Bắt học sinh tự tát, một hình phạt khủng khiếp!

rường Tiểu học Trần Văn Ơn nơi xảy ra sự việc. Ảnh: THỤC ĐOAN

1. Năm còn nhỏ, đi học, có một cô giáo đã để lại vết hằn trong lòng tôi, vĩnh viễn, ngay cả khi tôi đã đủ lớn để biết cô giáo ấy chỉ mong muốn điều tốt cho mình và bạn bè. Cô giáo ấy thường phạt đòn chúng tôi vào mỗi cuối tuần, những thiếu niên 14, 15 tuổi bị nằm trên bục giảng, cả nữ sinh mặc váy, mà dụng roi gia hình.

Tôi chấp nhận bị một lần đòn, rồi không chịu được nữa, tôi từ chối học và từ chối chịu tác động của cô giáo ấy. Đỉnh điểm để tôi bày tỏ thái độ quyết liệt là khi cô giáo bắt phạt chúng tôi bằng cách cho chúng tôi tự tát nhau, nếu tát nhẹ phải tát lại gấp đôi. Cô buộc chúng tôi tự tát chính mình và cũng không được tát nhẹ.

Tôi thấy cảnh bạn gái vừa khóc vừa tát nhau thật lực, nỗi đau và ức làm tăng lực giáng cánh tay vào mặt bạn mình. Tôi thấy người bạn đã tự tát mình đến chảy máu miệng trong cái nghiến răng. Trong tôi lúc đó đã lờ mờ nhìn thấy rằng đó không phải là hình phạt học sinh, đó là trò của các trại tập trung, thứ hình phạt phá vỡ tất cả tính tự trọng, dìm nhân cách xuống bùn, đập nát tất cả sự bảo toàn của một cá nhân, tiêu diệt sự gắn kết và để lại một nỗi ân hận không thể nguôi, thứ ân hận có thể biến đổi cả một nhân tính, một cuộc đời. Ngày ấy tôi đã chọn đi ra khỏi lớp học, tôi tự chặt đứt mình và mối liên kết với môn học đó để bảo toàn bản thân.

Khi nhớ lại cú tát bật máu của bạn tôi năm ấy, tôi ân hận vì không đứng lên hét “mày đừng làm như vậy nữa, không ai có quyền bắt mày làm như vậy!”, nỗi ân hận theo tôi đến giờ. Những người bạn của tôi tát nhau năm ấy đến giờ nhắc lại vẫn vô thức đưa bàn tay lên má mình. Cách giáo dục bật máu ấy đã để lại trong chúng tôi một vết hằn, một vết hằn mà không thứ thuốc tan máu gia truyền nào chữa trị nổi. Chúng tôi tự đi qua việc ấy, có thể bằng sự vô tâm, có thể bằng sự xoa dịu quá khứ, có thể bằng sự lãng quên. Nhưng gặp nhau thi thoảng, những bạn bè chung lớp năm xưa nhắc lại việc ấy vẫn còn nỗi e dè.

Cách đây ít lâu, chúng tôi với tư cách bạn bè một lớp đã gặp lại cô giáo ấy. Trong cuộc gặp, chúng tôi thổ lộ, cô giáo về hưu ấy khóc, một số bạn bè tôi cũng khóc, chúng tôi xin lỗi nhau. Cô giáo thừa nhận phương pháp cô dùng là sai lầm dù cứu cánh cô cũng chỉ mong tốt cho bọn trẻ. Chúng tôi hòa giải với chính mình, với quá khứ nhưng vĩnh viễn có những điều không thể cứu chuộc được nữa.

2. Trở lại với chuyện cô giáo Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận Tân Bình, TP.HCM phạt học sinh tự tát mới đây, động thái mới nhất là cô giáo này đã bị tạm đình chỉ. Thật khó để nghĩ đến hiệu quả tích cực của cách phạt này khi mà cô giáo bắt các em tự tát theo cấp số nhân, em đầu tiên tát hai cái thì em tiếp theo tát bốn cái. Có em phải tự tát vào mặt mình 32 cái và tất cả các em trong lớp đều đã bị hình phạt này.

Việc trách phạt là một phần của giáo dục, có thể có các ý kiến phản đối nhưng chí ít không ai kiện hay trách cứ nếu một phụ huynh phạt con mình không được ăn quà vặt khi hư, phải đứng im trong góc nhà nửa tiếng để nghĩ về việc không ổn trẻ đã làm… Phạt để sửa với một tấm lòng yêu thương khác biệt với việc trừng phạt để thỏa mãn người đưa ra hình phạt, trừng phạt để phá hủy sự tự tin, phá hủy bản ngã, làm cho kẻ bị phạt phải nhục nhã.

Một sự phạt trong yêu thương, bảo ban sẽ tạo ra một con người, còn trừng phạt để thỏa mãn cá nhân sẽ tạo ra vết thương, sự buồn bã và những tâm lý bất thường. Trẻ em hay thiếu niên đủ độ tinh nhạy để nhận ra đâu là yêu thương, đâu là trừng phạt. Hãy lắng nghe những đứa trẻ lên tiếng, vì ngay cả sự yêu thương được truyền đi bằng phương pháp sai lầm, có thể người đưa ra hình phạt sẽ phải khóc khi thấy thành quả của mình đã bị méo mó ra sao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm