Giáo viên giáo dục công dân 'bị bắt' làm giáo viên tư vấn!

Đó là thực tế được đề cập tại buổi tập huấn mô hình hoạt động tư vấn tâm lý và kỹ năng tư vấn diễn ra tuần qua. Chương trình do Bộ GD&ĐT tổ chức cho toàn thể giáo viên, cán bộ tư vấn của các trường THPT và đại diện 24 phòng GD&ĐT trên địa bàn TP.HCM.

Phòng tư vấn quá “lộ thiên”

Theo một khảo sát nhỏ của Vụ Công tác HSSV - Bộ GD&ĐT tại các trường THCS, THPT ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương, Khánh Hòa... thì có hơn 90% HS gặp khó khăn và vướng mắc về tâm lý. Thế nhưng thực tế hoạt động tư vấn tâm lý ở các trường hiện nay vẫn còn yếu, số HS tiếp cận còn rất hạn chế.

Nguyên nhân, theo TS Võ Văn Nam, nguyên Trưởng khoa Tâm lý ĐH Sư phạm TP.HCM, HS ở các trường học tại TP, nhất là công lập rất ngán đến phòng tư vấn tâm lý. Bởi lẽ, theo ông Nam, phòng tâm lý là nơi tiếp nhận những HS có chuyện khó nói, HS có vấn đề gì đó cần sự giúp đỡ của người khác mà không muốn nhiều người biết. Thế nhưng các trường lại chú trọng về hình thức quá nên chọn phòng đẹp và ngay vị trí “lộ thiên” để dễ nhìn thì làm sao HS dám lui đến.

“Tư vấn tâm lý là nhu cầu có thật của HS nhưng khi tôi thử ngồi một buổi tại phòng này ở một trường công lập thì lúc nào cũng thấy vắng hoe, dù đó là giờ ra chơi, giờ học hay tan trường. Như vậy uổng quá. Sau khi tôi ý kiến thì nhà trường mới dời phòng này lên lầu cao hoặc sâu bên trong để HS yên tâm vào hơn” - ông Nam nói.

Đó cũng là lý do mà sau hai năm hoạt động không hiệu quả, một trường THCS ở quận 8 đã lấy phòng này làm phòng đọc sách cho HS. Theo lãnh đạo nhà trường, khi thành lập phòng tư vấn tâm lý, trường đã hết phòng ốc nên sử dụng phòng ngay tầng trệt gần lối ra cổng để sử dụng. Trường cũng không tuyển được giáo viên chuyên trách tâm lý nên cử một cán bộ thư viện có kinh nghiệm kiêm tư vấn. Thế nhưng suốt hai năm rất ít HS đến tư vấn, cán bộ cũng không làm việc xuyên suốt được trong khi phòng đọc sách cho các em đang thiếu nên trường chuyển phòng này thành phòng đọc sách luôn.

Phòng tư vấn tâm lý học đường nằm ngay lối ra vào gần cổng trường (tại một trường học ở quận 8, TP.HCM) sẽ khiến HS "ngại" tìm đến.

Giáo viên chủ yếu là kiêm nhiệm

Một lý do khác khiến HS ngán đến phòng tư vấn, theo ông Trần Công Khanh, Phó Trưởng khoa Tâm lý giáo dục - Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM, cho rằng tư vấn tâm lý học đường là cần thiết, nhiều trường cũng đã chú trọng dành phòng ốc thậm chí trang trí rất đẹp nhưng thực tế HS lại không tìm đến. Nguyên do vì phần lớn giáo viên làm kiêm nhiệm là chính.

“Nhiều người có kinh nghiệm hoặc dạy những môn như giáo dục công dân sẽ bị “bắt” làm giáo viên tư vấn. Họ không có kỹ năng và kiến thức tâm lý, lại thường sử dụng cái “uy” của nghề giáo để áp đặt, răn đe hoặc khuyên nhủ học trò. Thậm chí là chỉ trích khiến HS không thích và ngại đến” - ông Khanh nói.

Tư vấn bằng kinh nghiệm là chính

Đó là thực tế khi giáo viên làm công tác tư vấn trường học hiện nay. Theo TS Võ Văn Nam, do công tác tư vấn này còn mới nên chưa có chương trình và chiến lược cụ thể và thống nhất. Những giáo viên, cán bộ làm công tác này chủ yếu tự tìm tòi kiến thức, làm việc bằng kinh nghiệm và tấm lòng là chính. Vì thế khiến công tác chưa hiệu quả, thiếu kỹ năng và kiến thức khoa học.

Chính việc kiêm nhiệm và tư vấn bằng kinh nghiệm khiến không ít giáo viên gặp sai lầm khi tư vấn, thậm chí “kết tội” sai cho HS. “Như vấn đề HS đồng tính hiện nay khá phổ biến, một số giáo viên tư vấn vì thiếu kiến thức chuyên môn nên luôn mặc định đó là “quái thai” hoặc bệnh dịch. Vì bắt đầu từ ý muốn tốt cho HS nên giáo viên tìm mọi cách để ngăn chặn, bắt HS phải thế này thế kia, làm sự việc đi sai hướng”. 

TS Nam ví dụ thêm, vấn đề HS tự kỷ nay cũng rất nhiều nhưng biểu hiện đa dạng và khó kết luận. Có giáo viên mới thấy trẻ ngang bướng, sống khép mình hoặc có những dấu hiệu lạ lạ khiến giáo viên làm mọi cách mà trò không tiến bộ là “kết tội” trò bị tự kỷ. Rồi giáo viên làm đề xuất lên nhà trường mời phụ huynh đến, đưa trò đi khám để nhận giấy chứng nhận khuyết tật. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng thì trò này không phải tự kỷ mà chỉ do tính nhút nhát và khép mình của trò từ nhỏ.

“Cách giải quyết của giáo viên này là giải thoát cho chính giáo viên chứ không phải cho trò, như vậy không những kết tội oan cho trò mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm với học trò của mình chứ không phải là giúp đỡ trò vượt qua khó khăn” - TS Nam tâm tư.


Phải chủ động tiếp cận và nắm bắt tâm lý HS

Thời đại càng phát triển, tâm lý HS cũng thay đổi theo, đòi hỏi giáo viên tâm lý phải am hiểu để nắm bắt kịp thời. Dù là kiêm nhiệm hay có chuyên môn tâm lý, giáo viên khi làm tư vấn cho HS cần phải có tấm lòng với các em, phải kiên nhẫn tìm hiểu và chia sẻ với các em, không nên áp đặt hay khuyên can vội vàng. HS có rất nhiều vấn đề nhưng để các em tự tìm đến phòng tâm lý thì không dễ, đòi hỏi giáo viên tâm lý phải chủ động tiếp cận, lắng nghe và chia sẻ với các em bằng mọi cách chứ không chỉ ngồi một chỗ ở phòng để chờ HS. Muốn vậy, giáo viên phải có kế hoạch, chương trình rõ ràng trong từng tuần, từng tháng và cả năm để làm những gì cần thiết cho các em. Từ đó các em mới hiểu và tìm đến khi gặp vấn đề khó khăn.

TS VÕ VĂN NAM, nguyên Trưởng khoa Tâm lý ĐH Sư phạm TP.HCM

Phải nâng cao vai trò của tư vấn tâm lý học đường

Thời gian qua xảy ra nhiều biểu hiện tiêu cực trong HS như thói a dua, đua đòi, lối sống lệch lạc. Trong đó đáng nói nhất là hiện tượng phạm tội vị thành niên ngày càng tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng. Đáng nói, biểu hiện trong đó là nạn bạo lực học đường như “bom nổ chậm” ở các trường học hiện nay. Trong đó, một phần là do giáo viên, nhà trường chưa nắm bắt kịp thời vấn đề của các em để can thiệp và ngăn chặn, tư vấn tâm lý ở các trường còn yếu.

Trước thực tế này, Bộ đã có công văn yêu cầu các địa phương phải có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục để làm sao kéo giảm bạo lực học đường. Đồng thời, qua những buổi tập huấn do Bộ và các địa phương tổ chức sẽ trang bị cho các giáo viên, cán bộ những kiến thức cơ bản, kỹ năng tư vấn để góp phần kéo giảm bạo lực học đường, tạo môi trường học tập và sinh hoạt lành mạnh cho HSSV, giúp các em vượt qua những khó khăn và sức ép trong học tập. Từ đó các đơn vị tham mưu để làm sao thành lập ngay bộ phận tư vấn tâm lý học đường tại các trường học từ tiểu học đến ĐH-CĐ.

Ông BÙI VĂN LINH, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV Bộ GD&ĐT

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm