20 năm ĐH Luật TP.HCM: Cái nôi đào tạo luật lớn cho cả nước

Làm việc với lãnh đạo ĐH Luật TP.HCM tháng 1-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh trong đào tạo, ĐH Luật TP.HCM phải bám sát yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế.

Đó cũng là điều mà ngôi trường này đã nỗ lực khẳng định suốt 20 năm qua.

Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội

Hàng vạn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ luật của trường đã trở thành nguồn lực cung cấp cho bộ máy chính quyền, cơ quan tố tụng, doanh nghiệp, công ty luật và đoàn luật sư các tỉnh phía Nam.

Những thẩm phán, lãnh đạo tòa án cấp tỉnh, thành và nhiều luật sư nổi tiếng hiện nay ở phía Nam đa phần xuất phát từ ĐH Luật TP.HCM. Nhiều chính khách, lãnh đạo chính quyền cũng xuất thân từ mái trường này. Có phiên tòa thẩm phán, luật sư và kiểm sát viên lại từng ngồi chung “phiên tòa tập sự” (một hoạt động học thuật ngoại khóa của trường) 20 năm trước. Có những luật sư đã vào nghề ngay từ những ngày tham gia cuộc thi “Ai là luật sư giỏi nhất?” thời sinh viên. Có diễn đàn báo chí, những bạn đồng môn trường luật nay là chuyên gia của các cơ quan khác nhau nêu quan điểm đối nghịch nhau về một vấn đề pháp lý. Nền tảng kiến thức là bước khởi đầu, là bệ đỡ để họ phát triển tư duy cá nhân về khoa học.

Điều quý nhất ở sinh viên luật là quan tâm thời sự và phản biện các vấn đề pháp lý về mọi lĩnh vực. Từ giảng đường và ký túc xá Bình Triệu ngày xưa cho đến ngôi trường khang trang và ký túc xá mới bây giờ, hơi thở cuộc sống thông qua tranh luận tình huống thực tế đã giúp sinh viên bớt bỡ ngỡ khi ra trường. Trường luật ngày càng đào tạo gần hơn với nhu cầu của thị trường lao động về chuyên môn pháp lý đa lĩnh vực, điều đó cũng đồng nghĩa với cơ hội việc làm của sinh viên tăng lên.

 Ngay từ năm 1996, một hội thảo về thị trường lao động ngành luật được tổ chức tại Đà Lạt. Ngôi trường ngày xưa chỉ có hai khoa đào tạo cán bộ tòa án và luật kinh tế, chủ yếu cung cấp cho các cơ quan tố tụng, nay đã có bảy khoa và đào tạo luật đa ngành… Nguồn lực do trường đào tạo trở thành nhân lực chủ chốt về pháp lý ở các cơ quan tố tụng, chính quyền và doanh nghiệp.

Sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM thảo luận tại lớp. Ảnh: Tư liệu Trường ĐH Luật TP.HCM

Góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền

Để có được một trường luật khang trang, hiện đại như hôm nay là một quá trình dài nỗ lực về mọi mặt, sự chuẩn bị kỹ lưỡng với một tầm nhìn chiến lược, dài hơi từ đào tạo nhân sự, hợp tác quốc tế cho đến xây dựng mới toàn bộ cơ sở vật chất. Những cao ốc giảng đường khang trang thay cho những dãy nhà cấp bốn ngày nào. Hiện trường đã ký kết ghi nhớ hợp tác với trên 20 trường ĐH và các tổ chức quốc tế của nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan. Đội ngũ giảng viên của trường có hàng trăm bài trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước.

Ý thức rõ trách nhiệm của mình, những vấn đề nóng về thời sự quốc gia liên quan đến chủ quyền luôn được Trường ĐH Luật TP.HCM quan tâm. Các hội thảo quốc tế “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng biển Việt Nam” (tháng 7-2014), hội thảo “Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế khu vực” (tháng 7-2015) nhận được sự quan tâm của dư luận và giới học thuật trong nước và quốc tế.

20 năm từ ngày thành lập, ĐH Luật TP.HCM kế thừa được đội ngũ giảng viên, truyền thống giảng dạy, nghiên cứu khoa học trước đó và đã có một bước tiến dài, phát triển căn bản về mọi mặt. Với quy mô và chất lượng đào tạo cao, sát với nhu cầu xã hội, ĐH Luật TP.HCM xứng đáng là cái nôi, là trung tâm đào tạo luật lớn nhất phía Nam.

Một số thành tựu của ĐH Luật TP.HCM

- Trường có bảy khoa và một bộ môn trực thuộc trường với năm chuyên ngành đào tạo về luật, gồm các khoa Luật thương mại, Luật dân sự, Luật hình sự, Luật hành chính - nhà nước, Luật quốc tế, Khoa học cơ bản, Quản trị và bộ môn Anh văn pháp lý.

- Chuyển từ trường đào tạo đơn ngành sang đào tạo đa ngành bằng việc mở thêm ngành và thành lập thêm khoa Quản trị, bộ môn Anh văn pháp lý với ngành quản trị-luật, quản trị kinh doanh và ngôn ngữ Anh.

- Chương trình đào tạo đa dạng: Đào tạo cử nhân luật, cử nhân luật chất lượng cao, trung cấp luật và đặc biệt là chương trình đào tạo cử nhân quản trị-luật. Sau năm năm học, sinh viên tốt nghiệp được cấp hai bằng cử nhân ngành quản trị kinh doanh và cử nhân luật.

- 96/96 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của trường đều được ứng dụng trong thực tiễn.

- 357 bài báo khoa học đăng tạp chí quốc tế và trong nước.

- Nhà trường đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về quyền con người và quyền công dân có những hoạt động tích cực, mang lại những lợi ích thiết thực trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

- Trường đã đạt được nhiều thành tựu về hợp tác nghiên cứu, điển hình là việc tổ chức các hội thảo quốc tế hằng năm với quy mô lớn, có chất lượng cao, có sức ảnh hưởng lớn đến giới học thuật trong nước và quốc tế.

____________________________________

Trường có tổng cộng 368 cán bộ, giảng viên. Trong đó có một giáo sư, 12 phó giáo sư, 39 tiến sĩ và 137 thạc sĩ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm