Chọn trường ở Singapore

Có không ít du học sinh Việt ở Singapore thành công nhưng cũng không thiếu trường hợp thất bại. Việc đầu tiên là phải chọn đúng trường có chất lượng.

Singapore đang muốn trở thành trung tâm giáo dục của khu vực cũng như thế giới, đồng thời biến ngành này thành một lực đẩy tăng trưởng. Vì lẽ đó các loại hình trường lớp ở đây khá đa dạng, thậm chí phức tạp. Xin nêu ra đây một vài gợi ý về việc chọn trường để những ai có ý định du học ở đảo quốc này tham khảo.

Nhiều đường đến đại học

Nhìn chung, học sinh Singapore có khá nhiều con đường để lựa chọn sau khi hoàn thành sáu năm tiểu học. Phổ biến nhất là học tiếp bốn hay năm năm trung học cơ sở để lấy bằng O Level hoặc N Level, rồi tùy vào kết quả mà học tiếp trung học phổ thông (junior college) để lấy bằng A Level hay vào các trường dạy nghề (polytechnic). Những năm gần đây, một số trường cho phép học sinh giỏi học liên thông ở bậc trung học và lấy luôn bằng A Level hay IB sau sáu năm mà không thi O Level. Học sinh trung học phổ thông và trường nghề đều có cơ hội được học đại học nếu đáp ứng yêu cầu xét tuyển. Cần nói thêm rằng một số trung tâm tư vấn du học ở Việt Nam dịch polytechnic là trường bách khoa, có thể gây hiểu nhầm rằng đây là những cơ sở đào tạo ĐH như ĐH Bách khoa TP.HCM hay ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ở bậc ĐH, các trường National University of Singapore, Nanyang Technological University và Singapore Management University là những lựa chọn đáng tin cậy, đã tạo được uy tín trong giảng dạy và nghiên cứu. Ngoài ra có thể kể đến những trường mới thành lập như Singapore University of Technology and Design, cũng như một số trường tư được phép đào tạo và cấp bằng ĐH (trong đó có SIM University, một cái tên khá quen thuộc với những người có ý định du học Singapore).

Chọn trường ở Singapore ảnh 1

Sinh viên Trường SIM Singapore trong lễ nhận bằng tốt nghiệp. Ảnh: AK

Trường tư, cẩn thận

Rắc rối nảy sinh khi học sinh không được nhận vào những trường này nhưng vẫn muốn du học (vì nhiều lý do, chẳng hạn như để mở rộng tầm nhìn, trau dồi ngoại ngữ,…). Khi đó, các trường tư ít nổi tiếng hơn sẽ là những lựa chọn tương đối vừa tầm. Tuy nhiên, chọn một trường tư thích hợp là điều không hề đơn giản. Rất may là chúng ta có thể tham khảo trang web của Hội đồng Giáo dục tư thục Singapore (Council for Private Education, gọi tắt là CPE) để nắm bắt một số thông tin quan trọng (www.cpe.gov.sg).

Mục dành cho học sinh quốc tế của trang web này có một số lời khuyên về cách chọn trường tư. Theo đó, học sinh nên chọn các trường đã đăng ký với CPE và có các bộ phận học vụ, khảo thí. Một điểm đáng chú ý là theo quy định, trường tư chỉ được quảng cáo là “đã đăng ký (registered) với CPE” (nếu đúng thế thật). Những tuyên bố như “đã được CPE giám định chất lượng (approved, accredited or endorsed)” đều bị xem là sai lệch, gây hiểu nhầm. Một số vấn đề cần xem xét khi tìm hiểu về một trường tư hay một khóa học là:

- Nếu trường tuyên bố đã được giám định, nó có đưa ra bằng chứng để củng cố khẳng định này hay không?

- Công tác khảo thí của trường có tốt không? Thời gian học có quá ngắn so với bình thường hay không?

- Trường có địa chỉ rõ ràng không, hay chỉ có số điện thoại, email hoặc địa chỉ hộp thư?

- Có thể đặt mua bằng hoặc nhận bằng do trường cấp chỉ dựa trên kinh nghiệm làm việc hay không? Nếu có, cần nghĩ tới khả năng trường tư này là một hãng sản xuất bằng dỏm (diploma mill).

Có chứng nhận chỉ là một yếu tố

Để được nhận học sinh quốc tế, trường tư ở Singapore phải có chứng nhận EduTrust. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng EduTrust chỉ đánh giá quy trình hoạt động của một trường (chẳng hạn như quy trình quản lý tài chính và tuyển chọn giáo viên) để xem chúng có khả năng tạo ra những khóa học có chất lượng hay không. Chứng nhận này không nhằm mục đích kiểm tra và giám định nội dung, chất lượng từng khóa học cụ thể.

Hiện nay Singapore không có một cơ quan phụ trách việc xem xét và công nhận văn bằng, chứng chỉ do trường tư cấp. Việc chấp nhận một văn bằng nào đó hay không là quyết định của nhà tuyển dụng hoặc các trường ở những bậc học cao hơn. Vì vậy phụ huynh và học sinh cần hết sức cẩn trọng với những trường cấp bằng dễ dãi, vốn sẽ khó được đánh giá cao.

Dĩ nhiên, ngay cả khi một trường tư đã được giám định thì cũng chưa chắc chất lượng giáo dục tại đó đã như mong đợi. Tốt nhất là phụ huynh hãy tìm cách liên lạc với những cựu học sinh Việt Nam tại các trường này, tìm hiểu kinh nghiệm thực tế của các em để hiểu thêm về những mặt được và mất của mỗi trường. Qua đó có thể chúng ta sẽ biết thêm những góc nhìn thú vị, khó thể tìm thấy ngay cả trong các báo cáo giám định chi tiết nhất.

Những định chế bảo vệ du học sinh

Từ ngày 1-12-2004, chính phủ Singapore đưa ra quy định mới. Các quy định này xuất phát từ tình trạng nhiều du học sinh gặp rắc rối trong việc bồi hoàn học phí khi họ cho rằng chất lượng giảng dạy của trường mình học không phù hợp.

Do đó, chính phủ Singapore yêu cầu các tổ chức giáo dục tư nhân (PEO) có sinh viên nước ngoài phải tham gia chương trình bảo vệ sinh viên (Student Protection Scheme - SPS) do Casetrust - một chương trình trực thuộc Hiệp hội Người tiêu dùng Singapore (CASE) - quản lý.

Để đạt chuẩn SPS, các PEO phải tuân thủ một trong hai quy định sau:

- Chuyển học phí do du học sinh đóng vào tài khoản riêng ở các ngân hàng do Casetrust chỉ định. Các ngân hàng này sẽ trả lại tiền dần dần theo kỳ hạn cho các PEO. Nói một cách đơn giản, học phí mà du học sinh nộp được cất riêng một chỗ do một tổ chức khác quản lý chứ không để cho các PEO muốn chi vào việc gì cũng được. Cách này đảm bảo rằng nếu PEO ngưng hoạt động hoặc du học sinh muốn bồi hoàn học phí thì học phí vẫn còn đó để hoàn trả.

- Tham gia bảo hiểm học phí: Bảo hiểm này sẽ hoàn trả học phí cho du học sinh trong trường hợp các PEO ngưng hoạt động, không thể bồi hoàn học phí, hoặc trả tiền phạt do tòa án Singapore quy định cho du học sinh, hoặc trường hợp du học sinh chết hay thương tật hoàn toàn vĩnh viễn.

VÕ VĂN HÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm