Bạo lực học đường lan tràn tại Trung Quốc

Tràn lan

Cô Liu Lizhu không hề biết gì về chuyện con trai 15 tuổi của mình đã bị bắt nạt, hành hung ở trường mãi cho tới khi cậu bé được nhập viện trong tình trạng chấn thương nặng, bị dập một bên lá lách.

Theo lời kể của cô Liu, một công nhân nhập cư, đang làm viêc tại TP khác ở Trung Quốc, sự việc xảy ra ở phía đông nam tỉnh Phúc Kiến,bTrung Quốc vào đêm 8-6-2015. Đó là đêm trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh THPT, con trai cô là Huang Tanghong đã bị ba học sinh cá biệt chuyên bắt nạt cậu bé ở trường đánh đập. 

Gia đình cậu bé cho biết những học sinh này thường xuyên lạm dụng con trai họ trong vài năm qua. Sau trận đánh nhừ tử, cậu bé nằm lăn lóc trên sàn nhà. Nhưng cậu không kể điều gì với cha mẹ vì quá sợ hãi.

Cậu bé Huang Tanghong được điều trị tại bệnh viện Phúc Kiến hôm 26-6. Ảnh: CNN

Ngay ngày hôm sau trong giữa buổi thi, cậu bị đau cấp tính, phải chuyển tới bệnh viện để phẫu thuật. Gia đình cậu biết chuyện chỉ khi bạn cùng lớp nói với cô Liu rằng cậu đã bị hành hung.

Trường hợp của Huang nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng sau khi người anh họ của Huang đăng những bức ảnh về vết thương, mũi khâu, lá lách bị dập trên truyền thông xã hội mong giành lại lẽ phải.

Sau đó, những nghi phạm bị giam giữ nhưng chẳng bao lâu thì được thả. Cô Liu kể rằng cha mẹ của ba nghi phạm trên đã đồng ý bồi thường cho gia đình Hung mức tiền 210.000 nhân dân tệ (33.000 USD).

Trường hợp bị hành hung học đường của cậu bé Huang cùng hàng loạt vụ việc tương tự đã dấy lên nhiều tranh cãi dữ dội về việc thiếu sự bảo vệ pháp lý cho các nạn nhân của nạn bạo hành trường học. Những câu chuyện, video và hình ảnh về tình trạng bạo lực học đường đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội Weibo ở Trung Quốc.

Theo Luật Bảo vệ trẻ em hiện hành của Trung Quốc, những trẻ chưa thành niên dưới 16 tuổi không phải chịu mức án nghiêm khắc trừ phi chúng gây ra các tội phạm có mức độ nghiêm trọng như giết người chẳng hạn.

Chỉ trong chín tháng qua, truyền thông Trung Quốc đã ghi nhận ít nhất 30 trường hợp nghiêm trọng liên quan tới bạo lực học đường. Các trường phần lớn trừng phạt thủ phạm bằng cách “bôi đen” vào hồ sơ học bạ của chúng.

Tháng 7-2015, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã cấm các trang web đăng tải những video “khiêu dâm hoặc bạo lực”, gồm cả video hành hung trẻ em “nhằm bảo vệ tinh thần, thể xác và sức khỏe cho trẻ em” - China Daily đưa tin.

Thế nhưng chỉ mới bắt đầu năm học chưa lâu, vào tháng 10-2015, một video kéo dài ba phút, quay cảnh bốn cô gái tuổi 12-14 đánh đập dã man một nữ sinh khác lan truyền rộng rãi trên mạng. Bộ Giáo dục và cơ quan công an địa phương đã vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc. Nguyên nhân được cho là khởi nguồn từ một cuộc tranh cãi nhỏ giữa các nữ sinh vài tuần trước đó.

Các số liệu thống kê cho thấy vấn đề bạo lực học đường đang rất phổ biến, chiếm 1/5 số học sinh ở nước này.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Một nghiên cứu công bố năm 2012, được thực hiện trên quy mô bốn TP ở phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc chỉ ra rằng 21% học sinh trung học liên quan tới nạn bạo hành học đường, là thủ phạm, nạn nhân hoặc cả hai.

Nghiên cứu cho biết dù là nạn nhân hay thủ phạm thì những học sinh này đều rơi vào vòng tròn của sự tức giận và mặc cảm. Hơn nữa còn đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng và các vấn đề khác.

Theo nghiên cứu, nhiều yếu tố liên quan tới hành vi bạo hành học đường, trong đó có áp lực từ bạn bè, gia đình tan vỡ, cảm giác bất an và dành thời gian lên mạng quá nhiều. Tuy nhiên, vấn đề thu nhập lại ít liên quan.

 Ảnh chụp từ clip một nữ sinh hành hung một bạn học ở Trung Quốc năm 2013. Ảnh: Rocketnews24

Liu Chaoying, một nhà tư vấn tâm lý ở Bắc Kinh, cho hay xử phạt nặng hơn cho thủ phạm hành hung sẽ không giải quyết được vấn đề căn cơ này. Việc áp dụng dịch vụ tư vấn tâm lý cho học sinh ở trường học sẽ có hiệu quả nhưng nhiều trường không đủ nguồn lực để cung cấp dịch vụ này.

Bà cho biết nhiều thủ phạm và nạn nhân nạn bạo lực học đường đều là con cái những gia đình không có sự giao tiếp cởi mở giữa các thành viên. Những đứa trẻ này không thể phát triển cơ chế lành mạnh để giải quyết và bày tỏ những cảm xúc tiêu cực.

Bà Liu Chaoying kêu gọi các bậc cha mẹ và các nhà làm giáo dục hãy hợp tác với nhau để giải quyết vấn nạn bạo lực học đường vì vấn nạn này phản ánh các vấn đề xã hội ở mức sâu xa hơn. Và quan trọng hơn nữa là các bậc cha mẹ hãy hành động, bà nói thêm.

Nhiều đứa trẻ của nạn bạo lực học đường, trong đó có Huang nằm trong “thế hệ bị bỏ rơi” ở Trung Quốc, nghĩa là chúng rất hiếm khi được gặp mặt cha mẹ mình. 1/5 trẻ em Trung Quốc có cha hoặc mẹ hoặc cha mẹ là công nhân nhập cư, phải rời gia đình tới các TP tấp nập khác làm việc. Những đứa trẻ này học tập yếu kém ở trường, vấn đề tâm thần và trong cách ứng xử ngày càng cao so với những đứa trẻ đồng trang lứa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm