“Cậu bé da cam” và kỳ tích vượt qua lời nguyền luật tục

“Cậu bé da cam” và kỳ tích vượt qua lời nguyền luật tục ảnh 1
Cậu bé Nay Đ’Roeng trong lớp học. Không có ngón tay,
Đ’Roeng cặp bút giữa 2 cùi tay để viết.
Chiến đấu chống lại tục lệ “Nar tui mih”“Con chim con sống phải có chim mẹ, con chim non yếu thì về với Atâu (tổ tiên, ông bà). Nếu không, Yàng (trời) sẽ phạt!”, Kbôr Yoang, cha Nay Đ’Roeng, buôn Ji A, xã Krông Năng, Krông Pa, Gia Lai nói về tục lệ “Nar tui mih” (con theo mẹ) nhiều đời nay của người J’rai. Những năm 1972, Kbôr Yoang và Nay H’Đril tham gia cách mạng, cả 2 đều làm du kích ở căn cứ E Réh, huyện Krông Pa. Đây cũng là khu căn cứ bị Mỹ dùng máy bay thả chất độc màu da cam dioxin xuống vùng này, trong đó có dòng suối Ia H’Đreh, nơi Kbôr Yoang vẫn thường men theo đi làm nhiệm vụ, và cũng là nơi cung cấp nước uống mỗi khi Kbôr Yoang khát. Sau khi đất nước giải phóng, Kbôr Yoang về làm cán bộ xã Krông Năng, đến năm 1990 thì xin nghỉ, ở nhà làm rẫy cùng người vợ, người đồng đội từ thời du kích là bà Nay H’Đril. Đó cũng là thời gian đầu tiên họ hạnh phúc được lên chức cha, mẹ. Nhưng vào giữa năm 1990, khi H’Đril sinh hạ đứa con đầu lòng, đứa trẻ sinh ra chỉ có duy nhất một cái đầu đỏ hỏn như cục thịt. Nỗi đau của họ như vết thương đã lở loét bị xát thêm muối khi già làng đến bảo đứa bé phải bị đem chôn xuống đất để nó về với Atâu. Đau đớn, nhưng sợ tục lệ của dân làng, họ cũng đành tuân theo. Gần hai mùa rẫy sau, vợ chồng Kbôr Yoang lại đón thêm một sinh linh nữa. Đứa trẻ ra đời vẫn bú sữa mẹ, nhưng đôi mắt lại bị lồi hẳn ra ngoài như con ốc, chân tay có màng như con vịt. Theo tục lệ nar tui mih, cả buôn Ji A kéo đến đòi phải mang đứa trẻ chôn xuống đất. Quá thương con, Kbôr Yoang đã dũng cảm chống lại tục lệ và dân làng: “Kbôr Yoang đã đau một lần rồi! Bây giờ Yàng phạt cũng mặc. Atâu trách cũng chịu. Tôi không thể mất con lần nữa, gia đình Kbôr Yoang thà bị dân làng phạt lợn, phạt bò mấy ngày cũng được…”, vậy là Kbôr Yoang đã giữ lại được mạng sống cho con và đặt tên H’Đốt. Năm 1994, H’Đril lại sinh thêm một đứa con nữa trên rẫy. Đau đớn thay khi đứa trẻ sinh ra không có bàn tay, cũng chẳng có bàn chân, cả thân cứ co quắp lại. Cũng như mọi lần, người dân trong làng lại kéo đến đòi chôn đứa bé để về với Atâu. Lúc này, Kbôr Yoang mới thấm thía nỗi đau của đứa bé khi sinh ra trên đời này “để nó sống thì tội nó quá”. Nghĩ vậy, người bố khổ đau đành buông xuôi theo tục lệ. Nhưng khi cái hố đã hoàn thành, đứa bé đã dựa mình xuống lòng đất, chiếc khăn thổ cẩm đã phủ kín toàn cơ thể, thì thằng bé khóc thét dữ dội. Không kìm lòng, Kbôr Yoang đã nhảy xuống hố, bế đứa bé mang về, lấy vỏ nứa cắt rốn và tắm rửa sạch sẽ, rồi mang vào chỗ người vợ đang héo hon vì nỗi đau mất con. Đứa bé khát sữa liền bú no căng, không còn khóc. Còn Kbôr Yoang mừng rỡ đặt tên con là Nay Đ’roeng, và không quên chuẩn bị heo, bò… để nộp phạt cho dân làng. Nay Đ’Roeng gian khổ đi học cái chữChịu sự bất hạnh khi cơ thể khiếm khuyết, suốt thời thơ ấu, Nay Đ’Roeng chỉ quanh quẩn trong nhà sàn. Khi cha mẹ lên rẫy, mình Nay Đ’Roeng ở nhà vừa chăm sóc bản thân, vừa trông nom lợn, gà. Bỗng một hôm, cậu bé lăn mình đến nơi bố đang ngồi nghỉ nói “Ama (bố) ơi cho con đi học!”. Trước lời đề nghị của đứa con tội nghiệp, Kbôr Yoang lặng người ngạc nhiên, đến đứa trẻ bình thường trong làng nó còn không thích đến trường. Suy nghĩ một hồi rồi ông đáp: “Ừ, ama sẽ cho con đi học! Nhưng con có theo được cái chữ không? Để biết được cái chữ khó lắm đấy!”. Nay Đ’Roeng khẳng định: “Ama đừng lo, con sẽ đi học được!”. Trong tâm trạng vừa mừng vừa lo, mừng vì Đ’Roeng tuy khiếm khuyết tay chân, nhưng cái đầu thì lại thông minh biết nghĩ, còn lo vì thằng bé không có ngón tay, cũng chẳng có bàn chân thì học bằng cách nào? Nhưng vì tình thương vô bờ bến với đứa con trai, Kbôr Yoang vẫn chuẩn bị sách vở và cõng cậu bé đến Trường tiểu học Krông Năng nhờ các thầy cô giáo dạy chữ. Ngày đầu tiên đến lớp, được xếp ngay vào ghế đầu của lớp 1, cậu học trò Nay Đ’Roeng trở thành tâm điểm chú ý của mọi người như một “vật thể lạ ngoài hành tinh”! Nhưng rồi, với tình yêu cái chữ vô bờ bến, cậu học trò Nay Đ’Roeng đã dần làm quen cùng bạn bè trong lớp học. Cuộc sống của Đ’Roeng thay đổi từ đó. Không có ngón tay, Đ’Roeng cặp bút giữa 2 cùi tay chăm chỉ tập viết. Không có bàn chân để chạy nhảy, vui đùa, Đ’Roeng dám trườn cả thân mình trên con đường đất đồi dốc để đến lớp. Chính ý chí và nghị lực phi thường ấy đã khiến tâm hồn cậu bé đồng bào J’rai thêm vững tin vào cuộc sống. Vượt qua hoàn cảnh khó khăn về thể xác lẫn tinh thần khi là một trong hàng vạn nạn nhân bị ảnh hường chất độc màu da cam dioxin do đế quốc xâm lược gây ra, cậu bé Nay Đ’Roeng đã và đang cố gắng thay đổi cuộc sống của mình từ những ngày đầu tiên đi học. Kbôr Yoang vui mừng: “Khi chưa đi học, Nay Đ’Roeng chỉ quanh quẩn ở chân cầu thang, rất ngại tiếp xúc với mọi người. Thế nhưng bây giờ Nay Đ’Roeng đã có nhiều bạn bè và quan trọng hơn, nó còn biết viết, biết đọc cái chữ, biết làm phép tính nữa!”. Các thầy cô giáo Trường Tiểu học Krông Năng, nơi cậu học trò giàu nghị lực Nay Đ’Roeng bắt đầu gieo ước mơ của mình không giấu niềm tự hào về cậu học trò phi thường của mình: Với lực học khá, chăm ngoan, năm học nào Nay Đ’Roeng cũng nhận được giấy khen của nhà trường. Mặc dù bị tật nguyền nhưng Nay Đ’Roeng sống rất hòa đồng với bạn bè và đặc biệt là học rất giỏi 2 môn Toán và Vẽ. Và đến bây giờ, ngày ngày trên con đường đến trường đầy nắng, gió, mưa và bụi, đá lởm chởm, Nay Đ’Roeng vẫn một quăng mình như con sâu đo trên quãng đường vài cây số để đến trường. Và đầu năm học này, Nay Đ’Reong cũng chuẩn bị lên lớp 7, trường Dân tộc nội trú huyện Krông Pa, với bao niềm tự hào. Em chính là tấm gương sáng vượt lên số phận, vượt qua lời nguyền luật tục của đồng bào J’rai.
Theo Thiên Thư (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm