Đào tạo bác sĩ 9 năm sẽ như thế nào?

Trong buổi thảo luận về kinh tế-xã hội vừa qua tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đề nghị Luật Giáo dục đại học (ĐH) phải có cơ chế đào tạo riêng cho ngành y tế.

Để làm rõ những vướng mắc về cơ chế riêng cho ngành y, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với TS Nguyễn Minh Lợi (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, thành viên Tổ tư vấn đổi mới của Bộ Y tế, về những nội dung cần sửa đổi và quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Chương trình mới cho phép học ngắt quãng

. Phóng viên: Chương trình đào tạo mới sẽ như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Minh Lợi

+ TS Nguyễn Minh Lợi: Chúng tôi đã có dự thảo đầy đủ cho chương trình đào tạo ngành y, từ đào tạo bác sĩ (BS), điều dưỡng…

Theo quy định hiện nay, sinh viên (SV) y khoa học sáu năm ra trường thì trình độ tương đương với ĐH. Các em học tiếp nội trú ba năm, học thêm chuyên khoa 1, 2 thì tấm bằng vẫn là bằng ĐH, vì vậy sẽ rất thiệt thòi.

Chương trình đào tạo mới sẽ được phân đoạn. SV học 4,5 năm sẽ công nhận cử nhân y khoa. Nếu học thêm một, hai năm nữa sẽ là danh hiệu BS y khoa. Tiếp đó các SV thi quốc gia lấy chứng chỉ hành nghề sẽ có phạm vi hoạt động đa khoa. Mục tiêu hướng đến của việc thay đổi đào tạo ngành y là mong muốn khi cắt đoạn đào tạo sẽ dễ dàng hơn trong việc công nhận trình độ. Tạo cơ hội cho người học không nhất thiết phải học chín năm liền mà có thể lấy bằng nào mình muốn và học tiếp khi có điều kiện.

Theo hệ thống trình độ đào tạo và văn bằng của nhiều nước trên thế giới, thường theo hai định hướng đào tạo là hướng hàn lâm (academic) và hướng chuyên nghiệp (professional). Trong đó, đào tạo BS đi theo hướng chuyên nghiệp nhưng trình độ đào tạo và văn bằng giáo dục ĐH (BS, dược sĩ chuyên khoa sâu gồm chuyên khoa 1, chuyên khoa 2) - đối với những đối tượng này không thể hòa cùng với trình độ và văn bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy nhiên, rất tiếc là điều này chưa được thể hiện trong dự thảo luật, chính vì vậy cần thiết phải quy định về loại hình trình độ và văn bằng này trong dự thảo luật.

Một giờ thực hành của sinh viên ĐH Y Dược TP.HCM. Ảnh: PL

Phải sửa đổi Luật Giáo dục ĐH

. Vậy đây có phải là vấn đề mới trong hệ thống pháp luật của Việt Nam?

+ Tôi xin khẳng định đây không phải là vấn đề mới mà thực chất Điều 39 Luật Giáo dục năm 1998 của Việt Nam đã quy định và hướng dẫn cụ thể trong Điều 11 Nghị định 43/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục 1998. điều này cũng hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng rất tiếc là luật giáo dục hiện hành của Việt Nam chỉ giữ về văn bằng (BS, dược sĩ, kỹ sư) mà bỏ mất trình độ và văn bằng chuyên sâu (trong y tế có chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và nội trú). Đặc biệt, trong dự thảo lần này không nói rõ về nội dung này.

. Rõ ràng đang có những vướng mắc trong quy định về trình độ cũng như văn bằng?

+ Ban soạn thảo đã quy định các trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trong luật nhưng lại giao Chính phủ quy định trình độ tương đương. Như vậy, rõ ràng ban soạn thảo đã nhận thấy còn có những trình độ thuộc giáo dục ĐH mà không phải là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Các chương trình đào tạo này không thể tương đương với chương trình cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ vì đây là theo định hướng đào tạo chuyên sâu nên phải quy định trình độ cụ thể như các nước đã làm.

Chính vì vậy, Bộ Y tế đề nghị nếu không xác định là “tương đương” thì nên ghi rõ là “Các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH quy định tại luật này bao gồm trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ, trình độ chuyên gia”; “Văn bằng giáo dục ĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, bằng chuyên gia”.

Như vậy, để đảm bảo thực tiễn và hội nhập, Bộ Y tế đề nghị sửa đổi theo hướng: Các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH bao gồm trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên gia. Chính phủ quy định trình độ chuyên gia đối với một số ngành đào tạo theo định hướng chuyên sâu đặc thù.

Thứ hai, văn bằng giáo dục ĐH thuộc hệ thống giáo dục quốc dân gồm bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên gia. Chính phủ quy định văn bằng chuyên gia đối với một số ngành đào tạo theo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu.

. Xin cám ơn ông.

Đây là thời khắc lịch sử

Đào tạo nhân lực y tế là vấn đề liên ngành: Quy định về đào tạo do Bộ GD&ĐT chủ trì; quy định về hoạt động chuyên môn y tế do Bộ Y tế chủ trì; quy định về tài chính (chi phí cho đào tạo, thù lao cho giảng viên và người học tại bệnh viện,...) do Bộ Tài chính chủ trì; quy định về vị trí việc làm của giảng viên và người học trong cơ sở y tế khi thực hiện dạy-học, chế độ đãi ngộ do Bộ Nội vụ chủ trì,... Chính vì vậy, cần được thể chế hóa một cách rõ ràng, hướng tới mục tiêu cuối cùng là người dân được hưởng nền y tế có đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, có chất lượng.

Tôi cho rằng đây là thời khắc lịch sử, nếu không có lẽ ít nhất 10 năm nữa mới có thể xem xét lại và như vậy hệ thống y tế có nguy cơ sẽ có những thế hệ đào tạo không đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và chắc chắn là chưa hội nhập với thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm