Hãy để con thơ được cất lên tiếng nói của mình

Đó là những bàn luận xung quanh buổi tọa đàm với chủ đề “Con có thể - Để trẻ thơ cất lên tiếng nói của mình”, được tổ chức tại hội trường tòa nhà Dreamplex 2 (195 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh) ngày 27-5.

Chương trình do Trường Ngoại khóa TOMATO  tổ chức với sự tham gia của nhà giáo dục Kiran Bir Sethi, một trong 10 nhà giáo hàng đầu thế giới do Global Teacher Prize bình chọn năm 2015 và là người sáng lập phong trào Design for Change - phong trào lớn nhất thế giới về trẻ em tham gia giải quyết các vấn đề cộng đồng; nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục IRED, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE; nhà báo Thu Hà, tác giả cuốn sách Con nghĩ đi - Mẹ không biết.

tạo ra môi trường để trẻ có thể tự do phát triển

Theo cả ba diễn giả, việc tạo ra môi trường để trẻ có thể tự do phát triển những giá trị của mình là điều cần thiết. Ảnh: THANH TUYỀN

Theo cả ba diễn giả, việc tạo ra môi trường để trẻ có thể tự do phát triển những giá trị của mình là điều cần thiết. Trẻ cần môi trường để tự hoàn thiện mình hơn là sự cạnh tranh.

Nhà giáo dục Kiran Bir Sethi kể bà thành lập Trường Riverside (Ấn Độ), nơi các em nhỏ có thể phát triển tùy theo khả năng của mình, tham gia giải quyết các vấn đề cộng đồng từ chính câu chuyện về đứa con của mình. Khi con của bà đến trường đi học, bà đã hỏi cô giáo rằng ở trường con chơi với những người bạn nào, con làm gì ở trường?... thì cô giáo không trả lời được, thậm chí không nhớ tên học trò mình mà chỉ nhớ mã số để gọi.

“Tôi không thể để con học trong một môi trường như vậy được” - bà Kiran Bir Sethi nói. Vậy rồi bà cho con nghỉ học vì ở đó con không tìm thấy được giá trị của mình. Bà muốn tạo ra một môi trường mà ở đó tất cả trẻ em đều có thể thỏa sức thể hiện sự đam mê và giàu lòng trắc ẩn, có kiến thức nhưng cũng phải có nhân cách, làm điều hay và thật giỏi giang.

Công thức cho trẻ em mà bà Kiran nghĩ đến đó là: Cảm nhận - truyền cho trẻ em sự đồng cảm, để các em hiểu được rằng các em là một phần của cộng đồng. Sự tưởng tượng - trẻ phải hiểu được rằng mình có khả năng giải quyết được những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, mạnh dạn để nhận lấy trách nhiệm về mình chứ không phải chỉ ngồi đó mà than thở. Hành động - trẻ hành động vì trẻ thực sự muốn làm chứ không phải là do ai bắt ép. Sự chia sẻ - trẻ phải biết chia sẻ với mọi người xung quanh mình.  

Bà Kiran luôn chủ trương tạo một môi trường để trẻ có thể tự hoàn thiện mình, hoàn thiện lẫn nhau chứ không phải là sự cạnh tranh giữa đứa trẻ này với đứa trẻ khác, vì mỗi đứa trẻ sinh ra đều có giá trị của riêng nó. Đó không phải là việc giáo dục rập khuôn, đặt trẻ vào những vị trí đã được lập trình sẵn mà trẻ phải hiểu rằng các em cần có nhân cách và phải hành động để thay đổi chính mình, dù là những chuyện nhỏ nhất như việc tôn trọng người lớn tuổi hay cái cặp các em đeo đến trường quá nặng thì làm sao để thay đổi chuyện đó.

“Tuổi nhỏ không có nghĩa là thiếu năng lực. Phải để cho các con hiểu rõ rằng không thể thay đổi cuộc đời của bất kỳ ai nếu các con không thể tự thay đổi cuộc đời của chính mình. Các con muốn cuộc đời trở nên tử tế thì phải học cách sống tử tế với cuộc đời trước” - bà Kiran nêu quan điểm.

Và với quan điểm đó, những đứa trẻ ở ngôi trường của bà đã tự nghĩ ra những dự án xã hội để giúp đỡ mọi người. Dự án đó có thể là câu chuyện của chính người bạn bên cạnh các em. Đó là cậu bé Anista (15 tuổi) phải vượt qua một chặng đường nguy hiểm để đến trường, các bạn của em đã thảo luận với nhau để tìm xem có cách nào giúp Anista hay không, rồi các em lên kế hoạch cùng nhau làm rào chắn, dọn sạch khu vực có nhiều bụi tre, kêu gọi người dân cùng tham gia... Hay câu chuyện của cậu bé Kamlesh không thể đến trường vì khuyết tật hai chân, các bạn trong lớp đã thỏa thuận với nhau sẽ chia thời khóa biểu để mỗi ngày đều có người đến bế hoặc chở Kamlesh đi học... Các em còn tự thực hiện những dự án xã hội vì những người bị ung thư...

Cùng quan điểm với bà Kiran, ông Giản Tư Trung cho rằng các bậc cha mẹ cần phải thay đổi từ việc nhìn nhận về con trẻ. “Phải hiểu được rằng các con học để làm gì? Hãy nhìn con trẻ của chúng ta là con người chứ không phải là sẽ thành người” - ông Trung nhấn mạnh.

Ông Trung chia sẻ cha mẹ ngày nay cần quan tâm hơn việc giáo dục cho con về nhân phẩm, đạo đức. Cha mẹ phải là hình mẫu để con mình noi theo, muốn con tử tế thì bản thân cha mẹ phải là người sống tử tế trước.

“Con người phải thực sự là con người. Trẻ cũng có nỗi buồn, có những điều mà trẻ cho là bi kịch trong cuộc sống của trẻ... Vậy nên hãy dạy trẻ vượt qua những điều đó như thế nào” - ông Trung nói.

Ông Giản Tư Trung

Ông Giản Tư Trung chia sẻ cha mẹ ngày nay cần quan tâm hơn việc giáo dục cho con về nhân phẩm, đạo đức... Ảnh: THANH TUYỀN

Nói về hiện trạng của việc nhiều gia đình chỉ chú trọng đến điểm số, ông Trung cho rằng mỗi môn học mà trẻ đang học đều góp phần hình thành nên tính cách của trẻ chứ không đơn giản là học để đi thi, làm sao để lấy điểm cao, để được lên lớp. Toán học không chỉ là những con số, nó giúp trẻ có thể tìm ra nhiều cách khác nhau để đối diện với những vấn đề mà trẻ đang gặp phải và trẻ sẽ biết cách chọn giải pháp nào là tối ưu nhất; văn học không phải chỉ đơn giản dạy trẻ văn hay chữ tốt mà trên hết là dạy trẻ biết thế nào là đồng cảm với thân phận con người... Ông nhấn mạnh rằng cha mẹ cần thay đổi, lắng nghe con mình để hiểu trẻ rõ hơn chứ không phải cứ khăng khăng gò ép con chạy theo mong muốn của mình.

Nhà báo Thu Hà cũng cho rằng bất kỳ đứa trẻ nào cũng cần một môi trường để chúng dần nhận ra khả năng, định vị được vị trí của mình chứ không phải cha mẹ cứ đổ đầy vào đầu trẻ những điều con cần phải học, cần phải quan tâm. 

“Cha mẹ chỉ cần im lặng thôi thì sẽ lắng nghe được tiếng lòng của con. cha mẹ chỉ cần lùi lại một chút, chậm lại một chút thì con sẽ làm được mọi thứ. Hãy để mình có thể lắng nghe chính mình và lắng nghe được con mình muốn gì” - nhà báo Thu Hà gửi gắm.

Trên hết, cả ba diễn giả đều khuyến khích việc cha mẹ nên để con trẻ tự nói lên được những trăn trở, những vấn đề trong lòng mình, tạo ra một kênh riêng để con được trò chuyện và bày tỏ mình nhiều hơn. Phải tôn trọng chính những đứa con còn nhỏ của mình, như vậy thì cha mẹ mới hiểu rõ đứa con của mình có những khả năng gì để giúp con phát huy, để con tự tin nói rằng: “Con có thể làm được những gì mà con muốn”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm