“Bấm bụng” gửi con

Sự việc bé trai Phan Văn Bảo Nam (16 tháng tuổi) hôn mê rồi tử vong ở một điểm giữ trẻ không phép tại tỉnh Bình Dương vừa qua khiến nhiều người bàng hoàng. Tuy nhiên, dù cơ sở vật chất không  bảo đảm, học phí thậm chí cao hơn các trường mầm non tư thục nhưng nhiều phụ huynh vẫn phải “bấm bụng” gửi con vào những nhóm trẻ gia đình.

Không đăng ký để tránh thuế

Theo một người mẹ muốn tìm chỗ gửi con, chúng tôi không khỏi giật mình khi chứng kiến sự cẩu thả của người giữ trẻ tại một nhóm trẻ gia đình trên đường Tân Chánh Hiệp, quận 12-TPHCM. Điểm giữ trẻ này chỉ là căn nhà rộng khoảng 37 m2 với phần lớn diện tích để sinh hoạt gia đình. Khoảng trống giữa phòng khách là nơi 4-5 trẻ ăn, ngủ, chơi.

Bà M., chủ cơ sở, cho biết: “Những năm trước, chúng tôi nhận giữ hơn 10 cháu nhưng năm nay giảm xuống còn một nửa. Do ít trẻ nên chúng tôi không đăng ký với phường để bớt khoản thuế”. Bà M. cũng cho biết tiền giữ một trẻ khoảng từ 900.000 - 1 triệu đồng/tháng. Thứ bảy và chủ nhật muốn gửi thì phụ huynh trả tiền thêm, tự túc mang thức ăn đến cho con, chủ nhà chỉ hâm nóng và cho ăn. Bà M. vừa cho trẻ ăn vừa liên tục quát tháo.

Một điểm giữ trẻ khác trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh đang nuôi giữ khoảng 15 trẻ từ 1 đến dưới 3 tuổi với tiền giữ trẻ khoảng 1,2 triệu đồng/tháng/trẻ, ngày ăn ba bữa còn sữa do gia đình đem tới. Hôm chúng tôi đến, 3 cháu bé đang nằm la liệt trên nền nhà. Một cháu khác cầm đồ chơi lăn lóc dưới nền nhà đưa lên miệng ngậm, mút. Ở góc nhà, có một cháu bé mặt đẫm nước mắt, ngồi co ro. Ở gian phòng phía trong, gần 10 cháu chen chúc nhau nằm ngủ.
 

“Bấm bụng” gửi con ảnh 1
Những hình ảnh vui chơi như thế này thường thấy ở các trường mầm non
và nhà trẻ nhưng rất khó để tìm thấy ở các nhóm trẻ gia đình.
Gần nhà, tiện giờ giấc?Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hiện TP có hơn 900 lớp mầm non, mẫu giáo tư thục, nhóm trẻ gia đình. Trong đó, nhiều nhóm có sĩ số cao, vượt quá 4 lớp. Bà Châu Bích Phượng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú, cho biết: “Không thể phủ nhận vai trò của những nhóm trẻ gia đình vì đã gánh một phần áp lực về trường lớp cho ngành. Sở dĩ học phí tại các nhóm trẻ cao nhưng phụ huynh vẫn thiết tha gửi con vì gần nhà và tiện giờ giấc đưa đón. Quận Tân Phú có 119 nhóm trẻ đang hoạt động. Chúng tôi luôn yêu cầu các cơ sở phải bảo đảm trình độ giáo viên từ trung cấp sư phạm trở lên, bảo mẫu phải được tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ để chăm sóc trẻ. Nếu nhóm trẻ nào không đáp ứng yêu cầu, chúng tôi sẽ đình chỉ. Năm trước, người dân phát hiện, báo cáo một trường hợp hoạt động chui nên Phòng GD-ĐT đã xử lý”. Lãnh đạo một Phòng GD-ĐT khác thì nói thẳng rằng do nhiều trường mầm non từ chối nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi nên người mẹ sau khi hết thời gian nghỉ thai sản phải “bấm bụng” đem con vào những nhóm trẻ này. Đây là lứa tuổi cần điều kiện chăm sóc rất cao nên giáo viên phải có trình độ, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng gây nguy hiểm cho trẻ. Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12, cho biết: “Ngay trong hè, Phòng GD-ĐT phối hợp cùng các phường kiểm tra hoạt động các nhóm trẻ. Nếu phụ huynh phát hiện nhóm trẻ hoạt động chui, điều kiện chăm sóc không bảo đảm thì nên báo cho ngành GD-ĐT để chấn chỉnh”. Không nỡ đình chỉBà Nguyễn Thị Nguyệt, phụ trách giáo dục mầm non ở Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết cứ 2 tháng một lần, hiệu trưởng trường công lập phải hướng dẫn, tham mưu cho chủ các nhóm lớp về chuyên môn. Tuy nhiên, do điều kiện các nhóm trẻ khó khăn nên khó đòi hỏi hoàn thành nhiều tiêu chí do ngành quy định. Ngành GD-ĐT cũng kiểm tra nhưng chỉ xem có tổ chức cho trẻ hoạt động không. Trong khi đó, nhiều nhóm trẻ còn thiếu giáo viên hoặc giáo viên không có trình độ cũng chỉ bị xử phạt ở mức độ hành chính, đối với các trường công lập thì nặng nhưng với trường tư thục và nhóm trẻ thì chẳng ăn nhằm gì. Họ đóng phạt rồi hoạt động tiếp. Ngành GD-ĐT cũng không nỡ đình chỉ vì trong điều kiện thiếu trường, lớp sẽ thiệt thòi cho trẻ và phụ huynh.
Theo Đặng Trinh (DT/ NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm