Để cổng trường không xa với trẻ có HIV

Để cổng trường không xa với trẻ có HIV ảnh 1

Cần tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng để không phân biệt đối xử với trẻ có HIV được học với các trẻ bình thường khác. Ảnh minh họa: T.MẬN
>>
Trường tiểu học An Nhơn Đông: 15 trẻ có HIV/AIDS tắc đường hòa nhập - lỗi do ai?

Làm sao để các em đến trường mà vẫn không bị kỳ thị? Một số ý kiến liên quan sẽ góp thêm những góc nhìn và giải pháp cho vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình:

Không nên áp dụng cứng nhắc!

Trung tâm Tam Bình 2 là nơi nuôi trẻ có HIV. Hiện trung tâm có khoảng 15 em từ lớp 4 đến lớp 7 đi học với trẻ bình thường ở bên ngoài, 18 em từ lớp 1 đến lớp 3 học tại trung tâm do một giáo viên Trường tiểu học Xuân Hiệp đứng lớp. Trước khi đưa các em ra học với trẻ bình thường, chúng tôi phải làm việc với ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ y tế của trường, hội phụ huynh học sinh... Mỗi một em đi học là có một cô giáo theo đưa đón như là người mẹ. Chúng tôi còn vận động tình nguyện viên ngoài cộng đồng đưa đón các em đi học về như là cha mẹ để tạo hình ảnh các em không khác gì so với trẻ bình thường.

Tốt nhất là nên có một trường tiểu học dành riêng cho các trẻ nhiễm (từ lớp 1 đến lớp 4 nhưng tốt nhất là từ lớp 6). Trẻ có HIV ở lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 3 chưa định hình rõ ràng, giáo viên và y tế ở trường sẽ khó theo dõi. Các em còn quá nhỏ, chơi đùa, tranh giành, cấu xé nhau... nên xác suất lây nhiễm có thể xảy ra. Xác suất lây nhiễm dù nhỏ thì phụ huynh cũng chưa hoàn toàn yên tâm. Các em lớp 1, lớp 2 rất ngây ngô, sẽ không nghĩ đến chuyện phải làm sao để tránh lây HIV và cũng không nên đẩy vào đầu các em những chuyện nặng nề như thế.

Cô Vũ Thị Kim Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (Tân Bình):

Nên cho các em hòa nhập từ từ

Trong chương trình giáo dục tiểu học chỉ có lớp 5 có một số tiết học về HIV. Việc tuyên truyền cho các em được lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chuyên đề trong giờ chào cờ. Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn vì các em tiểu học còn quá nhỏ để hiểu biết cách phòng chống lây nhiễm HIV. Tôi nghĩ việc cho các em hòa nhập cộng đồng là đúng nhưng chúng ta nên cho các em hòa nhập từ từ như mô hình ở Trung tâm Tam Bình. Hoặc mỗi quận hay hai, ba quận liên kết với nhau, tùy số lượng học sinh mà mở ra những lớp học dành cho trẻ có HIV ở cấp một. Đến lứa tuổi khoảng lớp 5, các em hiểu biết khá đầy đủ về HIV thì sẽ cho các em học với trẻ bình thường.

Thầy Dương Hoàng Tuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Hiệp (Thủ Đức):

Có bác sĩ tuyên truyền, dân sẽ hiểu và đồng thuận

Năm học vừa rồi, Trường tiểu học Xuân Hiệp (Thủ Đức) cũng xảy ra chuyện phụ huynh phản đối giống như ở Củ Chi nhưng sau đó nhờ công tác tuyên truyền nên phụ huynh đồng tình ủng hộ chuyện cho con họ học chung với trẻ có HIV. Ở Củ Chi, hòa nhập một lúc 15 em cùng vào một trường là quá nhiều, gây hoang mang, lo sợ cho phụ huynh là điều khó tránh. Trường Xuân Hiệp chỉ có năm em, lúc đầu phụ huynh cũng đòi chuyển trường cho con. Ngay sau đó, trường mời phụ huynh học sinh họp, có cả bác sĩ của Trung tâm y tế dự phòng TP, Ủy ban Phòng chống AIDS TP. Các bác sĩ phân tích cơ chế lây nhiễm của bệnh AIDS, phụ huynh hiểu và dạy cách cư xử để không làm tổn thương bạn. Các cháu có HIV hòa nhập cũng được các xơ của trung tâm dạy bảo cẩn thận, không được cào cấu, cắn bạn. Công tác y tế của trường có trẻ có HIV hòa nhập cũng được quan tâm hơn và trang bị thuốc để giúp học sinh gặp sự cố chống phơi nhiễm tức thì để phụ huynh an tâm.

Qua thực tế, năm học sinh có HIV hòa nhập cũng rất ý thức tự chơi những trò chơi hiền lành như lắp ráp logo, đọc truyện. Và trong lớp có trẻ HIV hòa nhập, các học sinh cùng lớp sẽ không biết, chỉ có giáo viên chủ nhiệm hướng đến các hoạt động, trò chơi lành mạnh, tránh rủi ro cho các em.

Ông Nguyễn Quang Dũng, đại diện Hội Phụ huynh học sinh Trường tiểu học Xuân Hiệp:

Cha mẹ hiểu sẽ dạy con đúng đắn

Con tôi học hết lớp 3, cháu rất hiểu về bệnh AIDS. Cháu cho rằng nếu biết bạn (thực tế không biết) có HIV, cháu vẫn tự tin khi nói chuyện, trao đổi, vui chơi với bạn. Đó là nhờ trường luôn tìm cách tuyên truyền khéo léo. Quan trọng là phụ huynh cũng nên dạy con mình không được phân biệt, kỳ thị, có lời lẽ làm tổn thương bạn thì các cháu sẽ hiểu và sống nhân hậu hơn.

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM:

Tuyên truyền còn kém nên mới xảy ra chuyện

Chuyện xảy ra với trẻ ở Trung tâm Mai Hòa vừa qua là do chúng ta chưa truyền thông đúng mức, một bộ phận phụ huynh nhận thức chưa đúng đắn về căn bệnh. Truyền thông cần đẩy mạnh hơn như chúng ta đã làm được ở Thủ Đức. Trong tuần tới, Ủy ban Phòng chống AIDS TP sẽ có buổi tuyên truyền cho phụ huynh các trường tiểu học ở Củ Chi để tránh tái diễn như vụ việc vừa qua.

Không để trở thành tiền lệ xấu

Đây là ý kiến của Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Long vào chiều 20-8 trong văn bản gửi Văn phòng Ủy ban Phòng chống AIDS TP.HCM và Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) về việc trẻ em có HIV không được đến trường tại Trường tiểu học An Nhơn Đông (Củ Chi).

Ông Long cho rằng việc làm trên đã vi phạm nghiêm trọng Luật Phòng chống virus HIV cũng như các khoản trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký cam kết với cộng đồng quốc tế. Yêu cầu các trường trong cả nước không để vụ việc tương tự như tại Trường tiểu học An Nhơn Đông tái diễn, bao gồm luôn cả việc bảo đảm các quyền cơ bản của trẻ em.

TỐ NHƯ

PHẠM NGUYỄN - THANH MẬN

admin

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm