MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI VNEN

“Ép” học sinh theo khuôn người lớn

Nội dung này đã được thảo luận tại Hội thảo “Triển khai áp dụng tinh thần mô hình trường học mới VNEN vào trường tiểu học tại TP.HCM” do Sở GD&ĐT TP tổ chức tại Trường Tiểu học Tân Thông, huyện Củ Chi sáng 4-10. Đây là trường tiểu học đầu tiên của TP.HCM triển khai mô hình này trong năm học 2012-2013.

Nhẹ nhàng nhưng máy móc

Sau khi tham quan và dự giờ các tiết học mẫu, nhiều giáo viên đều nhận thấy cái hay của mô hình này là chỉ có một bộ sách dùng chung cho cả giáo viên và học sinh (HS), giáo viên không phải soạn giáo án, bố cục nội dung đơn giản, giúp HS dễ hiểu để chuẩn bị các nội dung và dụng cụ học tập.

Cô Nguyễn Thị Anh Phương, giáo viên lớp 3/2, chia sẻ tiết học chủ yếu do các em thể hiện, giáo viên giảm gánh nặng rất nhiều vì không phải soạn giáo án cho từng tiết học. Các môn học như Đạo đức, Mỹ thuật, Âm nhạc… được gộp thành một môn là Hoạt động giáo dục do giáo viên tự thiết kế nên thoải mái và sáng tạo hơn nhưng cũng khó hơn vì không có tài liệu giảng dạy, chủ yếu do các giáo viên thảo luận và giúp đỡ nhau cùng làm. “Cái hay của cách học này là những bài tập về nhà đều có yêu cầu phụ huynh phải tham gia cùng, điều này giúp phụ huynh quan tâm và theo sát việc học của con em, HS cũng sẽ chuẩn bị bài trước khi đến lớp kỹ lưỡng hơn, càng giúp tiết học nhẹ nhàng hơn” - cô Phương nói.

“Ép” học sinh theo khuôn người lớn ảnh 1

Giáo viên hướng dẫn các em HS hoạt động nhóm tại lớp 4/3 Trường Tiểu học Tân Thông theo mô hình VNEN. Ảnh: PHẠM ANH

Tuy nhiên, bà Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD&ĐT quận 5, cho rằng sách giáo khoa giảng dạy được thiết kế rõ ràng khiến giáo viên gò bó, bị áp đặt, không phát huy được vai trò của người đứng lớp. HS vì thế cũng rập khuôn theo sách, học như cái máy, bấm đến đâu là học đến đó. Bà Thu lấy ví dụ: “Ở phần tập đọc, các HS đứng lên đọc như cái máy theo hướng dẫn trong sách, giống y nhau nên không hiểu được tại sao phải ngắt nghỉ đúng chỗ. Rồi một HS đứng lên “chỉ đạo”, hỏi các nhóm từng câu, câu nào làm đúng là đúng hết, câu nào làm sai là sai hết không khác gì cái máy. Dù bạn này muốn góp ý cho bạn kia hoặc có ý kiến khác cũng không dám vì các em phải hô theo số đông”.

Thầy Hà Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 7, lo ngại sách giáo khoa được thiết kế rất chi tiết cả trò và thầy khiến giáo viên sẽ mất sự sáng tạo, dạy nhẹ nhàng sẽ giúp giáo viên thích hơn nhưng chưa thực sự hay. “Nên chăng sách cần có những phần nội dung cố định và có phần mở để giáo viên có thể tự thiết kế bài học theo sự sáng tạo của mình, như thế mỗi tiết học, mỗi lớp học sẽ có sự khác biệt và thú vị hơn” - thầy Hải góp ý.

Bị “người lớn hóa” bởi chức vụ

Khác với cách học cũ, học sinh sẽ ngồi học cố định theo nhóm. Trước hoặc kết thúc mỗi tiết học, chủ tịch hội đồng tự quản đứng lên thông báo để cả lớp biết. Đồng thời, em này có nhiệm vụ quan sát, nhắc nhở các bạn trong giờ học hoặc điều khiển lớp khi vắng giáo viên. Giáo viên ghi từng mục hoạt động lên bảng để HS biết và hướng dẫn các em thực hiện.

Việc đặt tên các ban trong lớp này, bà Thu cũng lo ngại “các vị trí, ban trong lớp được đặt tên quá cao siêu như chủ tịch hội đồng tự quản, ban ngoại giao, ban y tế… Những tên này mang chức vụ và quyền lực trong xã hội, không nên sử dụng trong môi trường giáo dục tiểu học, làm mất sự thân thiện của học trò. Đến việc các em nhắc nhở nhau hay quản lớp cũng giống như phát biểu “chỉ đạo” là rất không hay”.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cũng nhận định: “Đúng là việc dạy và học quá rập khuôn. Giáo viên rập khuôn từ việc ghi bảng, trình bày đến tổ chức các hoạt động cho HS. HS có thao tác rất giống nhau, đến kiểu “de” tay cũng giống. Điều này rất không ổn trong giáo dục”.

Ông Chương lưu ý trong dạy học, ngoài những hoạt động theo nhóm, cần có những hoạt động theo lớp với những tình huống sư phạm để từng HS được suy nghĩ, phát hiện và phát huy khả năng của mình.

Phương pháp giảng dạy thì rất nhiều nhưng giáo viên, hiệu trưởng phải vận dụng một cách thông minh, linh hoạt trong điều kiện trường lớp, khả năng của HS để tiết học hiệu quả nhất. Dù ở mô hình trường nào cũng phải theo từng đối tượng HS, không nên chạy theo số đông hay nặng về truyền thụ kiến thức mà phải phát triển được kỹ năng, năng khiếu và phẩm chất của từng đối tượng HS.

Ông NGUYỄN HOÀI CHƯƠNG, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Hiện Sở triển khai đến 24 quận, huyện về tinh thần mô hình này là chính, trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiết kiệm, thiết thực, không gây khó khăn cho phụ huynh. Vì vậy, các trường phải làm công tác tư tưởng cho phụ huynh và giáo viên ngay từ học kỳ 1, thông báo và giải thích đầy đủ để phụ huynh hiểu rõ. Tránh để phụ huynh mua sắm sách bình thường sẽ gây tốn kém. Các trường nào triển khai phải đăng ký trước ngày 15-10-2013. Năm học 2014-2015 sẽ nhân rộng mô hình này đến các trường dạy hai buổi/ngày cho năm huyện ngoại thành.

Ông NGUYỄN QUANG VINH,Trưởng phòng
Giáo dục tiểu học của Sở GD&ĐT TP.HCM

Dự án triển khai thí điểm VNEN tại Việt Nam được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD giai đoạn 2011-2015. Năm học 2011-2012, Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm tại 24 trường học ở sáu tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum và Đắk Lắk). Năm học này, Bộ tiếp tục dạy học thử nghiệm tại 1.447 trường tiểu học tại 63 tỉnh, thành.

Mô hình này khởi nguồn từ Colombia từ những năm 1995-2000 để dạy HS trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy HS làm trung tâm. Điểm nổi bật của mô hình này là tổ chức hội đồng tự quản, gồm: một chủ tịch, hai phó chủ tịch và các ban do các em ứng cử và bầu chọn như ban học tập, ban sức khỏe, ban đối ngoại, ban thể dục, ban văn nghệ… HS theo học sẽ được cung cấp sách giáo khoa miễn phí.

(Kế hoạch của Bộ GD&ĐT)

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm