Các trường tự “đẻ” hệ “CĐ thực hành”

Kỳ tuyển sinh 2011 này bỗng nhiên xuất hiện tên gọi “CĐ thực hành”, chỉ xét tuyển thí sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Khi đăng ký nhập học, người học còn được quảng cáo học xong sẽ được liên thông lên ĐH nên không nghĩ rằng mình đang học hệ CĐ nghề (chương trình của Tổng cục Dạy nghề và Bộ LĐ-TB&XH cấp bằng).

Quảng cáo điều chưa có

TM, sinh viên “CĐ thực hành” Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, bức xúc cho biết: “Hồi nộp hồ sơ tôi không hỏi kỹ, thấy học CĐ chỉ xét tuyển theo học bạ THPT và sau đó được học liên thông lên ĐH quá thuận tiện nên đăng ký ngay. Đến nay thì tôi mới biết mình học hệ nghề và liên thông không phải dễ”. Cái phao liên thông và quảng cáo không đúng với tên gọi trong giấy phép là CĐ nghề được ông Kiều Xuân Hùng, Phó Hiệu trưởng trường này, nói: “Đặt tên gọi “CĐ thực hành” cho hay hơn, chúng tôi muốn nhấn mạnh khi học thì sinh viên được thực hành nhiều. Còn liên thông thì hiện trường hoàn toàn không tổ chức, phải vài năm nữa mới tính”!

Trường ĐH Nguyễn Trãi cũng quảng cáo chương trình “CĐ thực hành” vô cùng thu hút khi “tốt nghiệp chương trình sinh viên được quyền học liên thông lên ĐH”. Các trường CĐ Viễn Đông, CĐ Kinh tế Kỹ thuật miền Nam, CĐ Kinh tế Kỹ thuật Vinatex TP.HCM… cũng quảng bá tương tự. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM Nguyễn Trần Nghĩa, đào tạo liên thông từ CĐ nghề lên ĐH không dễ, vì các trường ĐH phải xây dựng chương trình chuyển đổi mất rất nhiều thời gian, do chương trình khung đào tạo nghề khác với chương trình khung đào tạo chuyên nghiệp của Bộ GD&ĐT. Do đó đến nay chỉ mới có vài trường ĐH cho phép liên thông từ hệ nghề nhưng chỉ tiêu rất ít.

Các trường tự “đẻ” hệ “CĐ thực hành” ảnh 1

Các trường tự “đẻ” hệ “CĐ thực hành” ảnh 2

Trường CĐ Nghề iSPACE bất nhất trong tên gọi: Lúc thì CĐ nghề iSPACE, lúc thì CĐ Nghề thực hành iSPACE. Ảnh: QUỐC DŨNG

Học phí chót vót

Không chỉ vậy, học phí của các trường đào tạo hệ “CĐ thực hành” còn cao hơn học phí của nhiều trường ĐH. Học phí của Trường CĐ Viễn Đông ở mức 5-5,5 triệu đồng/học kỳ. HN, sinh viên hệ “CĐ thực hành” của Trường CĐ Viễn Đông, cho biết: “Tôi học nghề kế toán doanh nghiệp học phí đến 5 triệu đồng/học kỳ, trong khi các bạn ngành kinh tế hệ CĐ chương trình của Bộ GD&ĐT chỉ đóng trung bình 4 triệu đồng/học kỳ. Vào học rồi tôi mới biết học phí nghề lại cao như vậy. Năm sau tôi sẽ thi lại vì nghe nói học nghề ra khó xin việc”.

Sinh viên hệ nghề Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM cũng cho biết: “Học phí 4 triệu đồng/học kỳ là cao so với các trường khác. Bạn tôi học ở Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng chỉ đóng 1 triệu đồng/học kỳ. Vì nghề tôi học trường khác không dạy nên mới đăng ký trường này. Vả lại thấy học ở trường ĐH thì có gì liên thông sau này, học ở trường ĐH cũng thấy oai hơn một chút”. Còn tại Trường CĐ Nghề Việt Mỹ, học phí hệ CĐ nghề là 16 triệu đồng/năm học, tuy nhiên trường cho biết học phí của năm thứ hai và năm thứ ba sẽ thay đổi tùy theo mức trượt giá của thị trường! Trường này còn ra điều kiện nếu đóng học phí một lần thì chỉ đóng 15 triệu đồng/năm, còn đóng theo học kỳ thì 8 triệu đồng/học kỳ.

Trong khi đó, theo Nghị định 49 của Chính phủ quy định về mức học phí từ năm học 2010-2011 đến năm 2014-2015, mức trần đối với CĐ nghề công lập năm học 2011-2012 của nghề máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật: 470.000 đồng/tháng; khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân: 320.000 đồng/tháng; nhân văn, kinh doanh và quản lý, dịch vụ xã hội: 250.000 đồng/tháng…

Ông Dương Đức Lân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: “Học phí các trường công lập phải theo khung quy định, còn các trường ngoài công lập thì học phí thỏa thuận, có quyền tự quyết định. Vì vậy người học cần tìm hiểu trước khi nộp hồ sơ”.

Chúng tôi sẽ cho kiểm tra

Đào tạo CĐ nghề thì phải ghi đúng tên như trong giấy phép. Ghi CĐ thực hành là sai, xài chữ nghĩa thừa thãi, vì nghề là đã thực hành rồi. Có thể họ viết như vậy để thu hút người học nhưng về nguyên tắc ghi như vậy là không đúng. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra.

Ông NGUYỄN THÀNH HIỆP, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH TP.HCM

Gọi “CĐ thực hành” hoàn toàn sai

Hệ thống giáo dục của chúng ta không có tên gọi nào là “CĐ thực hành”. Bộ GD&ĐT hoàn toàn không có hệ nào là “CĐ thực hành” và Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cũng không có tên đó mà chỉ có “CĐ nghề”. Trong giấy phép chúng tôi cấp cho các trường cũng không có “trường CĐ nghề thực hành”, hay “trường CĐ thực hành”, mà chỉ có “trường CĐ nghề”. Do đó, trường nào chỉ cần ghi sai một chữ là phạm luật rồi.

Ông DƯƠNG ĐỨC LÂN, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH)

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm