Đề thi tham khảo THPT nhẹ nhàng, ngắn gọn

Sáng 6-12, Bộ GD&ĐT đã công bố bộ đề thi tham khảo THPT quốc gia 2019, sớm hơn một tháng so với năm 2017. Theo đánh giá sơ bộ, đề thi tham khảo các môn thi THPT quốc gia 2019 được xây dựng theo hướng nhẹ nhàng, các câu hỏi trắc nghiệm ngắn gọn hơn.

Theo Bộ GD&ĐT, việc công bố sớm đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia 2019 nhằm giúp giáo viên (GV), học sinh (HS) tổ chức dạy học, ôn tập chuẩn bị tham gia kỳ thi một cách chủ động và hiệu quả nhất. Mặt khác, việc công bố sớm đề tham khảo cũng giúp Bộ GD&ĐT tiếp nhận các thông tin phản hồi, tổng hợp, phân tích và hoàn thiện đề chính thức tốt nhất.

Chủ yếu thuộc chương trình 12

Các chuyên gia của Trung tâm Hocmai cho rằng đề thi tham khảo đảm bảo bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT và chủ yếu thuộc chương trình lớp 12, số câu hỏi lớp 12 tăng lên so với đề thi các năm trước (85%-90%). Phần kiến thức lớp dưới chiếm tỉ lệ rất nhỏ (không quá 10%/môn và gần như chỉ rơi vào chương trình lớp 11, không có câu hỏi thuộc kiến thức lớp 10). Riêng môn ngữ văn, ngữ liệu nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, còn môn toán có xuất hiện câu hỏi có liên quan đến kiến thức lớp 10.

So với đề thi chính thức kỳ thi THPT quốc gia 2018, độ khó của đề thi tham khảo được giảm đi tương đối rõ rệt và tập trung nhiều vào mục tiêu để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Số câu hỏi dễ và câu hỏi lý thuyết (nhận biết và thông hiểu) tăng lên; số câu vận dụng cao giảm đi, chỉ còn chiếm khoảng 10% (khoảng bốn câu) và đồng thời có sự giảm về độ khó của các câu hỏi này so với đề thi 2018.

Theo các chuyên gia của Hocmai, sự điều chỉnh này tương đối hợp lý nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu của kỳ thi, giải quyết các vấn đề tồn đọng của kỳ thi các năm trước (quá dễ hoặc quá khó). Ngoài ra, việc điều chỉnh về độ khó và cấu trúc đề thi như vậy cũng tạo thuận lợi hơn cho thí sinh trong việc xét công nhận tốt nghiệp theo quy chế mới.

Các thí sinh vừa làm xong bài thi môn văn tại kỳ thi THPT 2018 ở TP.HCM.  Ảnh: HTD

Đề văn có hướng mở

Cô giáo Lưu Mai Tâm (Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương) cho hay đề theo hướng mở, có tính giáo dục, chú ý tới đánh giá năng lực HS, phân hóa tương đối tốt. Cụ thể, cấu trúc chung của đề thi giống đề thi THPT quốc gia 2018 với hai phần và các mức điểm tương ứng (đọc hiểu: 3 điểm, bốn câu hỏi; làm văn: 7 điểm, hai câu hỏi, câu 1 phần làm văn liên quan trực tiếp đến ngữ liệu đọc hiểu). Tuy nhiên, ở mỗi phần cụ thể có những thay đổi, đọc hiểu: Không còn câu hỏi nhận biết chung về kiểu loại văn bản (phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận…). để xử lý được các câu hỏi của đề, HS bắt buộc phải nắm tốt những kiến thức chung đó.

Đề tham khảo cũng tăng số lượng câu hỏi ở mức độ thông hiểu, vận dụng, yêu cầu khả năng tư duy, kỹ năng trình bày quan điểm, thái độ, sự lựa chọn của bản thân trước vấn đề cuộc sống sắc bén.

Nhìn chung, độ khó của các câu hỏi đọc hiểu tăng hơn so với đề thi THPT quốc gia 2018.

Cụ thể, câu nghị luận xã hội: Đề bài mở, vấn đề đặt ra thiết thực, ở ngay trong mỗi HS, có tính thực tiễn, tính giáo dục. Câu hỏi này phân hóa HS tương đối tốt. Nếu HS có cái nhìn tổng quát tốt về bản thân, về cuộc sống, sắc sảo trong tư duy thì dự báo có bài viết sâu sắc.

Theo cô Tâm, câu nghị luận văn học xóa tan đi phần nào sự “hoang mang” trong GV và HS khi đề chỉ yêu cầu nghị luận về một vấn đề trong một tác phẩm thuộc chương trình lớp 12. Đề bài có tính phân hóa: Vế đầu là yêu cầu cơ bản (phân tích), vế sau là yêu cầu nâng cao (nhận xét, lý giải sự thay đổi của nhân vật). Tuy nhiên, cái khó của đề này là tập trung vào những chi tiết nhỏ. Nếu HS không đầu tư cho môn học, không nắm vững kiến thức, không có kỹ năng xử lý tác phẩm sẽ khó có bài làm tốt.

Đề lý, hóa phân hóa tốt

Thầy Huỳnh Kiều Viết Lãm (GV môn lý Trường THPT Ten Lơ Man, quận 1, TP.HCM) cho biết đề minh họa năm 2019 vẫn với cấu trúc cũ: 24 câu dễ, sáu câu khó và 10 câu cuối mức độ phân loại cao. Đặc biệt, đề minh họa không có kiến thức lớp 10.

Còn đối với môn hóa, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM) chia sẻ đề tham khảo ra đúng với tinh thần của Bộ, tập trung chủ yếu chương trình khối 12. Năm nay đề thi không ra đánh đố, nếu HS học hành nghiêm túc sẽ làm bài được. “Nhà trường mong Bộ nên khoanh vùng nội dung chương trình lớp 10 và 11 ở đâu để HS dễ dàng ôn tập” - thầy Phú nói.

Đề toán hay

Thầy Lâm Vũ Công Chính (GV môn toán Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM) cho biết đề thi môn toán tập trung chủ yếu chương trình lớp 12, chương trình lớp 11 chiếm 7-8 câu (15%) và các nội dung câu hỏi từ dễ tới khó. Mức độ phân hóa thể hiện rõ từ câu 40 trở đi. HS sẽ dễ đạt điểm 7, 8. Muốn làm được 10 câu cuối đòi hỏi HS phải thật sự giỏi. Trong 10 câu cuối có tám câu kiến thức lớp 12, một câu lớp 11 và một câu lớp 10.

“Điều khiến tôi băn khoăn, số lượng kiến thức của lớp 10, 11 chỉ chiếm khoảng 15% mà trong khi nội dung trải dài toàn bộ kiến thức từ chương trình như vậy rất nặng. Cho nên tôi đề xuất Bộ nên đưa ra ma trận đề thi để thấy nội dung nào là trọng tâm, bài nào là trọng tâm với tỉ lệ kiến thức chỉ chiếm 15%, nội dung ôn cũng chỉ 15% trong toàn bộ kiến thức của lớp 10, 11 để dễ dàng cho việc ôn tập của HS” - thầy Chính đề nghị.

Thời gian làm bài thi các môn

Ngữ văn giới hạn thời gian làm bài trong 120 phút; đề toán có 50 câu, thời gian làm bài 90 phút; đề thi ngoại ngữ 60 phút với 50 câu; đề thi khoa học tự nhiên gồm các bài thi thành phần vật lý, hóa học và sinh học, thời gian làm bài mỗi môn 50 phút; đề thi khoa học xã hội gồm bài thi lịch sử, địa lý và giáo dục công dân, thời gian làm bài mỗi môn 50 phút.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm