Giáo dục - Sao phải chạy theo giá trị ảo

Em hiền lành, chăm chỉ, cẩn thận từng đường kim mũi chỉ và rất chiều khách. Một, hai cái áo đầu tiên còn chưa chuẩn, em chịu khó lắng nghe góp ý của khách, sửa lại cẩn thận, và sau đó thì cứ đưa vải cho em là yên tâm sẽ có bộ đồ ưng ý.

Không có điều kiện để mở cửa hàng mặt phố, em cứ lặng lẽ ngồi may đo trong căn phòng nhỏ xíu ở ngõ nhỏ. Và bạn bè cứ giới thiệu nhau tìm đến với em. Tay nghề của em càng ngày càng vững vàng. Chỉ sau vài năm, đa số khách tìm đến em để may váy áo là phu nhân các nhà ngoại giao hoặc nữ cán bộ ngoại giao các nước đang làm việc tại Hà Nội.

Công việc nhiều, em phải thuê thêm thợ để may còn em chỉ đứng cắt. Mỗi lần em phải chuyển chỗ ở, khách hàng lại lọ mọ theo em cho dù phải đi càng ngày càng xa, nhiều khi phải đi qua những ngõ nhỏ vô cùng lắt léo mà khách cũng tìm theo bằng được.

Một lần, em tới nhà tôi trả quần áo tôi đặt may trước đó. Vừa ngồi chờ tôi thử đồ, em vừa kể chuyện lo cho hai đứa con học hành. Vẫn những câu chuyện lo lắng canh cánh trong lòng như câu chuyện của bao ông bố bà mẹ khác mà tôi vẫn thường nghe.

- Chị ơi, bây giờ trẻ con đi học vừa tốn kém vừa khó khăn. Con nhà em thì nghịch, ngồi trong lớp hay mất tập trung. Mà sách vở, chương trình bây giờ lại quá khó, em chẳng biết đâu mà kèm cho chúng nó. Không học thì sợ thất nghiệp, mà học không ra sao thì cũng thất nghiệp. Lo lắm chị ạ.

Tôi nhìn em đơm khuy vào chiếc áo vừa thử với bàn tay khéo léo.

- Không phải lo lắng nhiều đâu em. Em có nghề trong tay, cứ hướng dẫn cho các con làm dần. Bé thì giúp mẹ đơm khuy, thùa khuyết, lớn thì có thể giúp mẹ may cái tay, cái cổ. Dần dần truyền nghề cho các con. Các cháu cứ tiếp quản được công việc của em thì lo gì không có việc làm cơ chứ.

Em ngẩn người nhìn tôi.

- Ôi, đúng là thế chị nhỉ. Thế mà em không nghĩ ra. Em nghĩ là ổn, rất rất ổn là đằng khác chị ạ. Việc bây giờ em làm không hết, bọn trẻ mà làm cùng em thì chẳng phải lo không đủ ăn. Thế mà em cứ lo chúng nó không học bằng con nhà người ta thì thất nghiệp.

Tôi thấy mừng vì em nhìn ra vấn đề nhanh thế.

- Học gì thì mục đích chủ yếu cũng để ra đời có một nghề kiếm sống thôi mà. Em cứ dạy cho các cháu biết lao động từ bé. Nhỏ sợ không an toàn thì em kiếm cho con cái kéo thủ công, cho chơi với vải vụn, tập cắt áo, cắt váy cho búp bê. Thỉnh thoảng mẹ lại hướng dẫn cho một chút để làm quen với nghề. Lớn thì cho tự cắt lấy quần áo. Mẹ có nghề mà tội gì không truyền lại cho con cơ chứ.

Em mỉm cười rạng rỡ.

- Vâng, học gì thì cũng để có công ăn việc làm chị nhỉ. Chúng nó có nghề, tự nuôi được bản thân là mình yên tâm. Mà nghề này của em rất ổn chị ạ. Em sẽ dạy cho các con dần dần, con gái em chắc chắn là có thể theo nghề của mẹ. Còn học ở trường được bao nhiêu thì được, cứ có cái nghề trong tay cho chắc đã.

- Ừ, em cứ khuyến khích các con học hành, mở mang kiến thức. Nhưng đồng thời dạy các cháu biết yêu lao động, đỡ đần mẹ trong công việc hàng ngày. Sau này lớn lên nếu thích học hay làm nghề khác thì tùy, nhưng cứ có một nghề tay trái dắt lưng ở đấy, lo gì không có việc hay không kiếm được đủ ăn.

Tiễn em ra về, em cứ nhắc đi nhắc lại là sẽ bắt đầu dạy con học theo nghề của mẹ, và nét ưu tư trên khuôn mặt đã được thay bằng một nụ cười.

Hy vọng em đã bớt đi được phần nào mối lo canh cánh về học hành và nghề nghiệp tương lai của các con... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm