'Cửa hàng' đồng giá 5.000 đồng của học sinh khiếm thị

Cửa hàng này sẽ được mở vào 9 giờ sáng thứ Tư hằng tuần trong giờ ra chơi để bán những sản phẩm do chính các em mua nguyên liệu và làm ra. Như sáng nay, các em làm được 50 ly nước sâm, 100 hộp bánh flan, 100 hộp sữa chua. Đây là ba món cố định sẽ bán hằng tuần. Ngoài ra, tùy theo điều kiện từng tuần, các em sẽ làm thêm các sản phẩm để bán như dưa muối cải chua, bánh nướng, bắp xào, dưa giá, rau mầm,... Tất cả đều đồng giá 5.000 đồng/sản phẩm. Các em còn tự tay đi mua thêm một số sản phẩm bên ngoài để về đóng gói lại và bán cho mọi người.

“Cửa hàng” mới khai trương nhưng đã thu hút khá nhiều “khách hàng” ghé mua. 

“Khách hàng” chủ yếu là các học sinh, giáo viên, nhân viên, phụ huynh trong trường và các mạnh thường quân biết đến để mua cho các em.

Cô Nguyễn Thị Quế Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay đây là ý tưởng lần đầu tiên nhà trường thực hiện cho các em vì đây đều là những em khuyết tật diện đa tật nhẹ (khiếm thị, chậm phát triển…), từ 15 đến 21 tuổi. Các em không học được các môn văn hóa bình thường mà phải học chương trình chuyển tiếp của đa tật do nhóm giáo viên trong trường biên soạn riêng, chủ yếu về những kiến thức và hoạt động kỹ năng nhiều hơn.

Trong đó có môn chế biến thực phẩm với tám tiết/tuần. Các em sẽ được giáo viên hướng dẫn làm các món ăn thông dụng. Trong quá trình học, thấy các em thực hành rất khéo léo, mọi người ăn thấy ngon nên nhà trường đã cho các em mở cửa hàng này để bán ra cho mọi người thưởng thức.

“Số tiền các em bán ra sẽ giúp các em có vốn để xoay chuyển mua nguyên liệu cho các đợt bán tiếp theo. Đồng thời giúp các em học nghề, học cách sử dụng tiền tốt hơn, phát huy những món ngon và cải tiến thêm những món chưa được ưa chuộng. Các em sẽ rèn luyện các kỹ năng thực hành như đi chợ, sơ chế thực phẩm, chế biến, chọn nguyên liệu, mời khách, giao tiếp… để sau này có thể phụ giúp được gia đình hoặc tự lập nuôi sống bản thân khi vào đời” - cô Hương nói.

'Cửa hàng' đồng giá 5.000 đồng của học sinh khiếm thị ảnh 2
Khách hàng thích thú lựa chọn các sản phẩm do chính các em làm ra. 

'Cửa hàng' đồng giá 5.000 đồng của học sinh khiếm thị ảnh 3
Các em còn chơi nhạc để thu hút sự chú ý cho gian hàng.

'Cửa hàng' đồng giá 5.000 đồng của học sinh khiếm thị ảnh 4
Các em đang tự tay khéo léo làm sữa chua để bán.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm