Đầu tư giáo dục là cạnh tranh cấp quốc gia

Tiến sĩ Craig Barrett, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Intel tại lễ trao học bổng cho 28 sinh viên khối kỹ thuật của trường đại học Bách khoa TP.HCM hôm 10.4.2009. Ảnh: Như Thuần
Tiến sĩ Craig Barrett, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Intel tại lễ trao học bổng cho 28 sinh viên khối kỹ thuật của trường đại học Bách khoa TP.HCM hôm 10.4.2009. Ảnh: Như Thuần

Đây là thông điệp chung cho nhiều chính phủ ở châu Á mà ông Barrett đã truyền tải trong chuyến thăm cuối cùng của ông với cương vị là chủ tịch Intel. Lãnh đạo Intel từ trên một thập niên nay, giúp công ty này giữ vững vị trí hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin của Mỹ, ông Barrett được coi là người có tầm nhìn sâu rộng. Những ý kiến của ông về nâng cao sức cạnh tranh quốc gia và phát triển công nghệ thường được coi trọng.

Ông Barrett cho rằng mỗi quốc gia đang ở một giai đoạn khác nhau về đổi mới công nghệ và giáo dục. Điều đó có nghĩa là khó có thể so sánh một cách hoàn hảo về mức độ phát triển của Mỹ với Trung Quốc hay Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các quốc gia phải chú ý rằng khi phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học, họ đang phải cạnh tranh với các quốc gia khác chứ không phải chỉ trong đất nước của mình.

Việt Nam đang ở đâu trong cuộc cạnh tranh này? Theo một số số liệu thống kê được đưa ra gần đây, Việt Nam luôn đứng hạng chót trong các tỷ lệ các báo cáo, nghiên cứu khoa học cũng như những bằng sáng chế. Theo một so sánh của Reuter Thompson về các nghiên cứu khoa học được đăng tải giữa những trường đại học lớn ở các quốc gia (không tính Mỹ), trường đại học quốc gia Hà Nội và TP.HCM đứng hạng chót với chỉ 48 nghiên cứu khoa học, trong khi quốc gia áp chót là Indonesia cũng có đến 120 nghiên cứu được xuất bản. Chỉ riêng đại học Peking (Trung Quốc) có tới 3.694 nghiên cứu, và đại học Seoul (Hàn Quốc) có 5.714 nghiên cứu. Một số liệu khác về bằng sáng chế khoa học được cấp trong năm 2006, thì Việt Nam cũng đứng hạng chót vì không có một sáng chế nào. Trong khi đó, Hàn Quốc có 102.633 sáng chế, Trung Quốc có 26.292 sáng chế và đến Thái Lan cũng có đến 158 sáng chế. Những số liệu này minh chứng cho sự thấp kém và tụt hậu của giáo dục bậc cao Việt Nam. Trong khi, chính giáo dục bậc cao là yếu tố then chốt giúp một quốc gia vươn lên.

Tại sao Việt Nam lại thiếu nghiên cứu khoa học trầm trọng đến thế? Hiện nay, Việt Nam đang có hàng trăm nhà khoa học trẻ đi học nước ngoài theo các chương trình học bổng khoa học khác nhau. Một chương trình có thể coi là lớn nhất là quỹ Học bổng Việt Nam (VEF) do Chính phủ Mỹ tài trợ, khởi đầu từ năm 2003, cho đến nay đã đưa sang Mỹ gần 300 nghiên cứu sinh. Đó là chưa kể đến các chương trình học bổng chính phủ và những chương trình học bổng ở các nước khác.

Khi đặt câu hỏi này với các nghiên cứu sinh khoa học tham gia chương trình VEF, người viết nhận được nhiều câu trả lời rất khác nhau. Có người tự nhận ngay rằng “người Việt Nam mình lười, dốt, hoặc trí tuệ ở mức trung bình”. Nhiều người khác lại phản đối, cho rằng mình kém may mắn, sinh ra ở một nước nghèo, nền giáo dục thấp kém, Chính phủ chưa tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học tốt. Một nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học ngành công nghệ hàng không ở Mỹ đã chọn Mỹ là nơi làm việc vì theo anh, về Việt Nam thì người như anh khó tìm việc làm phù hợp, thậm chí “không có nhà để ở”.

Ông Barrett cho rằng có hai loại nghiên cứu khoa học. Loại nghiên cứu cơ bản, thường được thực hiện ở các phòng nghiên cứu của các trường đại học, là phần việc của chính phủ. Các chính phủ khôn ngoan biết đầu tư rất nhiều cho nghiên cứu phát triển (R&D.) Ví dụ điển hình là Israel, đầu tư tới 5% GDP cho R&D. Chính phủ các nước phát triển khác như Mỹ, Nhật... cũng đầu tư tới 3% GDP cho lĩnh vực này. Đây là khu vực phát triển tài năng và đưa ra những nghiên cứu khoa học lớn củng cố vị trí phát triển của một quốc gia. Trong khi đó, loại nghiên cứu ứng dụng thuộc vai trò của các công ty, như Intel. Nghiên cứu ứng dụng giúp đưa ra các sản phẩm có thể bán được trên thị trường. Cả hai loại nghiên cứu này cùng góp phần củng cố sức cạnh tranh của một quốc gia trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay. Trên thực chất, nghiên cứu ứng dụng khó có thể phát triển nếu bản thân quốc gia đó không có nền tảng nghiên cứu cơ bản vững chắc.

Intel hiện đang đầu tư một nhà máy một tỉ USD tại Việt Nam. Công ty này chứng minh cam kết của mình tại Việt Nam bằng việc trao 28 suất học bổng cho các sinh viên kỹ thuật, đưa họ sang học tại trường đại học Portland State ở Mỹ trong năm học 2009 – 2011. Đây cũng là một sự chuẩn bị nhân lực cho nhà máy này. Intel kỳ vọng những sinh viên này sẽ quay trở lại làm việc cho chính nhà máy của Intel một khi họ hoàn thành khoá học của mình. Nhìn ở một góc độ, Intel đang phần nào tự lo phần “nghiên cứu cơ bản” tại Việt Nam. Trong buổi trò chuyện với sinh viên tại đại học Bách khoa TP.HCM, ông Barrett nói: “Các bạn hãy nhớ chỉ một ý tưởng thôi có thể thách thức cả một công ty… Thế giới sẽ luôn đón nhận những tài năng với đôi bàn tay rộng mở”.

28 sinh viên nhận học bổng của Intel có một cơ hội rất lớn để tạo dựng thành công. Nhưng còn hàng ngàn sinh viên khác, để có cơ hội tương tự, sẽ phải trông đợi chủ yếu vào nỗ lực cải tiến hệ thống giáo dục cũng như đầu tư vào hệ thống giáo dục của chính phủ.

Theo Lan Anh ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm