. Và để nói một câu: Chúc mừng năm mới cha, mẹ!

Theo Đào Thủy (Vietnamnet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm