Dạy con cái lứa tuổi teen: Chỉ đường, đừng o ép!

Trong buổi nói chuyện về pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ trẻ em tại lớp huấn luyện “Học làm người có ích” dành cho các em tuổi teen, luật sư Phạm Quốc Hưng đưa ra đề tài cho các em trao đổi: “Cha mẹ đánh con có phù hợp với pháp luật không, có vi phạm quyền trẻ em không?”.

Con khổ vì bị áp đặt

Câu hỏi đơn giản nhưng làm lớp học sôi động hẳn lên. Em Huỳnh Lê Phương Uyên, học sinh lớp 10 Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) bày tỏ: “Con cô độc trong gia đình do cha, mẹ không khi nào nghe con trình bày. Con làm cái gì mà cha, mẹ cho là sai là con bị la mắng hoặc ăn đòn. Ở độ tuổi của con có nhiều chuyện muốn tâm sự với mẹ, những biểu hiện của bạn bè khác giới, con muốn tham khảo ý kiến mẹ và mong bà định hướng. Nhưng mọi cái con muốn nói đều bị mẹ ngăn cấm và không được đề cập tới. Từ đó, mọi chuyện con phải tự giải quyết mà rất hoang mang!”.

Tương tự, em Trương Quang Diệu, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh nghẹn ngào: “Mỗi lần bực dọc, mẹ đánh hai anh em, phạt tụi con quỳ gối cả buổi. Có lần em gái lục lọi làm hư son, phấn đắt tiền, mẹ giáng cho em mấy bạt tai sưng cả mặt. Con nói sao mẹ đánh em dữ vậy, mẹ xoay ngang đánh con luôn. Con phân vân không biết mẹ đánh anh em con như vậy là đúng hay sai. Trong nhà, giữa cha mẹ có chuyện gì buồn bực là như rằng con và em bị đòn!”.

Dạy con cái lứa tuổi teen: Chỉ đường, đừng o ép! ảnh 1

Teen bày tỏ quan điểm về ứng xử các mối quan hệ trong gia đình.

“Nghe những câu chuyện của các em, người lớn cũng phải giật mình, soi lại mình” - ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên, nói. Theo ông, con cái muốn cha mẹ không dùng hình thức phạt đòn roi trước hết phải biết nhận thức hành vi, biết nhận lỗi và thẳng thắn trao đổi với người lớn con bị đánh là vì con sai ở chỗ nào. Có những trường hợp cha mẹ cho cái quyền mình lớn, cái tôi mình lớn, được quyền đối xử với con cái thô bạo cũng cần phải xét lại, nếu cần thì nhờ chính quyền, đoàn thể can thiệp.

Ông Nhân kể một câu chuyện làm hội trường xúc động, phụ huynh lắng lại. Gia đình nọ có cô con gái 14 tuổi bướng bỉnh, hay cãi lại cha mẹ. Không cách nào dạy cô bé được, cha mẹ cháu tìm đến nhà tâm lý. Các chuyên gia khuyên ông bà nên về viết nhật ký cho con để trên bàn học để cháu có thể thấy và đọc được những suy nghĩ của cha mẹ hơn là những lời hằn học, mắng nhiếc. Quả nhiên, những trang nhật ký đã làm cô bé khóc và hành xử với cha mẹ khác đi, biết nghe hơn và cha mẹ cũng có cách dạy dỗ khác đi, nhẹ nhàng hơn.

Cha mẹ lo con chệch hướng

Một phụ huynh là chị Phạm Nữ Thủy Hằng, giáo viên văn Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (Hóc Môn) tâm sự: Chị có đứa con trai năm nay học lớp 9 nhưng tính tình rất… cụ non. Thích làm gì là làm, cha mẹ góp ý là tỏ thái độ không hợp tác, trong nhà gần như con chị không nói chuyện với bất kỳ ai. Thằng bé có đặc tính là thích kinh doanh ngay từ lớp 7. Cụ thể: Ngay những dịp lễ, tết, ngày Nhà giáo Việt Nam, Noel, cháu thường hay sưu tầm những mẫu thiệp mới, đọc trên mạng về rồi đặt in, bán lại cho các bạn trong lớp với giá 15.000-20.000 đồng/thiệp (mắc gấp 2-3 lần) nhưng các bạn vẫn mua. Rồi lên lớp 8, cháu thiết kế mẫu áo đồng phục cho lớp. được sự hưởng ứng nồng nhiệt, cháu tự liên hệ cơ sở may, thiết kế và kiếm được chút ít tiền. Chị Hằng nói nhà không thiếu tiền cho con ăn học và không muốn con mình lao vào những chuyện kiếm tiền như vậy sẽ lơ là học hành và có tiền cháu sẽ tiêu xài không đúng mục đích. Chị cùng chồng bàn cách ngăn cản con mình, không cho cháu làm bất cứ việc gì liên quan đến mua bán, tiền bạc. Nhưng dường như chính sự cấm tiệt của vợ chồng anh chị khiến cháu trở nên lầm lũi, khó gần và gần như không muốn giao tiếp.

Học làm người có ích

Theo nhiều phụ huynh, hiện nay một số em ở độ tuổi 13-17 có những biểu hiện tâm lý, hành vi ứng xử khác thường khiến phụ huynh lo lắng… Để hỗ trợ phụ huynh giải quyết tình trạng này, gần đây Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam mở những lớp ngắn hạn (hai ngày cuối tuần) gọi là chuỗi huấn luyện “học làm người có ích”. Chương trình học đa dạng, có huấn luyện kỹ năng sống, có những cuộc thảo luận xoay quanh ứng xử giữa cha mẹ và con cái trong gia đình, xóm giềng. Phương pháp linh hoạt, vừa học vừa chơi. Chương trình này đang thu hút nhiều phụ huynh đưa con đến tham gia.

Chị Phạm Nữ Thủy Hằng, cũng như hàng chục phụ huynh theo dõi con học khóa 3 diễn ra trong hai ngày 27 và 28-2 nhận định: Tham dự các khóa học, con chị có những biểu hiện tích cực trong giao tiếp thông thường. Mạnh dạn phát biểu chính kiến của mình. Tuy nhiên, đa số huynh đều băn khoăn những lớp học như vậy vẫn chưa khẳng định được sự thay đổi tích cực sau khóa học, còn phải theo học đường dài mới khẳng định được. Tuy nhiên, mức học phí cứ tăng dần từ khóa 1 là 300.000 đồng/em nay đã lên 500.000 đồng khiến không ít phụ huynh e ngại!

Nói chuyện cởi mở giúp quan hệ cha mẹ và con tốt hơn

Đời sống tình cảm quyết định phần lớn quá trình hình thành nhân cách và cha mẹ có vai trò đặc biệt quan trọng nuôi dưỡng đời sống tình cảm của con.

Vì nhiều lý do, cha mẹ thường ít chia sẻ cảm xúc với con cái. Những lúc buồn phiền, cha mẹ thường ít nói chuyện với con, hoặc dồn nén trong lòng để rồi bột phát thành sự giận dữ, cho rằng con có lỗi trong sự giận dữ ấy.

Chia sẻ cảm xúc sẽ khơi thông sự đồng cảm, thấu hiểu giữa cha mẹ, con cái. Những lúc buồn phiền, tức giận, cha mẹ cũng cần nói cho con biết và giải thích nguyên do một cách ngắn gọn, tránh chuyển nguyên do sang phía trẻ. Ngược lại, cha mẹ cũng khuyến khích con diễn đạt cảm xúc và cho con thấy mình tôn trọng những cảm xúc đang diễn ra trong con.

Đánh là một kiểu trừng phạt về mặt thân thể. Ngày nay, phương pháp này không được khuyến khích dù là với bất cứ lý do và mục đích gì. Khi phải dùng đòn roi đối với trẻ, người lớn đã cho thấy sự bế tắc trong cách diễn đạt cảm xúc. Nếu trẻ vì sợ bị đánh mà bớt phạm lỗi thì đó chỉ là phản xạ do sợ đau chứ không hiểu được vấn đề và không có sự tự giác.

Trừng phạt bằng đòn roi có thể đạt hiệu quả tức thì (trước mắt) nhưng về lâu dài, trẻ bị lờn, trở nên ngang bướng. Lòng tự trọng bị tổn thương, trẻ lớn lên sẽ tự đánh giá thấp bản thân, thiếu tự tin và cũng có thói quen xử lý tình huống bằng bạo lực.

Cần phân biệt trẻ phạm lỗi là do không hiểu, không biết hay do cố ý. Lỗi mà trẻ phạm phải có thực sự nghiêm trọng không hay chỉ là sự không vừa lòng người lớn. Ngoài ra, có những vấn đề của trẻ mới nhìn tưởng là do trẻ ngang bướng nhưng thật ra là trẻ đang gặp khó khăn trong phát triển tâm lý, thậm chí có dấu hiệu bệnh lý. Vì vậy, càng phải gần gũi trẻ để trẻ cảm thấy an toàn, thấy mình được tôn trọng.

Nếu cần phạt phải nói rõ cho trẻ hiểu trẻ bị phạt về lỗi gì, chỉ có lỗi đó đáng bị phạt chứ không phải toàn bộ con người trẻ đáng bị ăn đòn. Cần giải thích cho trẻ hiểu rằng kỷ luật đặt ra là nhằm lợi ích tốt nhất cho trẻ chứ không phải vì ý muốn của người lớn.

Đoàn Bắc Việt Trân

Chuyên viên tư vấn tâm lý Tổng đài 1088

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm