Người thầy của tôi:

Con vẫn nợ thầy một lời tri ân…

Tôi biết thầy khi học chuyên ngành báo in-xuất bản. Thầy là giáo viên thỉnh giảng của khoa, đảm nhiệm bộ môn nhập môn xuất bản. Thầy cao, vóc người vừa. Đến lớp, thầy cứ bình dân với quần tây, sơ mi gài kín cổ. Giọng trầm trầm, nước da ngăm đen, vẻ quắc thước trên gương mặt hiền như “ông Bụt” cứ khiến lũ sinh viên chúng tôi nhớ mãi…

Nhập môn xuất bản, cái tên nghe đến đã thấy khô khan. Buổi đầu tiên, đám bạn tôi đứa nào cũng chắc mẩm sẽ được nghe những bản báo cáo dài ngoằng về tình hình xuất bản trong và ngoài nước. Bước chân vào lớp, thấy ông thầy già ngồi trên bàn thì tụi nó càng chắc chắn là “sẽ được gây mê không hồi sức”. Nhưng không, chưa bao giờ tôi thấy lũ bạn cùng lớp say sưa đến quên giờ giấc khi nghe thầy giảng, cũng chưa bao giờ thấy tụi nó hào hứng và cười khoái chí như vậy. Sau buổi học đầu tiên, đám sinh viên chúng tôi quay ngược lại mê mẩn thầy.

Học môn thầy, chẳng đứa nào có tài liệu để ôn tập. Thầy kể, trò say sưa nghe, nắm bài cũng nhanh hơn từ những câu chuyện thực tế của thầy. Tình hình xuất bản sách và văn hóa đọc ở mỗi nước hiện lên thú vị qua những so sánh và gợi mở trong câu chuyện của thầy, mỗi đứa “lượm lặt” cho mình đầy túi những cảm nhận riêng từ câu chuyện của thầy về những khung trời mà thầy đưa chúng tôi đến bằng sự nhiệt thành nhất. Thầy thường ngắt quãng khi giảng bài, đôi mắt mơ màng về một thời rồi lại say sưa giảng, bọn sinh viên ngày đó lại càng hứng khởi lắng tai nghe.

 Bìa một "cuốn sách" mà lũ sinh viên chúng tôi đã được "xuất bản"

Học với thầy, chẳng bao giờ thầy cho kiểm tra mớ lý thuyết vòng vèo về xuất bản. Số liệu thì cứ nằm yên trên xấp tài liệu kẹp trong vở. “Số liệu là công việc của nhà thống kê, mỗi năm mỗi khác nên không thể ép các em nhớ được, năm nay rồi năm sau sẽ có thay đổi. Các trò không tự cập nhật là lỗi thời mất rồi” - thầy nói. Đề kiểm tra cuối kỳ của thầy là “Hãy xuất bản một cuốn sách”. Cả lớp ngơ ngác nhưng đứa nào cũng thấy khoái, thích thú vì tự tay mình xuất bản một cuốn sách, nghe nó oách oách sao đó.

Rồi mỗi nhóm 10 sinh viên, kẻ viết bài, người biên tập, đứa thì lo phụ trách dàn trang, thiết kế bìa sách rồi viết lời ngỏ, in ấn, sửa morat… Từng công đoạn của quy trình sản xuất sách thật mới mẻ khiến chúng tôi mê mẩn. Thầy quăng chúng tôi vào môi trường đó để tự hiểu và tự rút ra bài học.

Và thầy đã đúng. Còn nhớ hôm cái Hiền - nhóm trưởng cầm trên tay cuốn sách còn thơm mùi mực in, đám chúng tôi nháo nhào lên chuyền tay nhau, lật từng trang sách do chính mình biên tập từng chữ, chỉnh sửa từng lỗi chính tả… Có đứa còn vỗ đùi cười giòn tan: “Thích quá bây, đời tao cũng làm được một cuốn sách như ai nè”.

Những sinh viên năm hai đang tập tành viết lách như được một cú hích động viên. Và chẳng ai bảo ai, tất cả đều dành một sự trân quý đặc biệt cho sách và tập thể những người đã âm thầm thai nghén nên chúng. Rồi đứa nào cũng ghét bọn in sách giả ghê gớm. Bởi đơn giản, thầy cho chúng tôi cơ hội được nhúng mình vào một quy trình sản xuất như thế, dù quy mô nhỏ thôi nhưng vừa đủ.

Thầy đi nhiều, trải nghiệm nhiều nên từng câu chuyện thầy kể mở ra trước mắt chúng tôi nhiều chân trời mới. Với lũ học báo chúng tôi ngày ấy, bài học thầy thường nhắc đi nhắc lại là sự cẩn trọng trong câu chữ, không hiểu rõ từ nào thì hãy lật từ điển ra tra. Thầy kể, người Đức có thói quen để một cuốn từ điển trong nhà, từ nào không hiểu thì lật ngay để tra. “Đó là thói quen mà người làm báo cần có, trách nhiệm trước hết là phải rõ ràng với chính bản thảo và câu chữ của mình trước khi chuyển thông tin đó đến bạn đọc” - tôi còn nhớ như in lời dạy của thầy. Sau hôm đó, vài đứa bạn cùng nhóm hỏi tôi về việc nên mua từ điển nào, nhà xuất bản nào rồi chạy ra nhà sách mang về đặt trên bàn một cuốn từ điển tiếng Việt!

Bài học thứ hai mà chúng tôi được thầy nhắc đi nhắc lại là phải trau dồi ngoại ngữ. “Phải có ngoại ngữ thì các em mới có cơ hội học hỏi và hoàn thiện mình được. Làm gì thì làm, hãy học ngoại ngữ thật tốt cho thầy” - thầy dặn dò.

Không chỉ riêng việc học, chuyện đời sống hay những vấn đề nhỏ nhặt nhất thầy cũng có thể “tám” cùng sinh viên chúng tôi. Thầy hơn chúng tôi nhiều tuổi nhưng mà thầy trẻ, trẻ lắm, trẻ về cách nghĩ, cả về khát khao sống của thầy!

Nghe mấy đứa lớp báo in kể về thầy, nhiều cô bạn bên lớp báo điện tử tò mò vào học lén để được nghe thầy giảng. Cô bạn học báo điện tử đến lớp cùng tôi hôm đó cứ bảo sao lớp báo in được học thầy thích quá, bao nhiêu chuyện hay được thầy kể cho nghe, rồi cả cái cách mà thầy truyền đạt nữa. Tụi học báo điện tử cũng mê thầy tít thò lò, những buổi học sau lại đi học lén cùng chúng tôi.

Thầy cùng chúng tôi đi hết hơn 45 tín chỉ của bộ môn. Chúng tôi chia tay thầy từ đó…

Và rồi, chúng tôi nhận hung tin thầy mất. Đến thắp cho thầy nén nhang, đứa nào cũng rưng rưng nước mắt. Hình ảnh thầy ở đó nhưng không thể đứng trên bục giảng để truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò sau chúng tôi.

Tôi vẫn giữ thói quen tìm tên của thầy sau mỗi cuốn sách của NXB Trẻ. “Chịu trách nhiệm nội dung: Nguyễn Thế Truật” - đọc dòng chữ đó, tôi cảm giác thầy vẫn đồng hành cùng chúng tôi, trên chuyến hành trình đi đến đích của cuộc đời này.

Thầy tôi là Nguyễn Thế Truật - Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ TP.HCM.

Thầy đã ra đi mãi mãi nhưng thầy vẫn chưa nghe rõ điều mà chúng tôi vẫn chưa kịp nói với thầy… Ngày đó, có cô sinh viên nhỏ đã thầm viết vào tập vở của mình dòng chữ: “Một ngày nào đó, con sẽ trở lại gặp thầy trong tâm thế của một con người tử tế nhất!”. Dòng chữ đó, chưa kịp nói với thầy, ngày trở lại của cô sinh viên còn chưa đến, mà thầy thì đã mãi đi xa…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm