Chấn chỉnh tiêu cực, thiếu trường, lớp

. Phóng viên: Bộ GD&ĐT từng thực hiện chủ trương “Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử” nhưng thực tế tiêu cực trong ngành giáo dục vẫn còn tồn tại, ông nghĩ thế nào?

+ Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn tồn tại thể hiện trong thi cử là một thực tế không chối cãi được (điển hình là vụ tiêu cực ở Trường THPT dân lập Đồi Ngô, Bắc Giang và một số địa phương khác) cho thấy giáo dục của chúng ta chưa quan tâm đến chất lượng, chỉ đối phó bằng những con số phần trăm càng cao càng tốt. Bộ GD&ĐT tiếp tục chấn chỉnh hiện tượng này bằng cách nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng đội ngũ giáo viên toàn tâm, yêu nghề, dạy và học đúng thực chất. Cạnh đó, Bộ cố gắng chỉ đạo các địa phương cùng chấn chỉnh, hạn chế bớt tiêu cực, tiêu cực xảy ra cũng chỉ vì bệnh thành tích mà thôi.

Tập trung cho ngành mầm non

. Thứ trưởng nghĩ gì khi mới đây Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam khảo sát đánh giá rằng giáo viên phổ thông của ta năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục?

+ Thực tế chất lượng giáo viên đã ngày càng tốt hơn rồi đấy chứ. Tuy nhiên, chúng ta chưa hài lòng khi mà chế độ chính sách dành cho giáo viên vẫn chưa được tập trung nhiều dẫn đến giáo viên chưa toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp giáo dục. Tôi nghĩ, khi có sự quan tâm, giáo viên toàn tâm toàn ý thì chất lượng giáo dục sẽ được cải thiện. Cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên để họ đạt chuẩn và đủ năng lực thực hiện chương trình đổi mới toàn diện giáo dục vào năm 2015. Hiện nay, ngành giáo dục đang chú trọng đến bậc học mầm non và xem đây là bậc học quan trọng để giáo dục trẻ hình thành nhân cách, phẩm chất tốt.

Chấn chỉnh tiêu cực, thiếu trường, lớp ảnh 1

Giáo viên và trường lớp mầm non vẫn còn thiếu trong năm học mới. Ảnh: HTD

Không “xén” của trẻ nhỏ, ưu tiên trẻ lớn

. Thực tế tại rất nhiều địa phương vẫn còn thiếu giáo viên mầm non, thiếu trường lớp. Bộ có giải pháp nào để khắc phục, thưa thứ trưởng?

+ Khó khăn của giáo dục mầm non là thiếu trường, thiếu lớp, thiếu cơ sở vật chất, thể hiện rất rõ ở vùng sâu vùng xa. Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên để nâng chất lượng không giải quyết được trong một sớm một chiều, cần có quá trình đào tạo và bồi dưỡng nâng cao. Bộ cũng đề nghị với các địa phương cần chủ động có chính sách riêng cho giáo viên mầm non ngoài chính sách chung của Nhà nước để họ yên tâm với sự nghiệp của mình.

. Nhưng nhiều địa phương tại ĐBSCL cho rằng ngành chưa đầu tư đúng mức về trường lớp cũng như đội ngũ giáo viên thì không thể nào thực hiện được phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi đúng lộ trình 2015, ông nghĩ như thế nào thưa thứ trưởng?

+ Chúng ta đặt mục tiêu đến 2015 nhưng tùy theo điều kiện của từng địa phương mà đặt ra kế hoạch cụ thể, có bước đi phù hợp theo đúng lộ trình. Các địa phương còn khó khăn như vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL cần quan tâm hơn, tạo điều kiện cho họ thực hiện mục tiêu.

. Cũng có thực tế là ở một số địa phương, do nôn nóng hoàn thành chỉ tiêu, lại thực hiện theo kiểu “cắt của trẻ nhỏ, ưu tiên cho trẻ lớn”, vậy thì mục tiêu phổ cập mầm non không thể thực chất, thưa ông?

+ Bộ không bắt buộc các địa phương phải đăng ký hoàn thành chỉ tiêu cho bằng được. Bộ cũng không có chủ trương khi phổ cập trẻ năm tuổi mà lãng quên trẻ dưới năm tuổi. Địa phương nào có điều kiện thì đi trước, về trước sau đó hỗ trợ cho các địa phương khác, tuy nhiên đến năm 2015 vẫn phải hoàn thành mục tiêu.

Quan điểm của Bộ là phát triển đa dạng các loại hình trường lớp để phụ huynh lựa chọn, phụ huynh có điều kiện thì chọn trường ngoài công lập có dịch vụ giáo dục tốt hơn, Bộ không phân biệt trường công, trường tư mà chú ý đến chuẩn chất lượng.

Xin cảm ơn ông.

Đã sẵn sàng đổi mới giáo dục phổ thông vào năm 2015

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” sau bốn năm thực hiện đã có chuyển biến đáng kể, góp phần từng bước đổi mới giáo dục. Trong khi chương trình dạy-học chưa được thay đổi thì cuộc vận động này đã đi đúng hướng, đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp giảng dạy góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đây chính là công cụ để tiếp nhận công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục phổ thông vào năm 2015.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng học sinh đã chuyển biến nhiều trong việc học và ngành giáo dục cần đẩy mạnh việc tự học, chủ động tự tìm tòi hơn của học sinh ở nhà trường. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu hệ thống các trường chuyên trên toàn quốc phải gắn kết với các trường ĐH-CĐ để thầy cô và học trò có môi trường học tập, nghiên cứu sinh động hơn.

Chống dạy thêm tràn lan, lạm thu trong nhà trường

Giám đốc Sở GD&ĐT năm TP lớn Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ phải quản lý bằng được việc dạy thêm, học thêm. Cấm thầy cô dạy thêm đại trà trong lớp học của mình. Việc dạy thêm theo chủ trương phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi.

Năm học mới, tích cực chống lạm thu trong nhà trường. Bộ ban hành quy định với nội dung không để nhà trường biến hội cha mẹ học sinh thành “cánh tay nối dài” để thu tiền của phụ huynh. Tùy tình hình địa phương, hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục, giám đốc Sở GD&ĐT sâu sát hơn trong việc quản lý các khoản thu đầu năm.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT PHẠM VŨ LUẬN

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm