Bí kíp đơn giản giúp con bạn tự bảo vệ trước các mối nguy

Đó là lời khuyên của Th.S Phạm Thị Thúy, chuyên gia tham vấn tâm lý và đào tạo kỹ năng sống, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Kỹ năng cần thiết để trẻ tự bảo vệ mình” do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức cuối tuần qua.

Phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm và thắc mắc tại buổi chuyên đề

Dưới đây là một số thắc mắc và giải đáp của Th.S Phạm Thị Thúy với phụ huynh tại buổi chuyên đề:

Giúp con nhận thức tự bảo vệ mình

+ Thắc mắc: Những mối nguy hiểm nào thường gặp ở trẻ?

- Th.S Phạm Thị Thúy: Dù trẻ ở độ tuổi nào cũng có thể có những mối nguy hiểm, từ khi trẻ còn trong bụng mẹ, tuổi sơ sinh, mầm non đến thiếu niên, thanh niên… Đó là Bạo lực học đường, bắt nạt; bắt cóc; xâm hại tình dục; tai nạn, thương tích; Quan hệ tình dục sớm dẫn đến có thai ngoài ý muốn; các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, thuốc kích thích…

Đôi khi, những nguy hiểm còn xuất phát từ việc lơ là của phụ huynh với con cái, không lưu ý đến những chi tiết rất nhỏ khiến trẻ dễ gặp nguy hiểm hơn như bỏ mặc con ở bể bơi, không đội mũ bảo hiểm cho con khi đi xe, cho con mang nhiều tiền và đeo vàng bạc khi đi học…

+ Cha mẹ có nên nói cho con biết những cái xấu, những nguy hiểm xung quanh con không vì sợ nói như thế làm ảnh hưởng đến tâm lý, tâm hồn trong sáng của trẻ?

- Chúng ta không thể và đừng nên giấu con về những chuyện xấu ngoài xã hội, ngay cả trong gia đình cũng đừng có những bí mật với con. Vì ngày nay, công nghệ thông tin phát triển, cha mẹ không nói thì con cũng sẽ biết qua báo đài, bạn bè, mạng xã hội, các quán game…. nhất là trên mạng ảo. Nếu người lớn không nói chuyện và trang bị kiến thức cho con thì rất nhiều nguy cơ xấu xảy ra với con bất cứ lúc nào. Phụ huynh hãy nói cho con biết một cách khéo léo về những nơi dễ gặp nguy hiểm, những hành động có thể gây nguy hiểm và những trường hợp nguy hiểm có thể xảy ra với con. Từ đó giúp con hiểu và không bị mắc phải những trường hợp đó.

Ví dụ, con sắp đi du lịch thì cha mẹ phải nói với con đi đến đó phải cẩn thận điều gì, gặp ai đó làm gì với con thì con phải làm thế nào, con ra ngoài đường lớn nhiều xe cộ thì phải làm sao…

Phụ huynh phải hiểu tâm lý của con

+ Con tôi 13 tuổi nhưng ba mẹ nói gì cũng không nghe. Tôi chỉ cho con những nguy hiểm có thể xảy ra, hoặc nhắc nhở con cẩn thận thì con cũng mặc kệ, không quan tâm hay tin vào những điều đó thì phải làm thế nào?

- 13 tuổi là tuổi vị thành niên, đứa trẻ đang rất đề cao mình, khẳng định mình. Trẻ chưa kiểm soát được cảm xúc nên dễ xung đột với bản thân, người thân trong gia đình và cả bạn bè. Vì thế, trẻ không nghe lời người lớn là điều rất dễ hiểu.

Vì vậy, ba mẹ muốn nói với con thì trước hết phải hiểu tâm lý của con. Tốt nhất, phụ huynh có thể nói với con bằng những tình huống cụ thể trên báo, người thật việc thật để trẻ biết và tự hiểu chứ đừng nói nhiều lời rằng con phải thế này hay thế khác. Như vậy chỉ khiến mối quan hệ mẹ con càng căng thẳng và con sẽ phản ứng ngược trở lại. Ba mẹ đừng quá áp đặt, can thiệp quá sâu và đòi hỏi cao ở con mà hãy quan sát con hơn, lắng nghe con bắt đầu bằng những thứ con thích, chia sẻ tâm tư với con để con có thể chia sẻ lại từ từ.

Ba mẹ có thể lập hộp thư, facebook riêng của gia đình hoặc của nhóm người thân để chia sẻ những điều hay với con, những cảnh báo, những tình huống nguy hiểm hoặc câu chuyện ý nghĩa để con đọc và bày tỏ suy nghĩ.

+ Trẻ nhỏ rất dễ tin người, nhận thức về những cái xấu cũng chưa rõ ràng nên có nói trẻ cũng rất khó hiểu hoặc nói trước quên sau. Vậy Ba mẹ phải làm như thế nào để trẻ ghi nhớ và cảnh giác?

- Với trẻ nhỏ, Ba mẹ có thể cùng con chơi trò chơi “nếu…thì”, sắm vai, hỏi nhanh đáp lẹ, trao đổi bí mật…Ví dụ như có cháy thì con phải làm sao, người lạ cho quà thì con phải làm gì, bị lạc nơi đông người thì con làm như thế nào, … Nếu trẻ trả lời đúng thì khen ngợi, nếu sai thì tiếp tục gợi ý để giúp trẻ trả lời đúng. Ba mẹ phải làm sao đưa ra càng nhiều tình huống càng tốt và phải nhắc lại thường xuyên, thỉnh thoảng kiểm tra lại và có phần thưởng để khuyến khích trẻ.

Ngoài ra, ba mẹ cũng phải cùng con rèn luyện thể chất qua các hoạt động thể thao, đừng nhồi trẻ học nhiều quá hoặc dán mắt vào các thiết bị công nghệ vì khiến trẻ yếu và nhút nhát đi.

Khi trẻ bắt đầu có khả năng nhớ, ba mẹ hãy chia sẻ với con về thông tin cá nhân như tên tuổi, điện thoại, địa chỉ… Tuy nhiên, phải nói với trẻ đây là những thông tin chỉ ba mẹ và con biết, không cung cấp cho người lạ, nhất là trên mạng xã hội vì rất dễ có người giả danh hỏi thông tin về gia đình với ý đồ xấu.

Th.S Phạm Thị Thúy đang giải đáp những thắc mắc của phụ huynh

Đối phó với người lạ mặt

+ Người lạ là đối tượng trẻ rất hay gặp và tiếp xúc khi đi học hoặc vui chơi. Trong đó có người tốt lẫn người xấu. Vậy phải dạy con như thế nào để con không bị dụ dỗ?

Trẻ em là đối tượng dễ bị dụ dỗ vì trẻ thích được khen; trẻ không nỡ từ chối người khác; trẻ không thể từ chối những thứ đẹp mắt và ngon miêng; trẻ nghĩ người lớn không biết nói dối, nhất là khi người lớn nói bắt đầu bằng câu “Bố mẹ cháu nói là…”.

Vì thế, ba mẹ phải nói với con về quy tắc giao tiếp với người lạ. Với trẻ dưới 18 tuổi, ba mẹ nên dạy con dù làm gì cũng phải hỏi ý kiến ba mẹ. Ở trường nếu gặp người lạ hoặc muốn đi đâu ra khỏi trường thì phải xin phép giáo viên hoặc nói với chú bảo vệ. Dạy con không được tùy tiện lấy đồ đạc khi người lạ hoặc người quen cho mà phải nói cảm ơn và hỏi ý kiến ba mẹ trước, ba mẹ đồng ý thì mới nhận. Ví dụ như dạy con nếu tan học, có người lạ đến đón và nói rằng ba mẹ bận nên nhờ chú đón giùm thì con báo ngay với cô giáo để cô gọi điện cho ba mẹ hỏi lại; Nếu có người lạ như bà cụ, người bị nạn nhờ con giúp đưa đi đâu đó thì con phải nhờ ba mẹ hoặc với người lớn trong trường giúp đỡ hoặc đi cùng; khi con bị lạc nơi đông người như siêu thị, công viên… thì con phải kiên nhẫn đứng tại chỗ bị lạc để người thân dễ tìm, không tùy ý đi theo người lạ…

+ Ba mẹ tất bật đi làm nên rất thường để con ở nhà một mình. Ba mẹ cần phải dạy con những gì để con không bị gặp nguy hiểm?

- Chính cha mẹ phải tạo môi trường an toàn cho con như lắp thiết bị ngắt điện tự động khi bị điện giật, chuông báo rò rỉ gas,…nhưng khi lắp phải nói và giải thích cho con biết.

Nếu con ở nhà một mình, có điện thoại, con không nghe máy nếu không được ba mẹ dặn trước. Nếu ba mẹ có dặn thì con hãy nhấc máy, khi nghe, nếu thấy giọng người lạ thì nói là chờ bố mẹ nghe điện rồi nhanh chóng cúp máy.Nếu có người gọi cửa thì tuyệt đối không được mở cửa, phải khóa trái cửa. Nếu người lạ giao đồ hoặc tặng quà thì nói là mẹ đi đổ rác, cứ để đồ ở cửa rồi lát mẹ về lấy vì đó có thể là đồ nguy hiểm. Nếu họ muốn sửa điện nước thì nói họ gọi cho bố mẹ và hẹn dịp khác.

Ba mẹ phải nói với trẻ các mánh lới của kẻ xấu thường dùng để tiếp cận trẻ, luôn dặn dò trẻ đâu là nơi an toàn và ai là người đáng tin cậy.

+ Chúng ta dạy trẻ sống tử tế, biết yêu thương, giúp đỡ người khác nhưng lại dạy trẻ bảo vệ chính mình, luôn đề phòng người khác như khi gặp trẻ ăn xin hoặc người bị nạn. Liệu như thế có mâu thuẫn và ảnh hưởng gì đến sự phát triển nhân cách của trẻ không?

- Hai điều này không hề mâu thuẫn nhau. Khi người xấu đóng vai ăn xin, bị gặp nạn, chúng ta không dạy trẻ vô cảm, mặc kệ họ mà dạy trẻ có kỹ năng giúp đỡ phù hợp để làm sao an toàn cho người khác và an toàn cho chính mình. Khi trẻ giúp ai đó thì phải nói hoặc hỏi ý kiến bố mẹ trước hoặc báo với người lớn đáng tin cậy để được hỗ trợ. Còn dạy trẻ sống tử tế sẽ giúp trẻ luôn biết cư xử, sống hòa nhã với bạn bè, lễ phép với người lớn, sống chừng mực, biết đúng biết sai.

Phải dạy con hiểu về giá trị sống

- Tất cả những kỹ năng đó chỉ là phần ngọn, cái cần là phụ huynh phải dạy cho con hiểu về giá trị sống gồm tự tin, tự lập và tử tế. Khi trẻ tự tin, trẻ sẽ có sức mạnh bên trong để chống lại cái xấu xung quanh. Trẻ tự lập thì trẻ sẽ làm chủ không gian trong nhà và ngoài đường. Quan trọng hơn là dạy trẻ phải sống tử tế, trẻ phải biết cách cư xử, sống hòa nhã với mọi người. Như thế trẻ sẽ cảm thấy thanh thản và đẩy xa được những cám dỗ những mối nguy hiểm mà trẻ có thể gặp.

- Ba mẹ phải dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự với con như những người bạn. Luôn quan sát thái độ, hành vi của con khi giao tiếp với mọi người xung quanh, phải luôn giúp trẻ nhận thức chứ không được dọa nạt trẻ.

- Đừng dạy con theo kiểu người lớn nói gì cũng phải nghe, mà dạy con phải biết lập luận, biết bày tỏ chính kiến, thắc mắc, đâu là đúng đâu là sai.

- Nên nhớ bất kỳ đứa trẻ nào cũng có bản năng tự bảo vệ mình nên phụ huynh không nên lo lắng thái quá rồi nóng giận, quát nạt, nói quá nhiều với con, nhất là độ tuổi vị thành niên. Vì như thế rất dễ khiến trẻ bị ức chế và phản kháng lại. Người lớn phải tin vào trẻ và giúp trẻ tự tin để ứng phó với nguy hiểm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm