‘Chinh phục vũ môn’: Thi kiến thức hóa ra game online

Trên trang web chinhphucvumon.vn tại thời điểm chiều 9-12, riêng cuộc thi lần 3 (năm học 2016-2017) tuần thứ 10 đã có hơn 824.000 thí sinh trên toàn quốc đăng ký tham gia. TP.HCM là địa phương dẫn đầu tốp học sinh (HS) đăng ký nhiều nhất: Hơn 92.000 em, kế tiếp là tỉnh Nghệ An với hơn 74.000 em.

Mập mờ giữa cuộc thi và game online

Trước đó, ngày 8-12, anh Trần Trọng An, một phụ huynh có con đang học lớp 5 ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), đã viết “tâm thư” gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ thông qua mạng Facebook. Trong thư anh An vô cùng lo lắng trước việc bộ này cổ súy cho HS, đặc biệt là HS tiểu học, chơi game online thông qua cuộc thi “Chinh phục vũ môn”.

Theo anh An, việc này sẽ ảnh hưởng tới con trẻ bởi trong đó có nhiều game mang tính bạo lực và yêu cầu phải nạp thẻ cào với mệnh giá từ 10.000 đồng đến 300.000 đồng. Cũng theo phụ huynh này, “Chinh phục vũ môn” thực chất là game online, trên đó có nạp thẻ cào, có mua đồ.

“Cuộc thi chỉ là một phần rất nhỏ được “nhúng” trong một hệ sinh thái về game của EGroup. Egame đã ngụy biện khi gọi game này là cuộc thi như bao cuộc thi khác. Ngụy biện nữa là cổng cuộc thi và cổng game không tách bạch, không rõ ràng” - anh An cho biết.

Phụ huynh Trịnh Thu Phương cũng lên tiếng: “Con của bạn mình đang học lớp 8 cũng đang khổ sở với chương trình này. Nghe nói được Hội đồng Đội Trung ương đồng tổ chức. Trên trang chủ của ban tổ chức cuộc thi còn ra thông báo số 2 biểu dương các trường có đông HS tham gia, yêu cầu các trường ít HS tham gia phải tăng cường vận động tuyên truyền”.

Trong khi đó, một phụ huynh nickname là Tuan AASC thì thắc mắc: “Thử đặt phép tính với số HS từ lớp 3 đến lớp 9 là 7.000.000 HS x 300.000 đồng (thẻ cào) = 2.100 tỉ đồng. Điều này khó có thể ngăn các phụ huynh suy nghĩ mang hơi hướng kim tiền, chưa kể những tác dụng tiêu cực hay hệ lụy từ trò chơi này mang lại”.

Các bậc phụ huynh lo lắng đến sức khỏe và việc học tập của các em học sinh khi tham gia chơi game “Chinh phục vũ môn”. Ảnh: HTD

Chơi nhiều hơn học

Đem những thắc mắc trên đi hỏi Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egame, ông Phạm Ngọc Thập, Phó Tổng Giám đốc công ty này, cho biết đây là trò chơi trực tuyến giáo dục đã được Bộ TT&TT cấp phép và hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, nếu học sinh tham gia ở một số phần ngoài thi như phần bổ trợ, nâng cao với các bài học hay hoạt động giải trí… thì phải nạp thẻ.

“Chương trình này chúng tôi triển khai ba năm nay, là cuộc thi mang tính phong trào chứ không bắt buộc. Trang web cuộc thi “Chinh phục vũ môn” khác với trang web chơi game “Chinh phục vũ môn”. Hai cổng này hoàn toàn khác nhau” - vị này giải thích.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, thực tế lại khác. Chị BTT, có con học Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (quận 8, TP.HCM), cho biết con chị tham gia cuộc thi này hai tuần nay, mỗi tuần thi một lần. “Thế nhưng con tôi vào trang này để chơi trò chơi rất nhiều lần. Lúc trường mới phát động thấy cuộc thi cũng hay nên tôi cho con tham gia nhưng sau đó thấy con ngồi máy tính cả tiếng đồng hồ mới biết con chơi game trong đó chứ không phải thi thì rất lo lắng” - chị T. nói.

Thầy Phan Thanh Phương, Tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM), cho hay trường phát động cuộc thi này từ đầu năm học đến nay có hơn 100 em tham gia. Theo thầy Phương, đây là hoạt động tốt, phục vụ việc học tập và tạo sự thích thú cho các em. Nhưng vì trong giao diện này lồng ghép cả game miễn phí và game nạp tiền để các em chơi nên có một số phụ huynh than phiền về việc con chơi trong đó nhiều hơn học, tốn thời gian. Trường không đủ sức để kiểm soát được.

Được biết cuộc thi “Chinh phục vũ môn” được khởi động từ năm học 2014-2015 dựa trên kế hoạch phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và Trung ương Đoàn về việc “tổ chức các hoạt động giáo dục, hướng dẫn cách sử dụng, khai thác thông tin trên Internet cho thanh thiếu niên trong trường học”. Từ hiệu quả của cuộc thi lần thứ nhất, theo đề xuất của Trung ương Đoàn, Bộ GD&ĐT đã thống nhất phối hợp với Trung ương Đoàn và Egroup tổ chức cuộc thi lần thứ II (2015-2016) và lần thứ III (2016-2017).

Cuộc thi có nhiều bất ổn

Theo tôi, cuộc thi “Chinh phục vũ môn” là chủ trương tốt, cố gắng lớn của nhà tổ chức để tạo sân chơi bổ ích đến các em HS. Tuy nhiên, cách triển khai cũng bộc lộ một số khuyết điểm.

Thứ nhất, hai năm đầu triển khai thì đối tượng là HS THCS. Đây là lứa tuổi phù hợp vì các em đã biết tự giác, ý thức tự chủ rất lớn. Nhưng năm nay mở rộng đối tượng xuống lớp 3, 4, 5 là không ổn vì ở tuổi này để các em tiếp xúc công nghệ sớm rất không tốt, sức khỏe và tâm lý chưa ổn định để hiểu được mục đích, ý nghĩa của hoạt động.

Thứ hai, có sự nhập nhằng giữa cuộc thi “Chinh phục vũ môn” và game “Chinh phục vũ môn” trong cùng một cổng thông tin nhưng người tổ chức lại không truyền thông rõ khiến phụ huynh bất an. Đã là game online thì dù hoạt động có mang tính giáo dục đến đâu, trong một phút thiếu kiểm soát vẫn dễ khiến các em nghiện game như thường nếu thiếu sự đồng hành và kiểm soát từ người lớn.

Thứ ba, bản thân nhà tổ chức cũng đã tính toán việc duy trì lợi nhuận bằng cách thu lợi từ những cái rất nhỏ là không phù hợp. Cụ thể như mua đồ vật để giúp nhân vật trở nên đẹp hơn, một số bài giảng, thi thử… đều tính phí bằng cách nạp tiền điện thoại. Chính cách khai thác lợi nhuận này dù là nhỏ nhưng đã gây sự bất ổn khi các em phải tốn chi phí cho những thứ trên mạng. Vì thế, nếu thực sự vì giáo dục, nhà tổ chức nên vận dụng thu hút nguồn tài trợ xã hội hóa khác, với các em thì miễn phí hoàn toàn sẽ phù hợp hơn.

Ông LƯƠNG DŨNG NHÂN, Phó Giám đốc huấn luyện Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ châu Á-Thái Bình Dương, TP.HCM

__________________________________

Bộ GD&ĐT đề nghị tạm dừng cuộc thi

Chiều 9-12, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã ký công văn gửi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề nghị tạm dừng cuộc thi này.

“Theo phản ánh của một số phụ huynh và báo chí, trong thời gian gần đây, cuộc thi đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về đối tượng tham gia dự thi, về công tác tuyên truyền, về tổ chức giám sát hoạt động thi tại các trường học... làm cho các bậc phụ huynh lo lắng đến sức khỏe và việc học tập của các em học sinh” - bà Nghĩa cho biết.

Từ thực tế trên, Bộ GD&ĐT đề nghị Trung ương Đoàn trước mắt tạm dừng tổ chức cuộc thi “Chinh phục vũ môn”; phối hợp với Bộ GD&ĐT tiến hành kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan đến cuộc thi mà dư luận đang quan tâm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm