Bảo mẫu bị “bỏ rơi”

Với hơn 700 trường mầm non và gần 470 trường tiểu học (trong đó tỉ lệ trường học hai buổi/ngày có phục vụ bán trú chiếm gần 70%) nên TP.HCM có nhu cầu khá lớn về bảo mẫu, cấp dưỡng, phục vụ... Họ chia sẻ một phần công việc với giáo viên để đảm bảo chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, năm học 2011-2012 đã bắt đầu nhưng nhiều trường vẫn không tuyển được nhân lực.

Chín lớp chỉ còn… một bảo mẫu

Đây là tình cảnh của Trường Mầm non 1 (quận Tân Bình). Cô hiệu trưởng Phạm Thị Thiên Nga cho biết: “Trường có chín lớp nhưng bảo mẫu đã xin nghỉ việc hết vì lương quá thấp. Thời buổi này cầm lương tháng khoảng 1,4-1,6 triệu đồng làm sao sống nổi. Nguy cơ của trường là không còn bảo mẫu nào vì cô còn lại cũng đã nộp đơn xin nghỉ việc vào tháng 10 này. Tôi đã cầu cứu Phòng Giáo dục quận tuyển gấp năm bảo mẫu và cũng đã liên hệ với nhiều trung tâm giới thiệu việc làm nhưng vẫn chưa có bộ hồ sơ gửi đến trường”.

Một bảo mẫu Trường Mầm non 2 (quận Tân Bình) kể: “Mỗi ngày phải có mặt ở trường trước 6 giờ sáng để làm vệ sinh trường lớp, rồi chuẩn bị cho bé ăn sáng, chơi đùa với các cháu, cho ăn trưa, trông trẻ ngủ, giặt giũ, rửa chén bát, đồ chơi cho trẻ. Quần quật cả ngày cho đến khi tan trường ba mẹ đến đón các cháu về hết, mình mới rời khỏi trường cũng hơn 5 giờ chiều. Tuy có phụ huynh đóng góp, bảo mẫu chúng tôi được thêm vài trăm ngàn đồng cũng không đủ xoay sở với giá cả hiện nay”.

Bảo mẫu HTT làm tại một trường mầm non ở quận Tân Bình được hai năm chia sẻ: Trường, phụ huynh hỗ trợ nhiều nhưng lương cũng chỉ gần 2 triệu đồng. Công việc vất vả mà lương thấp quá, nhiều khi muốn nghỉ việc nhưng thấy nhà trường không tuyển được người thay thế, các cô giáo không làm sao xoay kịp, lại thương cho các bé nên thôi.

Bảo mẫu bị “bỏ rơi” ảnh 1

Lo cho các bé ăn, dọn dẹp, giặt giũ… là công việc thường xuyên của đội ngũ bảo mẫu. (Ảnh chụp tại Trường Mầm non Họa Mi 2, quận 5) Ảnh: PHẠM ANH

Tương tự, đội ngũ bảo mẫu, phục vụ tại các trường tiểu học cũng sống chật vật. Bảo mẫu Vũ Thị Phương, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (Gò Vấp), cho biết: “Chăm học sinh tiểu học đỡ cực hơn các cháu mầm non. Bảo mẫu phục vụ cực nhất là phần lo cơm nước, giặt giũ, lau dọn vệ sinh cho các cháu. Trưa các cháu ngủ thì mình phải rửa chén bát, chuẩn bị bữa ăn xế”. Với 13 năm thâm niên nhưng lương của bảo mẫu Phương chỉ 1,1 triệu đồng, trừ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cũng không còn bao nhiêu. “Tuy nhiên, ngoài khoản thu này, ban giám hiệu nhà trường cũng xoay sở vận động thêm phụ huynh đóng góp, khoảng 1,4 triệu đồng nữa, nên mỗi tháng bảo mẫu, phục vụ của trường cũng được tầm 2,5 triệu đồng/tháng” - bảo mẫu Phương nói.

Chỉ được ký hợp đồng thời vụ

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục quận Tân Bình, cho hay: Các trường mầm non, tiểu học có lớp bán trú trên địa bàn quận đang thiếu bảo mẫu, nguyên nhân vẫn là thu nhập không đủ sống. Khi các cô tìm được việc khác có thu nhập cao hơn là bỏ việc ngay nên các trường luôn gặp khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe cho các cháu.

Cô Võ Thị Thanh Sen, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Âu Dương Lân (quận 8), tính toán: Bảo mẫu của trường hiện nay chỉ hợp đồng thời vụ ba tháng, không có một chế độ nào ngoài nguồn tiền thu phí bán trú (30.000 đồng/tháng lớp thường; 50.000 đồng/tháng lớp tăng cường tiếng Anh), “xin thêm” phụ huynh 20.000-50.000 đồng/tháng nữa mà thu nhập của bảo mẫu, phục vụ, bảo vệ cũng được tầm 1,5 triệu đồng/tháng. Chưa kể mấy tháng hè đội ngũ này không có đồng thu nhập nào.

Cô Sen cho biết đã trình công văn kiến nghị UBND quận xem xét, khi tuyển được bảo mẫu phải ký hợp đồng dài hạn để họ có phần “lương cứng”. Tuy nhiên, những lời kiến nghị của cô vẫn chưa được các cấp lãnh đạo quan tâm. “Ðối với lực lượng bảo mẫu, cần cho họ chức danh cụ thể để có định biên mức lương, thay vì chỉ là nhân viên phục vụ được các trường hợp đồng như hiện nay” - cô Sen nói.

Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục quận Gò Vấp, cũng cho biết: Phòng luôn đề xuất, trình với UBND quận để đội ngũ bảo mẫu, phục vụ được hưởng lương nhà nước, có đủ chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Cạnh đó, phòng giáo dục cũng chủ động trích một phần ngân sách của quận chi cho giáo dục san sẻ với các trường khó khăn để tạo nguồn, tăng thu nhập cho họ.

Tôi không tin nổi với thu nhập chưa đầy 800.000 đồng/tháng của đội ngũ bảo mẫu, cấp dưỡng, phục vụ… tại các trường mầm non, tiểu học hiện nay họ phải sống như thế nào? TP cần quan tâm đến chế độ chăm lo đời sống của họ và cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời, quan tâm hơn đến thu nhập của lực lượng bảo mẫu, phục vụ tại các trường nhằm cải thiện thu nhập, đời sống cho các cô, để các cô yên tâm công tác.

NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM, Chủ tịch HĐND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị chuyên đề của HĐND về công tác chuẩn bị năm học mới ngày 16-8

Trường tiểu học ở nội thành được thu phí phục vụ bán trú là 30.000 đồng/tháng/HS. Bảo mẫu được hưởng 65%, tương đương 19.500 đồng. Lớp học càng ít học sinh thì thu nhập của bảo mẫu càng giảm. Đối với Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, sĩ số trung bình là 35 em/lớp. Tuy nhiên, chỉ có 25-30 em/lớp ở bán trú. Theo đó, lương của bảo mẫu khoảng 500.000-600.000 đồng/tháng. Chúng tôi kêu gọi phụ huynh hỗ trợ thêm, thu nhập các cô khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng.

TRẦN THỊ KIM LAN, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thiện Thuật, quận 3

Bảo mẫu rất cực, làm việc từ 6 giờ sáng đến chiều tối mới được về. Vì vậy nếu chỉ trả lương theo mức thu 30.000 đồng/tháng/HS thì không bảo mẫu nào chịu làm. Nhà trường đã vận động phụ huynh hỗ trợ thêm 30.000 đồng, có khoảng 70% phụ huynh đóng. Theo đó lương bảo mẫu được nâng lên 1,4 triệu đồng/tháng. Cho dù là 1,4 triệu đồng/tháng thì mức lương này cũng không đủ để các cô trang trải cuộc sống.

LÊ THỊ NGỌC ĐIỆP, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm