Giáo sư Hồ Ngọc Đại: "Người ta đi máy bay thì anh lại bắt trẻ đi bộ"

Thưa giáo sư, gần đây giáo sư có nghe nói về trường hợp em Bùi Thị Yến Anh, 9 tuổi ở huyện Hóc Môn, TP.HCM bị gãy xương vì đeo cặp nặng không? Cảm xúc của giáo sư khi nghe thông tin đó như thế nào?

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Trường hợp này tôi có biết qua báo chí. Tôi cũng rất buồn về chuyện này.

Vậy hiện nay, theo giáo sư giáo dục nước ta đang gặp phải những vấn đề gì?

Hiện nay tất cả các vấn đề hạn chế của giáo dục đã bộc lộ hết ra. Bằng mắt trần ai cũng thấy được. Nếu như trước đây chỉ các nhà chuyên môn mới thấy được thì nay người dân thường cũng có thể nhìn ra được.

Có thể ví học tiểu học ở nước ta bây giờ giống như người ta đi ô tô, máy bay thì anh lại bắt trẻ đi bộ. Mà bây giờ thì có ai đi bộ nữa đâu, có đi bộ thì cũng hết sức là phụ. Phương pháp mới như là đi  máy bay, ô tô, xe máy mà hiện nay là anh không có nên đi bộ ắt phải vất vả, nặng nề.

Trẻ con hiện đại không như trẻ con cũ mà hoàn toàn khác. Ở đây anh lại lấy một mô hình áp dụng cho trẻ con cũ để áp đặt lên trẻ con hiện đại.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại: "Người ta đi máy bay thì anh lại bắt trẻ đi bộ" ảnh 1

Giáo sư Hồ Ngọc Đại:“Tiểu học thuần Việt, đại học phải hội nhập.” Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nếu là một người lãnh đạo trong ngành giáo dục thì theo ông sẽ phải làm gì?

Cách xử lý giáo dục là nên làm từ đầu, cái gì đã qua cứ để nó trôi qua. Còn mình làm từ đầu là xây dựng nền giáo dục mới. Mình sẽ làm từ hai đầu đó là tiểu học và năm đầu đại học còn ở giữa cứ thả cho nó trôi. Không phải là chúng ta không làm tới bậc trung học ở giữa mà tạm thời bỏ chúng sang một bên vì không có đủ thời gian và sức lực. Ưu tiên bậc tiểu học và đại học.

Giáo sư có thể nói rõ hơn nữa được không?

Phải thiết kế lại nội dung môn học, phương pháp thực hiện, thể chế giáo dục. Ví dụ như các thể chế trong nhà trường hiện nay như kiểm tra, đo đạc, thi cử… Tất cả đều không dùng được.

Nếu áp dụng theo phương pháp giáo dục mới mà giáo sư đã đề xướng thì theo giáo sư sau khoảng bao lâu sẽ có kết quả?

Chỉ cần từ 10-20 năm là có thể cơ bản xử lý được vấn đề này. Tuy nhiên trong đó cũng cần phải đào tạo mới đội ngũ giáo viên làm việc theo phương pháp mới và đào tạo lại đội ngũ giáo viên cũ.

Vậy triết lý giáo dục ông là gì?

Đó là  tiểu học thuần Việt, đại học phải hội nhập

Cụ thể như thế nào thưa giáo sư?

Triết lý của hai cái đó nó như thế này. Tiểu học phải thuần Việt vì nó tiếp nối quá trình giáo dục của gia đình. Lên trung học thì điều đó không còn làm được nữa, đồng thời là cơ hội đầu tiên để tiếp xúc với nền văn minh hiện đại. Hai cái tưởng như mâu thuẫn với nhau nhưng hoàn toàn không phải. Trẻ con ngày nay tiếp xúc rất nhanh với máy vi tính, đồ chơi công nghệ... Nó đi thẳng đến hiện đại.

Còn đại học thì phải hội nhập và ngay từ đầu phải tiếp cận với thế giới hiện đại, phải hội nhập luôn với thế giới. Ở bậc đại học, sẽ lấy cái hiện đại để xử lý cái thuần Việt. Hiện đại phải để xử lý các vấn đề thực tiễn của Việt Nam.

Hai lực lượng này, đều có điểm chung đó chính là đều tiếp cận với cái hiện đại. Tiểu học để phục vụ tồn tại lâu dài của đất nước vì sau đó các em học sinh còn phải học mười mấy năm nữa. Còn đại học, sinh viên chỉ  có mấy năm và sau đó ra phục vụ ngay cho đất nước. Vì vậy xử lý 2 lực lượng này phải hoàn toàn khác nhau.

Xin cảm ơn giáo sư.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại sinh ngày 3-4-1936 tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là một nhà khoa học giáo dục, một nhà tổ chức thực tiễn hoạt động giáo dục, một nhà giáo tràn đầy nhiệt huyết, một người "chịu thua tất cả chỉ để được công nghệ giáo dục". Năm 1968 ông theo học ngành Tâm lý học tại Nga .

Năm 1976 hoàn thành luận văn Tiến sĩ về Những vấn đề tâm lý trong giảng dạy Toán học hiện đại cho học sinh cấp 1. Năm 1978, ông sáng lập ra Trung tâm Công nghệ Giáo dục để tiến hành thực nghiệm công nghệ giáo dục, công nghệ phát triển con người (cả về lý thuyết lẫn thực tiễn).

Phạm Thịnh thực hiện (VTC News)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm