Chen chân nộp hồ sơ xét tuyển đại học

Sáng 1-8, hơn 400 trường ĐH, CĐ cả nước bắt đầu chính thức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1. Thay vì đăng ký xét tuyển trực tuyến tại http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn và qua bưu điện (chuyển phát nhanh), nhiều thí sinh (TS) cho rằng nộp trực tiếp chắc ăn hơn.

Ùn tắc vì TS muốn đăng ký trực tiếp

Ngồi chờ con xếp hàng nộp hồ sơ trực tiếp tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ông Lê Văn Út cho biết cha con ông chở nhau bằng xe máy từ Tiền Giang lên đây từ 4 giờ sáng. Hỏi lý do tại sao không hướng dẫn con đăng ký nộp trực tuyến hoặc chuyển hồ sơ qua bưu điện, ông giãi bày do ở quê thiếu thông tin các ngành học nên cất công đến tận trường tìm hiểu để có quyết định đúng.

Ông Út cho hay điểm thi của con ông là 19, xét tuyển vào ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. “Khi tìm hiểu tôi mới biết điểm chuẩn của ngành này năm trước là 20,25 thuộc nhóm ngành có điểm cao nhất của trường. Con tôi bảo điểm thi năm nay không cao nên mới quả quyết nộp hồ sơ ngay ngày đầu tiên chứ không thăm dò thêm vài hôm nữa mới nộp. Buổi chiều, hai cha con sang một trường CĐ kỹ thuật nộp hai nguyện vọng còn lại rồi quay về” - phụ huynh này nói.

Thí sinh xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sáng 1-8. Ảnh: P.ĐIỀN

TS Đỗ Vân Anh (quê Lâm Đồng) cho biết đã có mặt tại TP.HCM từ ba ngày trước để tìm hiểu thông tin tuyển sinh tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM khá kỹ lưỡng từ chỉ tiêu tuyển sinh, điểm trúng tuyển và tiêu chí phụ. Dù có điểm thi (19) thấp hơn điểm chuẩn vào các ngành năm ngoái của Trường ĐH Kinh tế (23,25) nhưng TS này vẫn khá tự tin lập luận: “Điểm thi năm nay không cao, nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ hạ xuống nên em cứ mạnh dạn nộp vào ngành mình thích”.

Một chuyên gia về tuyển sinh nhận xét năm nay phần lớn các trường đều lấy mức điểm xét tuyển bằng sàn (15) hoặc 16. Đây chỉ là điều kiện cần để nộp hồ sơ, còn điểm trúng tuyển là điểm lấy từ trên cao xuống tương ứng với chỉ tiêu đã công bố. Do vậy, nhiều phụ huynh lo ngại không nắm kỹ thông tin vì có thể có nhiều ngành điểm trúng tuyển sẽ cao hơn điểm sàn xét tuyển nhiều.

Đáng lưu ý, tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ngay từ sáng sớm cả ngàn phụ huynh và TS đã xếp hàng chờ đăng ký xét tuyển trực tiếp. Tuy nhiên, mãi đến gần 10 giờ, sau khi nhà trường công bố điểm sàn thì phụ huynh mới nhận được thông báo là trường chỉ hỗ trợ đăng ký… online.

Tham khảo nhiều, nộp ít

PGS-Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, thông tin buổi sáng có khoảng 800 hồ sơ TS nộp trực tiếp tại trường và 300 TS đăng ký xét tuyển trực tuyến, trong đó có nhiều hồ sơ trùng với hồ sơ TS nộp trực tiếp. Tuy nhiên, từ trưa và chiều, số TS, phụ huynh đến tư vấn, nộp hồ sơ giảm dần.

ThS Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết tuy ngày đầu số TS, phụ huynh đến trường tìm hiểu thông tin khá nhiều nhưng số chính thức đăng ký xét tuyển còn khiêm tốn. Cụ thể trong ngày trường đã nhận khoảng 350 hồ sơ xét tuyển, trong đó có 150 hồ sơ đăng ký trực tuyến, 200 hồ sơ nộp trực tiếp tại trường so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh bậc ĐH là 2.500 và 500 bậc CĐ.

Theo ông Sơn, đa phần phụ huynh, TS khi tư vấn đều bày tỏ tâm trạng lo lắng khi nộp hồ sơ online, qua bưu điện bị nhầm lẫn nên đến tận trường để nghe tư vấn, nhận phiếu đăng ký xét tuyển sau đó sẽ nộp. Cá biệt có bốn phụ huynh tại Sóc Trăng đã thuê một chuyến xe lên tận trường để tìm hiểu thông tin tuyển sinh, cách thức nộp hồ sơ xét tuyển.

Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho hay ngày đầu tiên trường nhận hơn 600 hồ sơ xét tuyển, trong đó 250 hồ sơ dựa trên kết quả thi THTP và 350 hồ sơ dựa theo kết quả học bạ THPT lớp 12. Trong khi đó, năm nay chỉ tiêu của trường này khá dồi dào với tổng chỉ tiêu các ngành là 6.300, trong đó ĐH là 4.800 chỉ tiêu, CĐ 700 và ĐH liên thông 800.

Nhiều trường không thu lệ phí xét tuyển

Tiến sĩ Trần Thế Hoàng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết năm nay trường không thu tiền của TS đăng ký xét tuyển. Trường chỉ thu (30.000 đồng/hồ sơ) sau khi TS trúng tuyển vào trường. Còn PGS-Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng thông tin Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM sẽ miễn lệ phí xét tuyển đối với TS ở khu vực 1 và khu vực 2 nông thôn do di chuyển khó khăn.

Tương tự, ĐH Đà Nẵng cũng quyết định miễn lệ phí đăng ký xét tuyển vào nhóm ĐH Đà Nẵng đối với TS có hộ khẩu thường trú tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Việc này nhằm giảm bớt gánh nặng, chia sẻ một phần khó khăn với TS thuộc bốn tỉnh bị ảnh hưởng do tác động của ô nhiễm môi trường biển vừa qua.

________________________________

PGS-Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, lưu ý: Năm nay môn toán và tiếng Anh khó hơn nên phổ điểm thấp nhưng điểm trúng tuyển tổ hợp có các môn này có thể cao . Do vậy, với các trường năm ngoái có điểm chuẩn từ 19 trở lên thì TS phải thận trọng, không thể dựa vào mức điểm sàn 15. Đặc biệt năm nay TS không được rút hồ sơ, không được đổi nguyện vọng nên khi đã đặt bút đăng ký là không còn cơ hội sửa chữa. Đến 14 giờ chiều 1-8, trường có khoảng 1.500 TS đăng ký xét tuyển vào trường. TS đăng ký thoải mái, không phải chờ đợi hoặc nghẽn mạng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm