Cha mẹ 'úm' quá kỹ, con không biết sẻ chia?

Câu hỏi vừa dứt, hàng chục cánh tay giơ lên. Một bạn hồ hởi khoe em kiếm được 50.000 đồng vì chúc tết cha mẹ khi em mới năm tuổi. Có em lại khoe kiếm được 500.000 đồng khi em mới học lớp 2 vì nhờ giúp mẹ làm vệ sinh nhà cửa. Có em tuổi THCS kể về việc bán đồ chơi do cha mẹ cho được gần 2 triệu đồng khi vừa học xong tiểu học… Cứ mỗi số tiền tăng lên thì tiếng vỗ tay cũng to hơn, như để biểu dương thành quả của các bạn.

Rồi một em khác cũng mạnh dạn giơ tay lên khi gần hết lượt. Em nói rằng khi em mới học lớp 3, em đã biết mua lại bút từ những hàng giảm giá rồi về bán lại cho các bạn trong trường và lời hơn 200.000 đồng. Dứt lời, cả hội trường cười ồ lên khoái chí như nghe được chuyện hài. Thầy quản trò nhắc cả lớp trật tự, rồi hỏi tiếp: “Em dùng số tiền kiếm được đó để làm gì? “Em bỏ heo mua sách vở hoặc khi nào có hàng rẻ lại mua về bán tiếp”. Dưới lớp lại ồ lên.

Thầy nhìn phản ứng của cả lớp rồi nói: “Tại sao các em lại cười nhạo bạn như thế, đúng là bạn không kiếm được nhiều tiền nhưng bạn đã kiếm tiền bằng chính lao động của mình, mặc dù việc đó là chưa cần thiết so với tuổi của các em. Đáng lẽ các em vỗ tay hoan nghênh bạn chứ!”. Cả lớp yên lặng lắng nghe. Rồi thầy tiếp: “Các em còn lại kiếm được tiền như thế không xấu nhưng chưa thật hay. Bởi tiền các em có được thực ra vẫn là tiền của cha mẹ, là mồ hôi nước mắt của cha mẹ kiếm được để nuôi các em ăn học. Các em phải thương cha mẹ bằng cách đỡ đần cho cha mẹ, làm cho cha mẹ vui bằng hành động cụ thể, đúng không nào?”.

Lần khác, trong một buổi nói chuyện về dạy con tại Nhà văn hóa Phụ nữ, câu chuyện của một chị phụ huynh khiến nhiều người phải suy ngẫm. Chuyện rằng trong lớp tiểu học của con gái chị có một bạn nam hay ăn mặc lôi thôi, lúc nào cũng để áo ngoài quần mà không chịu đóng thùng. Một lần đưa con đến trường, vừa thấy bạn ăn mặc lôi thôi con chị liền đi báo với giám thị nhưng chị ngăn lại. Đứa bé không chịu và đòi đi mách giám thị bằng được. Giật mình với suy nghĩ của con, chị ngồi xuống nói: “Nhà bạn đó rất khó khăn, cha mẹ không còn sống chung nữa nên không có ai chăm sóc cả. Con phải hiểu hoàn cảnh và thông cảm cho bạn chứ. Con phải thương bạn con trước khi mách với giám thị chứ. Nếu cần thì con đến giúp bạn ấy hoặc nhắc khéo với bạn rằng “bỏ áo vào quần đi bạn, cho đẹp!” chứ con gọi giám thị đến cũng chỉ làm bạn buồn hơn thôi, phải không!”.

Chị lắng giọng tâm sự, trẻ sống như thế là do chính người lớn chúng ta tạo nên. Đôi khi chính cách chúng ta chăm sóc con quá kỹ, muốn gì được nấy khiến chúng không hiểu và hình thành lòng bao dung, thương yêu và chia sẻ với nỗi đau của người khác.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm