Chúng tôi sẵn sàng để sinh viên đánh giá

Ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng ĐH KH XH&NV TP HCM:

Ông Võ Văn Sen - Ảnh T.NTôi tán thành với chủ trương lấy ý kiến sinh viên về giảng viên. Tôi đã có thực tế khi dạy ở Nhật. Kết thúc môn học, giảng viên ra khỏi lớp, sinh viên có 1 tiết để điền vào phiếu nhận xét, chuyển lên ban lãnh đạo trường. Giảng viên sẽ nhận kết quả nhận xét để tham khảo, nhìn lại cách truyền giảng của mình và cải tiến, nếu thấy cần thiết. Khi giảng viên tự thấy mình "có vấn đề" như đa số sinh viên đánh giá, có thể sẽ không được trường mời dạy tiếp.

Tháng 7 vừa qua, ĐH KH XH&NV TP HCM đã tiến hành lấy ý kiến đánh giá toàn khóa học cho sinh viên năm cuối của 16 ngành. Sắp tới trường sẽ gửi kết quả tới các khoa, ngành để tham khảo.

Phiếu đánh giá phải làm một cách khoa học, nên tham khảo mẫu của một số nước. Nội dung chú trọng vào kiến thức, phương thức truyền giảng và đạo đức giảng viên trong quan hệ thày - trò, tôn trọng đời tư của họ. Quá trình xử lý kết quả cần đảm bảo tính khách quan, đúng mực, gửi đến từng giảng viên. Lãnh đạo có thể gặp gỡ trực tiếp, trao đổi thẳng thắn với giảng viên về vấn đề chưa tốt mà nhiều sinh viên nêu ra.

Việc đóng góp ý kiến về giảng viên thực chất là văn hóa phê bình và tự phê bình. Có thể thời gian đầu, sinh viên và giảng viên còn e ngại nhưng sẽ nhanh chóng quen. Đây là kênh tham khảo cần thiết, góp phần giúp giảng viên và trường nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời giúp sinh viên phát huy tính dân chủ, tự chủ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Hùng - Ảnh T.DViệc sinh viên đánh giá giảng viên là quá trình dân chủ hóa trường học về mọi mặt. Nhưng theo tôi, phải nâng cao được nhận thức, trách nhiệm cũng như ý thức của người đánh giá, tránh sự tác động của những yếu tố không tích cực. Trong quá trình giảng dạy, những giáo viên nghiêm khắc có thể không nhận được những đánh giá tích cực.

Đào tạo tín chỉ giúp nâng cao vai trò của sinh viên, giúp họ trở thành trung tâm của nhà trường. Nhưng việc tiến hành đánh giá cũng cần phải có lộ trình. Trường Xây dựng cũng đã tính tới phương án cho sinh viên đánh giá nhưng chắc chắn năm học này chưa làm ngay được.

Để đánh giá giảng viên, chúng ta phải dựa trên những tiêu chuẩn cơ bản của người thày như kiến thức, phương pháp giảng dạy, quan hệ với học trò... Sau khi có nhận xét của sinh viên, tập thể gồm những người có trách nhiệm sẽ tiến hành đánh giá.

Tôi cho rằng, sinh viên không nên ngại khi lo sợ bị giáo viên làm khó dễ vì một giáo viên có tư cách và trình độ sẽ luôn tiếp nhận việc đánh giá của sinh viên như một quá trình hoàn thiện mình. Nếu đánh giá cách giảng dạy, thông tin đưa vào bài giảng... thì sẽ chẳng giáo viên nào phản đối.

Ông Hoàng Văn Điện, Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội

Ông Hoàng Văn Điện - Ảnh T.DNếu Bộ GD&ĐT chủ trương cho sinh viên đánh giá thày thì trường sẽ thực hiện. Tôi nghĩ việc này sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo. Trường sẽ xây dựng tiêu chí đánh giá về trình độ, phương pháp sư phạm, tinh thần trách nhiệm, đạo đức người thày...

Trường có cách làm riêng nên sinh viên không ngại việc bị thày "trù dập" nếu đánh giá đúng khiến thày không hài lòng. Nếu chủ trương mới ra, tuyên truyền chưa kỹ thì chất lượng đánh giá sẽ chưa tốt. Do vậy cần phải làm từng bước, không nên đốt cháy giai đoạn.

Sắp tới, Bộ cần đưa ra lộ trình cụ thể cho việc đánh giá này. Bên cạnh đó, cần phải làm sao để thu hút sinh viên đánh giá khách quan bởi nếu đánh giá sai lệch thì kết quả sẽ không tốt, không đem lại hiệu quả mong muốn.

Ông Đỗ Duy Truyền, Hiệu phó ĐH Hà Nội

Từ lâu trường đã muốn thông qua ý kiến của sinh viên để hiểu thêm về đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, việc này chưa thực hiện được do chúng tôi không biết việc làm đó có nhận được sự đồng thuận của giảng viên hay không. Khi nó chưa trở thành chủ trương chung của Bộ mà trường lại tự tổ chức lấy ý kiến thì có thể sẽ trở nên lạc lõng.

Nếu tiến hành, trường sẽ đánh giá giảng viên dựa theo tiêu chí năng lực chuyên môn, phương pháp sư phạm, đạo đức nhà giáo... Một khi đã trở thành chủ trương thì giáo viên sẽ không dám chống lại. Do vậy, sinh viên đánh giá không sợ bị giáo viên "thù".

Trong năm qua, trường đã từng đình chỉ giảng dạy một giảng viên một năm vì đạo đức nghề nghiệp. Nhưng nhờ cố gắng phấn đấu tốt, người này đã được trở lại trường.

Giảng viên Nguyễn Thanh Tuấn, ĐH KH XH&NV TP HCM

GV Nguyễn Thanh Tuấn - Ảnh T.NPhiếu góp ý của sinh viên sẽ giúp giảng viên trẻ có điều kiện nhìn lại mình và hoàn thiện để thành một giảng viên tốt, chuyên môn vững vàng. Nhờ ý kiến của học sinh và đồng nghiệp, tôi đã khắc phục được tính không mạnh dạn, nói không hết ý, từng mắc phải khi mới ra trường.

Là người trực tiếp giảng dạy, nếu "bị" sinh viên nhìn nhận không tốt, ban đầu có thể tôi hơi khó chịu và buồn. Nhưng tôi sẽ xem xét lại, sinh viên nhìn mình từ góc độ nào, phần nào mình còn thiếu sót, chưa phát huy được, chắc chắn cần thay đổi.

Ý kiến của sinh viên cũng mang lại hiệu quả tích cực với một số giảng viên lâu năm, nhiều kinh nghiệm song phương pháp truyền giảng còn lạc hậu, nặng về giáo điều. Đại học nhiều nước đang đầu tư vào nước ta sẽ mang theo những phương thức giảng dạy mới mẻ, hiện đại và sinh viên sẽ đối chiếu, đòi hỏi cao hơn đối với thày cô của mình. Qua nhận xét, góp ý của sinh viên, giảng viên sẽ phải cải tiến phương pháp giảng dạy để có hiệu quả cao nhất.

Giảng viên Nguyễn Văn Báu, ĐH KH XH&NV TP HCM

GV Nguyễn Văn Báu - Ảnh T.NViệc nhận xét, góp ý giảng viên chưa phổ biến ở các ĐH công lập nhưng nhiều trường dân lập đã làm. Đây là một trong những căn cứ để các đơn vị này thăm dò tâm tư, nguyện vọng sinh viên và xếp loại giảng viên.

Sinh viên nhận xét, nêu nguyện vọng về thày cô chính là cách họ bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Vì họ bỏ chi phí và công sức trên giảng đường nên phải được góp ý để thày cô hoàn thiện kiến thức, chuyên môn và có cách giảng dạy tốt nhất.

Theo tôi, nội dung bảng lấy ý kiến sinh viên nên tập trung về chuyên môn và quan hệ thày - trò trên giảng đường, không nên đi sâu vào nhân cách, đời tư giảng viên. Vì không ai hoàn thiện và mỗi người đều có xuất xứ văn hóa vùng miền khác nhau, ít nhiều thể hiện qua thói quen ngôn ngữ, sinh hoạt, hành vi khác nhau. Nhà trường nên coi đây là một trong nhiều kênh để đánh giá giảng viên, hạn chế mặt yếu và phát huy hơn mặt mạnh của họ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long:

Ông Bành Tiến Long - Ảnh H.HThày và trò là 2 chủ thể trong quá trình dạy và học. Ở bậc ĐH, CĐ sinh viên tự giác cao trong quá trình học, còn thày thường xuyên tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá trò. Sinh viên có vai trò phản hồi nên thày phải biết được đánh giá của trò về quá trình dạy, phong thái sư phạm...

Nếu sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo thì việc đánh giá giảng viên là quá trình công bằng. Đây là việc làm dân chủ trong nhà trường. Hiện nhiều nước đã thực hiện việc này. Ở nước ta, đã có những trường làm và thu được kết quả rất tốt. Nếu 70% sinh viên đánh giá không tốt về giảng viên thì thày phải xem xét lại mình và có thể phải đi đào tạo lại.

Trong hội nghị các ĐH, CĐ, Bộ đã thông báo chủ trương này và được các hiệu trưởng nhất trí. Sắp tới, Vụ ĐH và sau ĐH sẽ tham mưu giúp các trường triển khai việc đánh giá.

Tiến Dũng - Lương Nga <EM>(Theo VnExpress)</EM>&nbsp;

Chia sẻ lên LinkHay.com Email In [+]Cỡ chữ[-]
Thăm dò ý kiến
  • Theo bạn, vụ học sinh quay clip tiêu cực trong phòng thi tại Bắc Giang nên:
  • Khen thưởng xứng đáng
  • Vừa khen thưởng vừa kỷ luật
  • Kỷ luật
  • Bỏ qua vì vi phạm nhưng nhằm mục đích tốt
  • Ý kiến khác
Chúng tôi sẵn sàng để sinh viên đánh giá ảnh 11 Chúng tôi sẵn sàng để sinh viên đánh giá ảnh 12

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm