5 dấu hiệu phát hiện trẻ bị người giúp việc bạo hành

Người mẹ chỉ phát hiện ra điều này khi đặt điện thoại quay lén trong nhà tắm. Chưa đầy 12 giờ sau khi đăng, clip đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ và ý kiến bức xúc.

Liên lạc với nickname này, chị cho biết tên là Lan Anh, sống ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Chị cho biết qua công ty môi giới, chị thuê người giúp việc này và trả lương 3,5 triệu đồng/tháng, bao ăn ở.  “Nhà thì lúc nào cũng có người, không bao giờ để giúp việc phải trông con một mình, ăn cũng mẹ hoặc bà cho ăn. Tom (tên ở nhà của bé) bình thường không sao nhưng rất sợ đi tắm và rất ít khi ở riêng với giúp việc. Nhiều lần nghe con khóc, mình đi qua kiểm tra không thấy gì. Chỉ nghĩ là con sợ gội đầu nên khóc. Nhưng nhiều lần sinh nghi nên đặt máy điện thoại quay xem sao thì phát hiện sự việc. Công ty cho thuê người giúp việc đã xin lỗi gia đình mình, hiện tại mình chưa tính thuê người mới” - chị  Lan Anh chia sẻ.

 Hình ảnh bé trai ba tuổi bị người giúp việc bóp mũi. Ảnh cắt từ clip

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS Lê Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt, nhà nghiên cứu giáo dục và phát triển trí tuệ trẻ em, đưa ra năm dấu hiệu phát hiện và năm giải pháp khắc phục khi trẻ bị người giúp việc bạo hành như sau:

Trẻ em vốn rất nhạy cảm trong việc cảm nhận sự yêu mến, chăm sóc của người khác dành cho mình. Ai yêu trẻ thì được trẻ gần gũi, quấn quýt và ngược lại, đặc biệt là với người lạ như người giúp việc, hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp của cha mẹ...

Năm biểu hiện dưới đây giúp cha mẹ nhận diện rõ hơn tâm lý của trẻ khi rơi vào trạng thái bị người giúp việc bạo hành:

1. Không hợp tác với người giúp việc trong nhiều hoạt động hoặc hợp tác với sự chống đối, cưỡng bức.

2. Khóc thét hoặc tự nhiên khóc thét khi ở riêng với người giúp việc: đang ngủ, đang tắm, đang học bài, đang chơi...

3. Nhắc đến người giúp việc là không thích, lảng đi hoặc tỏ thái độ không vui.

4. Khóc tức tưởi và lao ngay đến khi gặp lại cha mẹ. Trẻ chưa biết nói thì co rúm người lại, sợ sệt nép vào lòng cha mẹ, ánh mắt nhìn xuống hoặc không dám nhìn người giúp việc.

5. Phản kháng lại dữ dội như: đánh, cào, ném đồ chơi vào người giúp việc...

Ngay khi phát hiện ra một trong năm biểu hiện như trên, cha mẹ cần tiến hành ngay các giải pháp giúp con sớm thoát khỏi trạng thái tâm lý nặng nề đó. Nhiều cha mẹ thấy con khóc lớn quá, phản ứng dữ dội quá mà bối rối, lúng túng, càng truy hỏi nguồn cơn, lý do con khóc, lý do con sợ; tệ hại hơn, nhiều ông bố bà mẹ còn đánh con, mắng át con đi vì... sợ làm mất lòng người khác. Cách hành xử như vậy vô hình chung cha mẹ đã làm tăng thêm nỗi sợ hãi, ám ảnh của trẻ, trẻ nghĩ là chính mình đang bị truy vấn hơn là nạn nhân của bạo hành.

Cha mẹ thật bình tĩnh để xử lý theo các bước sau:

1. Hãy ôm con thật chặt vào lòng, vỗ về, an ủi động viên ngay thời khắc con có biểu hiện tâm lý khác thường. Đây là cách làm đơn giản mà vô cùng hiệu quả giúp trấn an, ổn định tâm lý con tạo cho con cảm giác an toàn; giảm được các triệu trứng chấn thương tâm lý (rất có thể) ám ảnh con suốt cuộc đời.

2. Với trẻ đã biết nói, cha mẹ nên nói chuyện riêng với con, đặt ra những câu hỏi gợi mở để hiểu hơn điều gì đã xảy ra. Với trẻ chưa biết nói, thông qua ánh mắt, cử chỉ của trẻ, cha mẹ cũng có thể hiểu phần nào - trận cuồng phong vừa rồi là do lỗi của con hay của ai.

3. Khéo léo quan sát những hành động của người khiến trẻ sợ hãi - cụ thể ở đây là người giúp việc. Giao cho người giúp việc cùng con tham gia một số hoạt động, còn cha mẹ thì lén ra chỗ khác - miễn sao vẫn có thể quan sát. Nhiều lần như thế trong ngày (thậm chí trong một buổi tối), cha mẹ sẽ có kết luận sơ bộ về khả năng con có bị bạo hành trước đó hay không.

4. Nói chuyện thẳng thắn, góp ý chân thành với người giúp việc nếu biểu hiện xâm hại trẻ chưa lớn để dò xét phản ứng của họ. Nếu phản ứng không tích cực, đương nhiên là cho nghỉ việc ngay lập tức. Nếu biết hối lỗi mà cá nhân bạn cảm nhận thấy sự chân thành, hối cải hãy cho họ cơ hội sửa đổi. Trong thời gian này, những hoạt động riêng của con bạn và người giúp việc phải được giám sát nghiêm ngặt hơn. Cách tốt nhất là nhờ ông bà, người thân cùng vào cuộc, hoặc đặt camera kín để chắc chắn rằng con bạn an toàn khi ở bên họ.

5. Hãy trao cho trẻ cơ hội được đến trường mầm non sớm. Hằng tháng, để thuê một người giúp việc, mỗi gia đình phải trả lương cho họ từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng. Nếu tính cả chi phí ăn ngủ, thưởng, mua sắm quần áo thì số tiền chi cho giúp việc còn lớn hơn, dao động từ 5,5 triệu đến... vô cùng. Với số tiền đó, cha mẹ hoàn toàn có thể tìm cho con một trường mầm non khá tốt để con đi học.

Trẻ em mới đi học luôn cần có thời gian làm quen, khả năng thích nghi tốt thì thời gian hòa nhập nhanh và ngược lại. Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp an toàn hơn, hữu ích hơn bởi đến trường mầm non, trẻ có thêm cơ hội tiếp xúc với môi trường lớn hơn khi chỉ ở nhà với người giúp việc, phát triển vốn từ vựng, tăng kỹ năng giao tiếp, học được nhiều điều từ xã hội thu nhỏ của trường. Hãy trao cho trẻ cơ hội được đến trường mầm non sớm.

Cha mẹ nên dành thời gian để chọn một ngôi trường uy tín nhằm tránh việc trẻ lại bị bạo hành ở trường học. Hiện nay mô hình gia đình hạt nhân ở các thành phố lớn rất phổ biến. Guồng quay cuộc sống gấp gáp, bận rộn, thuê người giúp việc là một trong nhiều giải pháp của gia đình có con nhỏ. Tuy nhiên, cha mẹ cần đề cao cảnh giác, không nên quá tin tưởng, giao phó con hoàn toàn cho người giúp việc. Vì rất có thể do mải miết kiếm tiền mà không biết con bạn đang phải gánh chịu hàng loạt trận bạo hành trong chính ngôi nhà tưởng như an toàn nhất của trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm